Quy hoạch đường sắt đô thị liệu có giúp giảm ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi? (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) |
Đường sắt đô thị của Hà Nội cần khoảng 40 tỷ USD và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm. Vấn đề là cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện ra sao để làm được điều này?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa diễn ra ngày 20/6.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để tiếp thu, giải trình những vấn đề các đại biểu quan tâm, nhằm có được Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng tốt nhất và tính khả thi cao nhất.
Theo ông, quy hoạch của Hà Nội đã bám sát vào các nhiệm vụ lập quy hoạch, bám sát vào các nghị quyết, các chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương về định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy đột phá như: định hướng phát triển là thành phố quay mặt ra sông Hồng hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết các vấn đề về môi trường nước, trong đó có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội...
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Yên Nghĩa. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Quy hoạch đã có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác, như chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, di sản, thể hiện Thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa quốc gia, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, quy hoạch cũng đã tập trung vào tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ vai trò trung tâm, là động lực để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước.
Bản quy hoạch cũng thể hiện được định hướng phát triển, là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, tiếp thu những kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế về phát triển cơ sở hạ tầng mới tại các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là những cơ sở hạ tầng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, qua đó thể hiện sự phát triển đô thị theo mô hình điều chỉnh cấu trúc không gian, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông công cộng...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá quy hoạch đã cơ bản xem xét từ những “điểm nghẽn” lớn hiện nay của thành phố như vấn đề ngập úng, ô nhiễm môi trường, giao thông đô thị, an ninh nguồn nước…
Trước ý kiến các đại biểu cho rằng vấn đề thực hiện quy hoạch là rất quan trọng, ông Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Lập quy hoạch đã khó nhưng chưa khó bằng chúng ta giữ được và thực hiện được.”
Về huy động nguồn lực, theo Bộ trưởng, đường sắt đô thị của Hà Nội hiện nay cần khoảng 40 tỷ USD, trong khi phải huy động và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm, phấn đấu làm xong vào năm 2035. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng băn khoăn vậy cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện ra sao để làm được điều này bởi nếu không quy hoạch sẽ chỉ là định hướng tương lai, là kỳ vọng mong muốn, chứ không khả thi.
Tàu điện trên cao đã trở thành phương tiện được đông đảo người dân Thủ đô lựa chọn. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Cho rằng đây là vấn đề lớn và khó, theo ông Dũng, sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện lại và khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch này một cách khả thi nhất. Trong đó, có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai, thứ tự, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên.
Theo Bộ trưởng điều thuận lợi là hiện đang có 2 quy hoạch cùng lúc là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch điều chỉnh chung của Thủ đô, tạo điều kiện rà soát tính đồng bộ, tính thống nhất. Mặt khác, để Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải đồng bộ với các quy hoạch chung của cả nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các ngành quốc gia, Quy hoạch của các địa phương xung quanh.
“Việc này rất quan trọng, nếu không đồng bộ và thống nhất sau này xảy ra xung đột, mâu thuẫn, chúng ta phải trả giá hoặc phải điều chỉnh sẽ rất bất cập,” Bộ trưởng nhấn mạnh./.