09/02/2012 | 09:26:00

Bảo tồn di sản văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội

I. HIỆN TRẠNG DI TÍCH KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI

1.Sự hình thành di sản

Nhìn tổng thể Khu Phố cổ (KPC) Hà Nội là một di sản văn hóa Quốc gia, điều đó được khẳng định tại Quyết định số 14/2004/QĐ-BVHTT ngày 5 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc xếp hạng di tích Quốc gia KPC Hà Nội. Di sản văn hóa trong KPC Hà Nội rất đa dạng phong phú, nhiều chủng loại, nhiều chất liệu, tồn tại lâu năm, nên đã xuống cấp, bị mai một, rất khó khăn trong việc bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị. Theo cách phân chia của Luật Di sản văn hóa trong KPC Hà Nội tồn tại hai loại hình di sản là di sản vật thể và di sản phi vật thể.

Khảo sát di sản vật thể trong KPC Hà Nội ta thấy có các loại hình di tích, di vật như: di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật.

Trong số các di tích lịch sử có những di tích lưu niệm các nhân vật có công với nước như: Lý Tiến (Đền thờ ở 27 phố Hàng Cá), người có công đánh giặc Ân. Đền Hương Nghĩa số 13b phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, đền thờ Cao Tứ em con chú ruột Cao Thông (Tức Lỗ) có tài võ nghệ chỉ huy thủy quân được vua Thục An Dương Vương gả công chúa Phương Minh. Sau nhiều năm xông pha trận mạc, lập công lớn, ông hy sinh ở vùng cửa sông Tô. Ông được dân các phường Hương Nghĩa, Ngũ Đằng, và Hương Bài lập đền thờ, trong đền thờ cả Cao Tứ và công chúa Phương Minh. Đền Đức Môn - 38 b Hàng Đào thờ Ngô Văn Long, người có công giúp vua Hùng vương thứ 18 dẹp loạn ở châu Hoan. Đền Thanh Hà tại số 10 Ngõ Gạch còn giữ được tấm bia dựng năm Tự Đức 8 (1855) do Bùi Tú Lĩnh soạn cho biết đình lập nên để thờ đức ngài Trần Lựu có công đánh giặc ở thời Trần, ông được phong là Thiên Xương đô Đại Thành hoàng Túc thanh linh ứng Đại vương. Sau khi thắng giặc về đến thôn Thanh Hà, tổng Đồng Xuân thành Thăng Long mở tiệc khao quân, và mời phụ lão các vùng xung quanh đến dự, ai nấy vui mừng, vào lúc đó trời mây mù mịt, chớp lòe sấm vang, Đại vương liền hóa. Thôn xóm lập đền phụng thờ, linh ứng vô cùng”(1)

Di tích Cách mạng có những di tích thời kỳ trước năm 1930 gồm một số địa điểm nuôi giấu cán bộ, thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945.

Thời kỳ 1930 - 1945 có trụ sở các báo Lao Động, Nhân Dân, Tin Tức, Tin Lành. Những di tích thời kỳ toàn quốc thời gian để trung ương chính phủ chuyển lên chiến khu Việt Bắc an toàn kháng chiến, lưu dấu những ngày đêm quân dân Thủ đô chiến đấu quyết tử kéo dài than.

Năm 1946 KPC là nơi diễn ra nhiều sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, nhà số 86 Hàng Bạc - Trụ sở của Trung đoàn Thủ đô.v.v.

Đậm đặc nhất trong KPC là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật; trong loại hình di tích này cũng có thể chia ra làm mấy loại: Quy hoạch không gian KPC với các tuyến phố; Di tích liên quan đến tín ngưỡng - tôn giáo; Các công trình văn hóa; Các công trình công cộng; Trung tâm thương mại và nhà ở, nhà ở kiêm xưởng sản xuất và cửa hiệu. Trong số này đã có 24 di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia trước khi KPC được xếp hạng

Các di tích liên quan đến tín ngưỡng có các loại hình: đình, đền, miếu, nhà thờ họ, thờ tổ nghề, hội quán người Hoa,

Các công trình liên quan đến các tôn giáo như: Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo; có các thiết chế: chùa (sáu chùa), quán Đạo giáo (quán Huyền Thiên phố Hàng Khoai), nhà thờ Công giáo (nhà thờ Lớn - phố Nhà Thờ), nhà thờ đạo Tin lành (cạnh chợ Hàng Da), nhà thờ Hồi Giáo (phố Hàng Gà)

Các công trình văn hóa như các nhà hát: Chuông Vàng (phố Hàng Bạc), Hồng Hà (phố Hàng Da), rạp chiếu bóng Long Biên (phố Hàng Chiếu), Bắc Đô (phố Hàng Giấy) và Đại Đồng (phố Hàng Gà)

Công trình công cộng có Ô Quan Chưởng (phố Ô Quan Chưởng) một cửa ô duy nhất còn lại đến ngày nay.

