Một góc triển lãm với hai "tứ quái" hội họa Đông Dương Phổ-Thứ-Lựu-Đàm và Trí-Vân-Lân-Cẩn. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+) |
Tại không gian triển lãm 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), trong các ngày từ 5-29/7 sẽ diễn ra triển lãm mỹ thuật “Hà Nội trong mắt ai.” Triển lãm trưng bày 40 tranh của 17 họa sỹ, phần lớn tranh là chân dung các danh nhân, tên tuổi sinh ra và lớn lên ở Thủ đô hoặc thành danh tại đây.
Giống như “Hà Nội trong mắt ai” (phim tài liệu), nói đến Hà Nội thì không thể bỏ quên giới trí thức. Những gương mặt trí thức của đất Hà thành trải dài theo lịch sử, được tôn vinh ở triển lãm có thể kể đến những nhà văn hóa Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, các Tứ kiệt của hội họa Đông Dương như Phổ-Thứ-Lựu-Đàm, Nghiêm-Liên-Sáng-Phái; đương đại có nhạc sỹ Trần Tiến và các thành viên bộ tứ sông Hồng; đạo diễn Trần Văn Thủy – tác giả phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai,” tác phẩm được lấy tên cho triển lãm…
Đạo diễn Trần Văn Thủy không có mặt do bệnh tuổi già. Ông hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Con trai ông – họa sỹ Trần Nhật Thăng chia sẻ thay người cha. Tâm sự với báo chí, cái tên triển lãm gợi anh nhớ về thời gian không thể quên xung quanh lùm xùm của “Hà Nội trong mắt ai” và phần phim thứ 2 - “Chuyện tử tế,” từng khiến nhà làm phim và gia đình đau đầu.
Sau tất cả, tác phẩm đã trở thành một biểu tượng và triển lãm với cái tên "Hà Nội trong mắt ai" theo họa sỹ Trần Nhật Thăng, phù hợp để tri ân thế hệ cha chú.
Nhạc sỹ Trần Tiến có mặt cùng vợ. Ông nói cảm thấy vui và rất thích khi triển lãm được tổ chức trong một công trình Pháp cổ được trùng tu, phục vụ nghệ thuật. Dự kiến ngày 7/7 (Chủ nhật) ông sẽ có một buổi giao lưu âm nhạc với khán giả Thủ đô ngay tại không gian này (sự kiện cần giấy mời).
Nhạc sỹ Trần Tiến nhận tranh kỷ niệm từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+) |
Hà Nội là Thủ đô và một trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam. Vẻ hiện đại pha lẫn cổ kính, sự thiêng liêng nhưng cũng không kém phần thân thiện của Hà Nội khiến nhiều người thương nhớ, bất kể sinh ra và lớn lên ở đâu.
Với họa sỹ Lê Đức Tùng – Giảng viên khoa Thiết kế đồ họa trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng vậy. Sinh ra ở Thái Bình nhưng anh yêu mến Hà Nội thân thương. Anh là tác giả của loạt tranh về 3 “Tứ kiệt” hội họa Đông Dương và một số tranh khác.
“Hà Nội trong mắt người nghệ sỹ là một vùng đất gắn liền với văn hóa, lịch sử đậm đà từ thời ông cha mình. Những câu chuyện và hình ảnh ấy đi vào tiềm thức mình. Nó trở thành sự nhận diện và đặc trưng của hội họa, nghệ thuật Việt Nam so với các nước khác,” anh chia sẻ./.