Một cảnh phim có sự góp mặt của đạo diễn-diễn viên Quốc Tuấn |
Nghệ sĩ Nhân dân Minh Châu nhận lời mời đóng “Cu li không bao giờ khóc” vì muốn ủng hộ và khích lệ người trẻ làm phim. Nhưng khi làm việc cùng, bà mới biết đạo diễn Phạm Ngọc Lân còn “già hơn cả những người già.”
Sự già cỗi ấy hiện lên qua nỗi buồn hoang hoải ở cả người và cảnh vật Hà Nội, để lại ấn tượng về một thành phố đang vươn mình hội nhập nhưng luôn vương vấn những câu chuyện xưa cũ.
“Cu li không bao giờ khóc” có chủ đề là sự tiếc nuối quá khứ của những người lớn tuổi, thông qua sự lạc lõng và mất kết nối với hiện tại của bà Nguyện. Từng thất bại trong hôn nhân của chính mình, bà lo cuộc “cưới chạy bầu” của cháu gái cũng sẽ mang đến cho cô một tương lai kém hạnh phúc.
Trái với vẻ ngoài chậm rãi và êm đềm của bộ phim, bên trong bà Nguyện là những giằng xé nội tâm và những suy nghĩ miên man không thể ngủ yên, khó lòng xoa dịu.
Những năm 1980, khi là kỹ sư nhà máy thủy điện Hòa Bình, bà Nguyện đã gặp và nên duyên với chồng - một chuyên gia từ Đông Đức. Theo làn sóng xuất khẩu lao động bấy giờ, bà theo chồng về nước, bám trụ qua những biến động thời cuộc để tìm được sự bình an nơi đất khách quê người. Nhưng hạnh phúc chẳng được trọn vẹn khi bà phải bỏ hết tất cả để về Việt Nam và nhận nuôi cô cháu mồ côi.
Sau 20 năm xa cách, hũ tro của người chồng và con cu li trở thành di vật hiếm hoi kết nối bà với những ký ức đẹp đẽ khi xưa. Quá khứ trong bà đã trở thành một thiên đường không có thực, như ca khúc “Thiên thai” thường phát ở quán nhạc bà hay lui tới. Quá khứ ấy còn nằm ở nhà máy thủy điện nơi có những ngày tháng dẫu khó khăn nhưng vui vầy của tuổi trẻ, là nơi bà đã nên duyên với chồng khi xưa.
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ,” có lẽ vì vậy Hà Nội cũng ảm đạm theo qua câu chuyện của bà Nguyện và cô cháu gái. Trong phim hai dì cháu sống gần bờ vở sông Hồng, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Đây là không gian mà Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Cẩm Giang (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) gọi là vùng ngoại vi: Chúng ít xuất hiện trên phim truyền hình, cũng không phải những hình ảnh đại diện thường thấy, được dùng để quảng bá Thủ đô, nhưng vẫn ẩn chứa những cuộc kiếm tìm mơ hồ như của bà Nguyện - một hành trình nhân văn và đầy tính con người.
Hà Nội trong phim cũng cho thấy góc nhìn của một thế hệ đã qua trải thời bao cấp, mang theo ký ức về một hiện thực xã hội chủ nghĩa và cả những thẩm mỹ đã đi vào dĩ vãng nhưng còn vang vọng trong hiện tại.
Với Tiến sỹ Trần Ngọc Hiếu (trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Hà Nội trong điện ảnh dường như luôn có độ lùi về thời gian so với những sản phẩm văn hóa khác, đặc biệt ở các video ca nhạc với nhiều màu sắc hiện đại.
