Thưởng thức tác phẩm nghệ thuật gốm thông qua công nghệ định danh
Tại triển lãm gốm nghệ thuật "Hiện Linh," người xem sẽ dùng công nghệ NFC kết nối một chạm qua điện thoại thông minh để có được toàn bộ thông tin về tác phẩm.
Các đại biểu và khách mời tham quan triển lãm Gốm nghệ thuật "Hiện Linh." (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Ngày 10/11, triển lãm gốm “Hiện Linh” khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội, giới thiệu tới khách tham quan trong nước và quốc tế gần 200 tác phẩm của Giáo sư, họa sỹ Ngô Xuân Bính.

Đặc biệt, mỗi tác phẩm đều được gắn một chip định danh tích hợp công nghệ chuỗi khối (blockchain) và kết nối không dây khoảng cách gần (NFC) để tạo nên một danh tính số duy nhất cho tác phẩm. Với ứng dụng này, người xem sẽ dùng NFC kết nối một chạm qua điện thoại thông minh để có được toàn bộ thông tin về tác phẩm. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại một cuộc triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam.

Chia sẻ về triển lãm, ông Ngô Xuân Bính cho biết: “Công chúng yêu nghệ thuật sẽ có cơ hội đắm chìm trong một thế giới gốm đầy kỳ ảo và cảm xúc, nơi từng tác phẩm như một hiện thân lặng lẽ kể chuyện về sự giao hòa giữa đất, nước và lửa, giữa truyền thống và hiện đại, giữa Việt Nam và thế giới.”

Họa sỹ Ngô Xuân Bính đã nỗ lực tìm về những giá trị nguyên bản của chất liệu và tạo nên sự hòa quyện giữa nét tinh tế của truyền thống và sự sáng tạo không ngừng của nghệ thuật đương đại qua đó thể hiện tâm huyết của một người luôn đau đáu về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Vì thế, đây không chỉ là một triển lãm nghệ thuật, mà còn là lời tự sự dịu dàng và sâu sắc gửi gắm tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ tiếp nối, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Việt.

“Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất mẹ. Mỗi tác phẩm tại triển lãm là một phép màu nhỏ bé, được nuôi dưỡng từ lòng yêu nghề, từ sự tĩnh lặng của bàn tay và nhịp thở của đất trời. Chính những yếu tố ấy đã biến ‘Hiện Linh’ trở thành một không gian không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để cảm nhận sâu sắc tinh thần văn hóa và sức sống mãnh liệt của gốm Việt Nam,” ông Ngô Xuân Bính nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhận định các tác phẩm gốm điêu khắc lần này của Giáo sư, họa sỹ Ngô Xuân Bính tiếp nối mạch nguồn sáng tạo không ngừng nghỉ mà ông theo đuổi trong nhiều năm qua, nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của gốm Việt.

“Triển lãm góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông ta từ ngàn đời xưa; gắn kết, lan tỏa các giá trị truyền thống và hiện đại, tạo không gian sáng tạo mới, đưa mỹ thuật đến gần với cuộc sống; thể hiện tri thức và sự sáng tạo của con người Việt Nam,” ông Đỗ Đình Hồng đánh giá.

Triển lãm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Tạp chí Mỹ thuật tổ chức, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Triển lãm sẽ mở cửa đến ngày 31/12 với rất nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn./.

Tin cùng chuyên mục