Quỹ BHYT chi 1.000 tỷ đồng cho người mắc bệnh đái tháo đường ở Hà Nội
Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe chung của cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2023, chi phí dành cho điều trị những người mắc bệnh đái tháo đường tại Hà Nội chiếm 5% tổng chi của Quỹ bảo hiểm y tế, tương đương với khoảng 1.000 tỷ đồng. Số liệu về kinh phí chi trả của bảo hiểm y tế chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm,” bởi còn nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường phải mua thêm thuốc ở bên ngoài.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết như vậy tại Hội nghị Nội tiết - Đái tháo đường và Hội chứng chuyển hóa Hà Nội mở rộng lần thứ X, do Hội Nội tiết-Đái tháo đường Hà Nội tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, ước tính tại Hà Nội khoảng 500.000 người ở Hà Nội bị đái tháo đường và 1,5 triệu người mắc tiền đái tháo đường.

Phó giáo sư Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết-Đái tháo đường Hà Nội cho hay bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe chung của cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.

Trong số khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường ở Việt Nam thì có gần 2 triệu người chưa biết mình mắc bệnh, do chưa được chẩn đoán chính thức, khiến họ không được điều trị kịp thời. Hậu quả, nhiều người bị các biến chứng nghiêm trọng của bệnh như bệnh tim mạch, suy thận… và tổn thương thần kinh tiếp tục âm thầm gây hại cho sức khỏe của hàng triệu người dân.

Đáng lưu ý khi tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa là vấn đề thực sự đáng báo động. Người bệnh bị đái tháo đường ở Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa, có trẻ mới 14 -15 tuổi đã bị bệnh này.

Theo Phó giáo sư Quân, trong các hướng dẫn điều trị mới nhất, biến chứng tim - thận được coi là nguy hiểm, có nguy cơ tử vong, chiếm tỷ lệ cao nhất. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị suy tim gấp 5 lần so với người không mắc bệnh. Một nửa trong số đó có nguy cơ tử vong trong 5 năm. Bên cạnh các biến chứng tim-thận, mù mắt, bàn chân, tổn thương thần kinh…, một biến chứng cả nam và nữ mắc đái tháo đường có thể mắc phải là suy sinh dục, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.

"Hiện nay có nhiều quảng cáo thổi phồng là có thể chữa khỏi đái tháo đường trong một thời gian ngắn hoặc chỉ trong một liệu trình. Những quảng cáo như vậy làm cho người bệnh hoang mang, thậm chí bỏ thuốc điều trị của bác sỹ đã kê, bỏ khám theo dõi đường huyết định kỳ trong khi trên thực tế đến nay chưa có bất kỳ hiệp hội đái tháo đường nào trên thế giới cũng như các nhà nghiên cứu về bệnh lý đái tháo đường hàng đầu khẳng định có thể chữa khỏi bệnh đái tháo đường," Phó giáo sư Đỗ Trung Quân khuyến cáo.

Đến nay, các hiệp hội đái tháo đường trên thế giới đều khẳng định chưa có khả năng chữa khỏi hẳn bệnh này, tuy nhiên người dân có thể dự phòng, quản lý ngăn ngừa biến chứng, sống hoàn toàn khoẻ mạnh. Các biện pháp phòng ngừa như: Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh; Theo dõi, kiểm soát lượng đường máu; Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tình trạng thừa cân béo phì là các yếu tố cần được quan tâm hàng đầu; Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh đái tháo đường ngay khi được chẩn đoán và tuân thủ phác đồ theo hướng dẫn.

Hội nghị với nhiều phiên thảo luận, các diễn giả đã trình bày các công trình nghiên cứu khoa học mới nhất cũng như các chuyên đề tổng quan cập nhật nhằm tăng cường kiến thức, bổ sung thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong chuẩn đoán, điều trị các bệnh lý liên quan đến nội tiết và chuyển hóa./.

Tin cùng chuyên mục