“Cu li không bao giờ khóc” gợi cho anh nhớ về những ngõ xóm lao động với các cuộc tụ tập ăn uống, sinh hoạt văn nghệ mỗi dịp lễ Tết; về ký ức của cha mẹ “ngày xưa cứ 7 giờ sáng cả xóm lại dắt xe đạp ra đi làm cùng một chỗ”; về lối sống mang tàn dư thời hiện thực xã hội chủ nghĩa thế kỷ 20…
“Hà Nội trong phim của Lân gắn với người già. Ở nhân vật của Nghệ sỹ Nhân dân Minh Châu luôn có một khát khao vượt ra, bùng lên, nhưng không thoát được. Nếu gọi Hà Nội là một nhân vật, thì trong phim nó là một nhân vật đang già đi với nỗi cô đơn. Dẫu già nhưng nó vẫn đẹp như thể đang khắc khoải tìm kiếm một cái gì đó” - Tiến sỹ Trần Ngọc Hiếu nhận xét. Anh cũng nói thêm rằng rất nhiều chỉ dấu đặc trưng của Hà Nội đang mất đi, nếu không có những phim như của Phạm Ngọc Lân kể lại để lưu giữ.
“Chúng mình muốn làm một bộ phim mô tả nơi mình đang sống mà không cần phải gọi tên nó ra, cũng không cần đưa ra một biểu tượng. Khi khán giả xem sẽ hiểu thông qua không chỉ hình ảnh, mà còn có được cảm giác bồng bềnh từ âm thanh, tiếng nói,” đạo diễn chia sẻ.
Nghệ sĩ Nhân dân Minh Châu trong phim “Cu li không bao giờ khóc” |
Với chủ đề thời gian, êkíp chủ ý đưa vào phim những gương mặt từng làm nên biểu tượng điện ảnh như Nghệ sỹ Nhân dân Minh Châu, Quốc Tuấn, Thương Tín. Khán giả khi nhìn vào phim không chỉ thấy những gương mặt, cảnh quan, mà còn cả lịch sử của diễn viên.
Với anh đó là một sự xúc động vì sau gần nửa thể kỷ, họ đã đi qua thời hoàng kinh và giai đoạn thanh xuân đẹp nhất. Giờ ở tuổi già, phải trải qua những thăng trầm cuộc sống, những nỗi buồn ấy làm nên nên con người họ ngày nay - những người mà khán giả yêu mến và coi như di sản sống của văn học nghệ thuật nước nhà.
Sự kiên cường của "Cu li không bao giờ khóc"
Có 3 tầng ý nghĩa được gửi gắm ngay từ tên bộ phim. Cu li là công việc chân tay gợi nhớ về thời bà Nguyện đi lao động xa xứ; đó cũng là loại thuốc Nam mà bà tin tưởng là chữa được nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó xoa dịu được cơn đau khớp kinh niên của bà; cuối cùng - gần giống như nghĩa thứ hai - con cu li nhỏ có thể giúp xoa dịu nỗi cô đơn, là cầu nối giữa bà Nguyện với người chồng đã mất cũng như với những kỷ niệm xưa.
Đôi mắt to tròn của con cu li cũng khiến đạo diễn Phạm Ngọc Lân nhớ đến mắt của nữ diễn viên Minh Châu: Một đôi mắt long lanh, khát khao luôn kiếm tìm trong vô định. Cu li không khóc có lẽ cũng giống như sự kiên cường của bà Nguyện, khi bà để lại con vật trong chuyến đi thăm nhà máy thủy điện, như một cách để hòa giải với cô cháu gái, để quá khứ được yên nghỉ.
Bản thân Nghệ sỹ Nhân dân Minh Châu từng phải trải qua cuộc đời sóng gió khi trong hôn nhân của bà có người thứ ba. Nhưng bà không “khóc” mà kiên quyết dắt tay con gái cùng rời đi và kiên cường vượt qua cuộc hôn nhân sóng gió. Giờ đây ở tuổi già, người con duy nhất lại định cư nước ngoài, nhưng bà nói mình không buồn. Có lẽ bởi bà đã tìm được sự tĩnh tại trong tâm, chia sẻ niềm vui với gia đình con gái từ phương xa, có chú chó cưng đồng hành mỗi ngày, tìm được niềm vui cuộc sống ở những thú vui nho nhỏ như làm bánh, đi chơi, gặp gỡ với bạn bè...