Các công trình phục vụ thương mại có các chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Hàng Bè.

Nhà ở và nhà ở kiêm cửa hàng có mặt bằng hình ống là một đặc trưng làm nên sự cổ kính của KPC Hà Nội. Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, trong KPC có 1083 nhà ở cần phải bảo vệ.

Đối với các di sản phi vật thể, các di sản phi vật thể trong KPC gắn bó với các di sản vật thể. Lễ hội, thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối gắn ở các di tích kiến trúc nghệ thuật, trong đó phần lớn liên quan đến di tích tín ngưỡng - tôn giáo. Các phong tục tập quán, sinh ho¹t dân gian, nghề Thủ công truyền thống (bí quyết - thao tác), ẩm thực trong KPC. Nghệ thuật trình diễn các loại hình văn nghệ truyền thống như hát ả đào, hát chèo, tuồng.v.v. thông thường cũng được diễn ra tại các cửa đình.

2. Tình trạng các di sản văn hóa

Các di sản văn hóa đó ra đời, tồn tại cùng với KPC. Trong quá trình cả ngàn năm lịch sử, các di sản ra đời sớm muộn khác nhau, có cái tồn tại cả ngàn năm được nhiều thế hệ xây dựng, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, mở mang hoặc thu hẹp lại. Một số cái mới xuất hiện gần đây, cũng có những di tích mất đi, hoặc đã bị chuyển hóa vị trí, chức năng, hay thay đổi cho phù hợp với một đô thị đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tình trạng chung của các di sản văn hóa hiện hữu trong KPC Hà Nội là đều đang xuống cấp, mai một ở những mức độ khác nhau.

2.1 Di sản vật thể

KPC Hà Nội hiện nay, theo số liệu của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội lưu trong hồ sơ xếp hạng di tích, có diện tích 100 ha, trong đó khu dân cư chiếm 81 ha, khu thương mại 12 ha (ba chợ), các công trình văn hóa 7ha (gồm đình, đền, chùa, nhà hát, rạp chiếu bóng). Đây là một khu vực có mật độ cư dân đông đúc nhất của Thủ đô

Trong quá trình tồn tại không gian KPC từ thời Lý đến nay có mấy lần mở rộng, lần thứ nhất là từ khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long vào năm 1010, đến đời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), cho mở phố chợ ở ngoài cửa Đông thành Thăng Long, hàng hóa chen chúc, sát khu vực đền Bạch Mã nên chợ còn có tên là chợ Bạch Mã (2). Chợ này vào thời Lê được người đời Thanh đưa vào đề vịnh Thăng Long Bát cảnh (Bạch Mã sấn thị - họp chợ ở Bạch Mã). Lúc này khu đô thị chạy từ cửa Đông thành Thăng Long ra đến khu vực ngã ba sông Nhị - sông Tô (khu vực phố Chợ Gạo). Đến đời Trần, chính quyền cho Hoa kiều cư ngụ lập phố tại khu vực phố Hòe Nhai ở phía Đông Bắc. Tới thời Lê trung hưng, lại cho Hoa Kiều làm kè ngăn phía trên ngã ba sông Hồng- sông Tô hình thành các phố phía Đông Nam. Đó là phía Đông, còn phía Tây đến đầu thế kỷ 19, năm 1805 vua Gia Long cho triệt phá thành Thăng Long để xây dựng thành Hà Nội theo kiểu Vauban, thành mới diện tích tương đương khu cấm thành của thành Thăng Long xưa. Tường thành phía Đông đang ở khoảng giữa phố Hàng Đường và Hàng Cân, lúc này lui về phía sau phố Hàng Gà - Hàng Điếu. Tới cuối thế kỷ 19, Người Pháp cho triệt phá thành Hà Nội. Việc thu hẹp Thành Thăng Long và Thành Hà Nội tạo điều kiện cho KPC mở rộng. Nếu tính cả sự kiện xây cầu Long Biên (khánh thành năm 1902) Chính quyền Thực dân cho lấp hồ Tay ngai hình thành các phố Hàng Khoai, Gầm Cầu, một phần phố Hàng Giấy. Cũng thời gian này, Chính quyền Thực dân cho quy hoạch lại Hà Nội, san lấp một số hồ ao, chỉnh trang đường phố trong KPC và xung quanh Hồ Gươm. Về cơ bản, đến đầu thế kỷ 20 KPC Hà Nội đã định hình về mặt không gian, các tuyến phố cũng đã ổn định.

Các công trình kiến trúc trong KPC được xây dựng vào những thời kỳ sớm muộn khác nhau, vật liệu kiến trúc vì thế cũng được thay đổi theo từng thời gian. Di tích cổ nhất được biết đến qua ghi chép trong sách Việt điện u linh tại KPC là đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm(3). Theo sách trên thì ngôi đền có niên đại khởi dựng sớm nhất tại Hà Nội, trước cả khi nhà Lý định đô tại đây. Đến thời Vua Lý Thái Tông, Vua cho mở chợ ở khu vực này, đồng thời có ý định chuyển đền ra chỗ khác thanh vắng hơn, nhưng sau lại thôi. Ngôi đền tồn tại hơn ngàn năm là một dấu mốc quan trọng của KPC Hà Nội. Ngôi đền chứng kiến bao cảnh thay đổi thăng trầm của Kinh đô và của KPC. Ngôi đền Bạch Mã đã được ghi dấu trên hầu hết các tấm bản đồ thời Hồng Đức thế kỷ XV và sau này.Trải hơn ngàn năm tồn tại, ngôi đền được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Diện mạo ban đầu của ngôi đền như thế nào khó có ai biết được. Đến thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn miêu tả kiến trúc đền trong sách Kiến Văn Tiểu Lục như sau:

‘Ở Kinh sư, tám ngôi đền thờ thượng đẳng thần: đền thần Bạch Mã, đền thờ thần Đô đại thành hoàng, đền thờ thần Bố Cái, đền thờ thần Sơn Minh. Các nhà đều làm theo hình chữ công, tiền đường, hậu đường đều 3 gian hai chái, nhà cầu hai gian, phòng bếp 3 gian, nghi môn 1 gian’ (4). Mặt bằng kiến trúc, hình dáng kiến trúc của đền hiện nay là kết quả của những đợt trùng tu mở mang vào thế kỷ XVIII - XIX của người Hoa và người Việt tại các giáp Bắc thượng, Bắc hạ và Mật Thái của phường Hà Khẩu.

Bia tạo lệ đền Bạch Mã cho biết phường Hà Khẩu có ba giáp là Mật Thái,
Bắc thượng, Bắc hạ. Nội dung bia khắc lệnh chỉ của chúa Trịnh (Tĩnh Vương - Trịnh Sâm) cho dân ba giáp này làm dân tạo lệ: ‘Đã thẩm tra đúng sự thực, nên cho được làm dân tạo lệ, phụng sự như cũ. Hàng năm tiền thuế nhà, việc đắp đê, cầu, cống, đường sá và trang trí ở chỗ hội hè mùa xuân tất cả các việc sưu sai, tạp dịch đều tha cho. Trâu bò làm tế tự tại đền miếu không phải kính biếu cái thủ,’(5). Tại đền Bạch Mã hàng năm được Nhà nước tổ chức làm lễ “tiến xuân ngưu” rất trang trọng.(6).

Một vị thần được thờ tại Long Biên từ rất sớm và được chép trong sách Việt điện u linh cùng với đền Bạch Mã là thần Tô lịch. Thần có lai lịch từ đời Tấn, thế kỷ IX Ông được quan đô hộ là Lý Nguyên Gia lập đền thờ làm Thành hoàng. Đến khi Cao Biền xây thành Đại La tôn làm Đô phủ Thành hoàng thần quân. Thế kỷ XI Lý Thái tổ phong làm Quốc đô Thăng Long, Thành hoàng Đại vương. Ngôi đền cũ giờ không biết ở chỗ nào. Hiện nay thần Tô Lịch được thờ tại đình Tân Khai (Thái Cam) 44 Hàng Vải(7).

Trong KPC Hà Nội trước đây còn có một di tích khá nổi tiếng thường được thể hiện trên các tấm bản đồ thời Hồng Đức và các bản đồ Hà Nội sau này là chùa - tháp Báo Thiên. Chùa được dựng vào năm 1057 thời vua Lý Thánh Tông(8). Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi về chùa như sau Chùa báo Thiên: ở thôn Tiên Thị huyện Thọ Xương. Xưa gọi là phường Báo Thiên, do Lý Thánh Tông dựng; lại xây bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên, cao mấy chục trượng, gồm ba tầng, phát gần 12.000 cân đồng để đúc chuông lớn. Đến đời nhuận Hồ đỉnh tháp đổ, an phủ sứ Đông Đô vì không báo tai bị biếm. Cuối đời Lê, Tây Sơn cho dỡ gạch ngói để làm việc xây dựng, mỗi hòn gạch đều có in niên hiệu triều lý. Chùa hiện nay là do tổng đốc Tôn Thất Bật theo chùa cũ mà sửa lại. Những đá xanh còn lại có hình hoa sen là đá mặt tháp có hình bát giác là bệ của tháp, đều là vật xưa cả.”(9).

Đến thời Pháp thuộc người Pháp cho giám mục Puginier xây nhà thờ Lớn, trên nền tháp Báo Thiên. Nhà thờ được xây vào năm 1884, lúc đầu lấy tên là nhà thờ thánh Giô Dép, (Saint Joseph) khi mới xây là một nhà thờ nhỏ bằng gỗ. Đến năm 1886 xây lớn theo mẫu nhà thờ Đức Bà tại Pari (Pháp). Nhà thờ khánh thành đúng vào Noen năm 1886. Chùa - tháp Báo Thiên bị mất hẳn từ đó.

Bên cạnh những di tích nổi tiếng được xây từ rất sớm, nhiều di tích khác cũng được xây dựng và tàn phá trong hơn 10 thế kỷ. Có công trình do Nhà nước (quan cai trị) xây dựng, có cái do dân chúng xây dựng. Có công trình đặc biệt được Nhà nước cho dân địa phương làm dân tạo lệ miễn phu phen tạp dịch và một số thuế khóa để lo cho việc hương khói thờ thần.

Những công trình kiến trúc tại KPC trước đây, trừ một số công trình tín ngưỡng - tôn giáo lớn được xây dựng bằng gỗ lợp ngói, phần lớn kiến trúc nhà dân, nhà kiêm cửa hiệu đến đầu thế kỷ XIX vẫn là những ngôi nhà lợp mái rạ, tường trát rơm trộn bùn. Từ sau thế kỷ XIX nhà cửa tại KPC Hà Nội mới chuyển sang lợp ngói, xây tường gạch (10)). Đến đầu thế kỷ 20 xuất hiện thêm những ngôi nhà tây kiểu thuộc địa tại KPC.

Những thờì kỳ sau này nhà cửa được cơi nới, xây dựng khá lộn xộn. Giai đoạn này xuất hiện những ngôi nhà bốn năm tầng, ngoài trát đá rửa, hoặc khung nhôm kính, cửa lùa của những ngôi nhà kiêm cửa hiệu xưa kia được thay bằng cửa đi và cửa sổ, một số nhà còn lắp cửa sắt kéo ngang hoặc kéo sập.

Trong thực trạng đó cộng thêm điều kiện thiên nhiên đới ẩm khắc nghiệt các di tích, di vật tại KPC Hà Nội đã xuống cấp nhiều. Hà Nội lại là một thành phố nằm giữa đồng bằng Bắc bộ, được bao quanh bởi hệ thống sông hồ chằng chịt. Theo điều tra của ngành địa chính Hà Nội hiện nay vẫn còn một lượng lớn ao hồ, lớn hơn cả là sông Hồng ở phía Bắc và Đông, sông Tô Lịch, sông Kim ngưu, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu, hồ Gươm, hồ Ba Mẫu, hồ Văn Chương.v.v. Sông, ngòi hồ ao tạo nên đặc trưng riêng của Thành phố (thành phố sông hồ), điều chỉnh khí hậu, những cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bọ, côn trùng phá hoại di tích.

Điều kiệu khí hậu cũng là một tác nhân quan trọng làm cho các di tích trong KPC vốn được làm từ các nguyên liệu hữu cơ như gỗ rất dễ bị hư hỏng vì môi trường ẩm ướt, mối mọt, côn trùng phá hoại. Việc cư trú với mật độ cao, các hoạt động giao thương tấp nập hầu như suốt ngày đêm đã làm cho các di tích bị xuống cấp không được bảo quản tu bổ kịp thời. Việc sử dụng các di sản của người dân cũng không được tốt. Người dân sử dụng các di sản giống như các công trình bình thường khác. Họ không coi những ngôi nhà mình là những di sản cần phải bảo tồn mà là những ngôi nhà thuê của Nhà nước nên nhiều công trình bị xuống cấp mà không được sửa chữa kịp thời.

Đi đôi với tình trạng để cho di tích xuống cấp, một số không ít các công trình kiến trúc kiểu cổ đã bị đập bỏ để thay thế vào đó là những ngôi nhà mới xây theo kiểu hiện đại, nhiều tầng. Những ngôi nhà này hiện diện không ít trong KPC Hà Nội, mang phong cách kiến trúc của những thời kỳ gần đây. Kiểu dáng, quy mô, chiều cao kiến trúc, vật liệu xây dựng của những công trình này hầu hết không phù hợp với kiến trúc truyền thống trong KPC. Hơn thế nữa sự xuất hiện của chúng còn ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan chung của KPC và tác động xấu đến sự bền vững của những ngôi nhà cổ ở xung quanh.

2.2 Di sản phi vật thể

Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể KPC Hà Nội còn lưu trữ nguồn di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, nhiều về số lượng, phong phú về loại hình. Các di sản văn hóa phi vật thể thể hiện dưới nhiều dạng: lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, chữ viết, ngành nghề Thủ công truyền thống...

Trước hết nói về lễ hội, trong KPC hiện nay còn tồn tại nhiều không gian lễ hội tại hệ thống đình, đền, chùa, miếu. Xưa kia tại các công trình tín ngưỡng tôn giáo này đền có hoạt động lễ hội. Trong số đó nổi bật có lễ hội đền Bạch Mã một trong Thăng Long tứ trấn (đền Bạch Mã ở phía Đông, đền Voi Phục ở phía Tây, đền Quan Thánh ở phía Bắc và đền Kim Liên nằm phía Nam thành phố) những địa điểm này giống như các cột mốc quy hoạch Thăng Long từ thời Lý, mang đậm yếu tố phong thủy theo quan niệm phương Đông. Các ngôi đền tứ trấn thờ một số vị thần, trong số đó có vị thần gốc Trung Quốc (Huyền Thiên đại đế) và những vị thần Việt Nam (Linh Lang, Sơn Tinh, Bạch Mã). Tại Đền Bạch Mã theo những ghi chép và văn bia còn tại đền xưa kia đã diễn ra Lễ “tế xuân ngưu” và tục “đả xuân ngưu”. Lễ “tiến xuân ngưu”được ghi lại trong văn bia như sau: Trước tiết lập xuân một ngày, Bộ Công cho dân rước một con trâu nặn bằng đất đến đàn phường Đông Hà (tức khu vực đền Bạch Mã). Đúng tiết lập xuân, Phủ doãn Phụng Thiên và hai huyện quan Thọ Xương và Quảng Đức lấy cành dâu đánh con trâu đất rước vào điện vua làm lễ, lễ này bao hàm ý nghia tống khí lạnh mùa đông, đón khí ấm mùa xuân”(11). Đây là một nghi lễ lớn của Kinh thành.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống, và sinh hoạt văn nghệ dân gian tại KPC Hà Nội xưa kia cũng là một nét đặc trưng của văn hóa KPC. Trước kia tại Thăng Long có Ty Giáo Phường làm nhiệm vụ tìm kiếm, tập hợp các làn điệu dân ca và các bài hát từ các tỉnh để phổ biến tại Kinh kỳ. Đất Kinh thành, Hà thành có mặt khá đầy đủ các loại hình nghệ thuật biểu diễn của các miền, từ Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan (Xuân) Phú Thọ, hát phường Vải (Nghệ An), cải lương Nam bộ, sau này người ta còn xây dựng hẳn một rạp cải lương Chuông Vàng trong KPC. Ngoài ra còn có hát sẩm. Người Thăng Long hồi xưa được coi là những người dân thích nhất hát Chèo” (12).

Một loại hình nghệ thuật được ưa chuộng ở đất Hà Thành xưa kia là “hát Ả đào”, theo tục lệ khi các làng vào đám thường mời các gánh hát về hát Ả đào tại đình (vì thế loại hình này còn được gọi là hát cửa đình). Xưa kia không biết từ bao giờ đã có sự quy định giữa các nhà cô đào, mỗi nhà cô đào gần như được độc quyền hát tại một ngôi đình, những nhà cô đào khác không được đến xâm phạm(13).

Hệ thống hòanh phi câu đôi, thần phả ngọc phả sắc phong, văn bia văn chuông, các bài văn tế hiện đang lưu giữ tại các di tích đình chùa đền miếu là những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá. cần phải có phương án bảo vệ thích hợp để chúng không bị hư hỏng, mai một.

Đó là chưa nói đến một khối lượng lớn các truyền thuyết, thơ ca nói về Thăng Long - Hà Nội, nào là: “Phồn hoa thứ nhất Long Thàng, phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ”; “Không thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; hoặc: “Nhất Kinh kỳ - nhì Phố Hiến”.v.v. và v.v.

Các ngành nghề Thủ công truyền thống, đặc biệt là hoạt động sản xuất, buôn bán tại các ngôi nhà kiêm xưởng sản xuất và cửa hiệu. Hệ thống các ngành nghề Thủ công truyền thống mà ngay các tên phố trong KPC đã nói lên điều đó. Mỗi phố vẫn còn nhắc nhở hoặc còn đó những mặt hàng Thủ công truyền thống trên các phố Lò Rèn, Hàng Đồng, Hàng Bạc...

Những món ẩm thực nổi tiếng của Thủ đô rất phong phú đa dạng, các món không chỉ ngon, quy trình chuẩn bị chế biến một số món ăn được coi là những nghệ thuật trình diễn. Một số món đã đánh tiến ra ngoài biên giới đất nước như:bún chả, chả cá Lã vọng và đặc biệt là phở.

Tuy nhiên các di sản văn hóa phi vật thể phong phú đa dạng của Thăng Long lại đang tồn tại trong một môi trường phát triển kinh tế rất sôi động, sự tác động đến các di sản văn hóa phi vật thể diễn ra không phải hàng ngày hàng giờ mà từng phút, từng giây. Những tác động tích cực cũng có, những tác động tiêu cực lại càng nhiều hơn. Do vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long cần phải đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù của đất Cố đô và Thủ đô trong thời kỳ đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập hiện nay.

II - TÌNH HÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRONG KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI THỜI GIAN QUA


Từ nhiều năm qua KPC Hà Nội đã nhận đợc sự quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị của cña các tổ chức trong và ngoài nước, sự quan tâm đó thể hiện thông qua một số hành động cụ thể như:

- Bộ trưởng Bộ Xây Dựng đã ban hành Quyết định số 70/BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tôn tạo và phát triển KPC.

- Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số: 911/QĐ-UB ngày 3/3/1998 thành lập Ban Quản lý phố cổ. Do đặc thù, tầm quan trọng của KPC Hà Nội nên Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao một Phó chủ tịch Ủy ban làm Trưởng ban.

- Tiếp đó ngày 4/6/1999 Uỷ ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 45/1999/QĐ-UB về việc ban hành Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo KPC Hà Nội.

- Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội triển khai nghiên cứu lập hồ sơ di tích KPC Hà Nội trình Bộ Văn hóa - thông tin ( Nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Trên cơ sở hồ sơ đó, ngày 5 tháng 4 năm 2004 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 14/2004/QĐ-BVHTT về việc xếp hạng di tích Quốc gia KPC Hà Nội.

- Bên cạnh việc xếp hạng di tích toàn bộ KPC, do tính đặc thù của KPC là các loại hình di tích đan xen với những công trình xây dựng mới, những công trình di tích có giá trị nằm kề bên các công trình kệch cỡm thiếu mỹ quan. Vì vậy trong khu vực này đã có một số di tích được lựa chọn xếp hạng di tích Quốc gia, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị một cách tập trung, có trọng điểm trước khi toàn bộ KPC được xếp hạng di tích Quốc gia.

Cho đến nay đã có 24 di tích trong KPC được xếp hạng di tích Quốc gia là: đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm), Ô Quan Chưởng (Hàng Chiếu), đình - chùa Thái Cam(44 Hàng Vải), đình Thanh Hà (10 Ngõ Gạch), chùa Cầu Đông -Đông Môn (38b Hàng Đường), Đình Đức Môn (38b Hàng Đường), chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược), đình Vĩnh Trù (59 Hàng Lược), đình Ngô Hầu (29 Hàng Bè), đình Phủ Từ (19 Hàng Lược), đền Thiên Tiên (120 Hàng Bông), chùa Kim Cổ (73 Đường Thành), đình Lò Rèn (1 Lò Rèn), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), đình Trương Thị (50 Hàng Bạc), đền Hương Nghĩa (13b Đào Duy Từ), đình Hương Tượng (64 Mã Mây), đình Ngu Giáp (54 hàng Cót), đền Đồng Thuận (27 Hàng Cá), đền Cổ Lương (18 Nguyễn Siêu), đình Yên Thái (8 ngõ Tạm Thương), Quán Huyền Thiên ( phố Hàng Khoai)Trụ sở báo tin Tức (105 Phùng Hưng), nhà 48 Hàng Ngang,

Theo Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 4/6/1999 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, trong KPC hiện nay có 76 tuyến phố nằm trong khu vực bảo vệ di tích. Trong đó có 17 tuyến phố được xếp vào trong diện bảo vệ, tôn tạo cấp I và 59 phố còn lại được đặt trong phạm vi bảo vệ tôn tạo cấp II.

Bản Điều lệ quản lý xây dựng cũng đã có những quy định cụ thể về mật độ xây dựng tối đa tính theo diện tích lô đất xây dựng công trình, mật độ xây dựng tối đa và hệ số sử dụng đất tối đa tại các lô đất xây dựng công trình công cộng có diện tích lớn hơn 300m2. Độ vươn tối đa của ban công, mái đua, ô văng, so với chiều rộng lộ giới (các công trình giáp mặt đường) và đô nhô ra của các bộ phận công trình. Theo đó, độ cao tối đa không quá 4 tầng, độ vươn tối đa của ban công không quá 1,4m và độ nhô ra của các bộ phận công trình không quá 0,3m.

Bên cạnh những hoạt động tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội, Thành phố cũng đã tạo điều kiện đề nhiều nhà khoa học, những người có tâm huyết, các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu đề xuất về quy hoạch, xây dựng và quản lý xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị KPC.

Thành phố đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan khoa học trong nước và quốc tế đến từ các trường đại học các nước Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị KPC một cách hữu hiệu.

Một số cơ quan chức năng của Thành phố, một số cơ quan nghiên cứu đã tổ chức điều tra cơ bản về dân số, di tích, phân loại đánh giá tình trạng dân cư, nhà cửa, hoạt động kinh doanh dịch vụ, tình trạng xây dựng, giao thông, tâm lý dân cư trong KPC. Đã triển khai vẽ ghi mặt tiền các dãy phố và một số công trình tiêu biểu. Những hình thức nghiên cứu nhằm lôi cuốn sự chú ý của người dân trong KPC quan tâm hơn đến di sản do mình đang trực tiếp sử dụng như phương pháp Photovoice cũng đã được sử dụng.

- Một số di tích và nhà cổ trong KPC đã được tu bổ tôn tạo thí điểm với sự tài trợ của một số tổ chức quốc tế, như trường hợp các nhà 87 phố Mã Mây, nhà số 38 Hàng Đào nhận được sự hỗ trợ của Đại học Toulouse (Pháp) và đã được tu bổ. Bên cạnh sự tài trợ của Nhà nước, các tổ chức cá nhân nước ngoài, cộng đồng nhân dân địa phương cũng đã đóng góp tu bổ nhiều di tích trong KPC.

- Thành phố cũng đã tổ chức nghiên cứu, xem xét đầu tư kinh phí đưa hàng chục hộ dân đang ở trong các di tích đã được xếp hạng di tích Quốc gia ra ngoài khu vực di tích, nhờ đó cảnh quan di tích được cải thiện, phong quang hơn như trường hợp các chùa Lý triều Quốc sư, chùa Cầu Đông, đền Phù Ủng vọng từ.

- Đã có một số nghiên cứu, đề xuất của cơ quan Nhà nước về bảo tồn KPC.

- Một số cơ quan chuyên môn của Trung ương và Thành phố đã đề xuất một số qui hoạch trong KPC, lập dự án tu bổ tôn tạo thí điểm một ô phố trong KPC.

- Đã bước đầu có sự điều tra nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong KPC Hà Nội như: các lễ hội, các ngành nghề Thủ công truyền thống, đình thờ tổ nghề, cách thức buôn bán, lối sống, nếp sống, ăn, mặc, ở, giao tiếp của người dân trong KPC, quá trình nghiên cứu đã phát hiện nhiều tư liệu về di sản văn hóa có giá trị.

- Đã có những hoạt động giới thiệu, tuyên truyền cho nhân dân trong KPC về giá trị của các di sản, nhiều di tích đã được phát huy giá trị trong việc giáo dục truyền thống

- Đã triển khai xây dựng điểm và tuyến du lịch trong KPC, sau khi KPC được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, Thành phố đã tổ chức tuyến phố đi bộ vào buổi tối hai ngày nghỉ cuối tuần

- Một số câu lạc bộ nghiên cứu, sưu tầm trình diễn một số loại hình nghệ thuật dân gian được thành lập nhằm bảo tồn các vốn cổ như những câu lạc bộ ca trù.

- Ban Quản lý KPC cũng đã lập Website về KPC để quản lý và giới thiệu về KPC Hà Nội rộng rãi trên cả nước và quốc tế.

Tuy nhiên công tác bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội vẫn còn rất nhiều khó khăn, trước hết là vì KPC là một khu dân cư mật độ đông đúc, một khu thương mại sầm uất nhất của Thủ đô, các di tích liền kề nhau, những công trình có giá trị đan xen với những công trình ít hoặc không có giá trị. Việc xác định các khu vực bảo vệ của từng di tích rất khó khăn. Việc giải quyết vi phạm, lấn chiếm di tích, nhất là những vi phạm trước khi di tích được xếp hạng cực kỳ nan giải, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ về diện tích, mặt bằng di chuyển, tạo công ăn việc làm, và nhất là phải có sự đồng thuận của người dân.

Một khó khăn khác là di tích tồn tại lâu năm phần nhiều đã xuống cấp, việc tu bổ tôn tạo còn nhiều bất cập. Khó tìm được sự đồng thuận của tất cả mọi người trong KPC do lợi ích, nhu cầu của mỗi người, mỗi nhà rất khác nhau.

Công tác quản lý di tích còn chưa xứng tầm cả về bộ máy tổ chức cho đến đội ngũ cán bộ chuyên môn, bộ máy còn chưa đủ các bộ phận cần thiết, cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn để quản lý, chỉ đạo và tham mưu cho lãnh đạo Thành phố các mặt quản lý liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội, chưa đóng vai trò tích cực trong việc định hướng, giúp người dân trong bảo vệ di sản.

Đối với di sản phi vật thể việc bảo tồn và phát huy giá trị cũng vấp phải nhiều khó khăn, không gian lễ hội đã bị thu hẹp, các hoạt động văn nghệ dân gian, nghệ thuật trình diễn truyền thống bị mai một do sự thâm nhập của các hình thức nghệ thuật biểu diễn hiện đại và do việc chăm lo nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng nghệ nhân không được chú trọng. Diện mạo và hoạt động ở một số phố nghề đã có ít nhiều thay đổi về cung cách làm ăn, dịch vụ. Hàng hóa sản xuất trong KPC đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa ngoại và các nơi khác, nhất là sau khi nước ta ra nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tình hình đó dẫn đến việc một số sản phẩm phải thay đổi để thích ứng với thời đại mới, hợp vệ sinh hơn, bắt mắt hơn, một số nghề cũ không còn hợp thời nữa bị mai một. Một số nghề vẫn tồn tại và phát triển (nghề rèn, nghè vàng bạc...), một số nghề, hàng hóa mới xuất hiện.(buôn bán đồ chơi Trung Quốc, hàng hóa Hàn Quốc v.v...

III. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI TRONG THỜI GIAN TỚI

Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội của cả nước, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, sự đón nhận các trào lưu văn hóa mới trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay tạo nờn những thời cơ và thách thức cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Thủ đô. Do đó chúng ta cần chủ động nắm bắt được những lợi thế và lường trước những phức tạp do quá trình phát triển kinh tế - xã hội đó để tìm biện pháp thích hợp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Lợi thế của sự phát triển đó là tiềm năng kinh tế của đất nước ngày càng dồi dào, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Những phức tạp chính là sự ưu tiên cho phát triển kinh tế mạnh mẽ, nếu không chú ý sẽ phá vỡ, lấn dần và làm mai một các di sản văn hóa. Sự hội nhập quốc tế một cách nhanh chúng, mở cửa, hội nhập nếu không tính đến một sự phát triển bền vững sẽ làm hủy hoại các di sản văn hóa. Sự du nhập các trào lưu văn hóa trong thế hệ trẻ nếu không được hướng dẫn tốt sẽ dẫn đến việc lãng quên các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho các di sản truyền thống bị mai một.

Trong bối cảnh đó, để có thể bảo tồn tốt các di sản văn hóa ở KPC Hà Nội chúng ta cần phải phát huy những biện pháp đã và đang làm có hiệu quả, loại bỏ những họat động thiếu hiệu quả, rườm rà, tốn kém trong thời gian vừa qua. Muốn như vậy cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót, xác định những ưu tiên cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong KPC. Trong thời gian tới nên tập trung vào một số giải pháp lớn:

1. Giải pháp về quản lý bao gồm: chấn chỉnh tổ chức bộ máy quản lý di tích theo hướng tạo cho Ban Quản lý KPC có đủ quyền hạn để giải quyết những phần việc theo thẩm quyền của mình. Hoàn thiện bộ máy tổ chức của Ban nhằm đáp ứng những nhiệm vụ cơ bản như: hướng dẫn nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo đúng quy định, nghiên cứu cơ bản về KPC, tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng và triển khai các đề án, quy hoạch bảo tồn KPC, tiếp nhận và tổ chức các hoạt động, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ; Nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở nâng cao hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật đã có. Hoàn thiện đưa vào cuộc sống các văn bản quy phạm pháp luật đó bằng cách ban hành những quy định cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn cho các cư dân trong KPC khi sử dụng, sửa chữa, cải tạo các công trình mình đang sử dụng.

Trên cơ sở Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật kèm theo như Nghị định 92/2002-NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, Quy chế Bảo quản tu bổ và phục hồi di tích ban hành theo Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 6/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, (Nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 và bản Điều lệ tạm thời của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành từ 1999. Sau khi tổng kết đánh giá, lấy ý kiến của nhân dân trong KPC và các cấp các ngành liên quan UBND Thành phố Hà Nội cần hoàn thiện để ban hành chính thức bản Điều lệ nêu trên trong đó cần lưu ý đến những quy định về xây dựng, sửa chữa các nhà dân liền kề di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia.

2. Nhóm giải pháp về quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản bao gồm: xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích KPC, trong đó chú ý bảo tồn bố cục không gian truyền thống, mạng lưới các tuyến phố, mặt tiền các dãy phố, các ngôi nhà có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Lưu ý bảo tồn các không gian kiến trúc tín ngưỡng - tôn giáo, các di tích đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Xác định thứ tự ưu tiên, tiến độ, kinh phí thực hiện. Xây dựng các dự án thành phần, hoàn thiện dự án tu bổ thí điểm một ô phố đã được xác định. Xây dựng dự án tu bổ tôn tạo từng địa điểm di tích. Lập dự án mẫu để định hướng cho người dân trong KPC, những người có nhu cầu cải tạo, sửa chữa các công trình của mình. Do đặc điểm KPC Hà Nội là khu di tích sống động nên không thể nóng vội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản. Các cơ quan quản lý cần có bước đi phù hợp với sự phát triển kinh tế nước nhà, mức sống của cư dân trong KPC và đề ra những chính sách phù hợp với thực tế cuộc sống và tâm lý của cư dân sở tại.

Trong một số trường hợp, quy hoạch nên có sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, hoạt động trong KPC. Người dân, cộng đồng cần được tham gia vào các dự án liên quan đến dãn dân, tái định cư một số hộ dân đang sinh sống trong KPC và việc giải phóng một số hộ dân ra khỏi các khu vực di tích. