Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu 3 tồn tại liên quan tới đấu giá đất
Ủy ban cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường, công khai trên trang thông tin.
Khu vực đất đấu giá ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 3/10, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội quý 3/2024, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn đã thông tin về những phán ánh của dư luận liên quan tới 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có dấu hiệu “bất bình thường.”

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn cho biết ngày 10/8, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai (Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai) đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng 68 thửa đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai với tổng diện tích 5.595,1m; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là từ 8,667 triệu đồng/m2 đến 12,575 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ từ khoảng 51,886 triệu đồng/m2.

Tiếp đến, ngày 19/8, Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức (Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức) đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức với tổng diện tích 1.799,48m2; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là 7,3 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ 91,3 triệu đồng/m2 đến 133,3 triệu đồng/m2.

Trước hiện tượng nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6001/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện các phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức, làm rõ những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề xuất các giải pháp, biện pháp điều tiết thị trường; xử lý nghiêm các hành vi thổi giá, thao túng giá đất (nếu có).

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, qua rà soát tại 2 địa bàn, thành phố xác định có 3 tồn tại: Đầu tiên là về bảng giá đất. Theo đó trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng bảng giá đất theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố (áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024); Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND ngày 07/9/2023 của Ủy ban Nhân dân thành phố về sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Ông cho biết việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất trước Luật Đất đai 2024 được căn cứ theo khung giá đất của Chính phủ quy định, dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá đất do Ủy ban Nhân dân thành phố quy định và giá đất giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường.

“Theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ. Hiện tại, Sở Tài nguyên và môi trường đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai xây dựng điều chỉnh bảng giá đất theo quy định. Do đó, chưa thể cập nhật ngay bảng giá đất sát với giá đất thực tế trên thị trường,” ông nói.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng người tham giá đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh "đầu cơ"; tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc), nhằm mục đích làm giá," "thổi giá" gây nhiễu loạn giá thị trường vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Ông Tấn cũng cho hay trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh "đầu cơ" dẫn đến phức tạp trong quản lý.

Với 3 nội dung trên, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp cụ thể, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, trong đó hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án đầu tư theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Theo ông Tấn, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định của pháp luật đất đai hiện hành tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định; kịp thời cập nhật, phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xác định giá đất.

Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức Hà Nội có 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ, lập kỷ lục về thời gian đấu giá 19 lô đất. (Ảnh: TTXVN phát)

Về triển khai, tổ chức đấu giá, ông nhấn mạnh đảm bảo công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của Trung ương, thành phố và địa phương theo quy định; Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.

“Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá (theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015); truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định,” ông Tấn nói.

Ông Tấn cũng nhấn mạnh việc Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá; đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao "bất thường" để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.

Cùng đó, Ủy ban Nhân dân cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường, công bố danh sách công khai trên trang thông tin…/.

Tin cùng chuyên mục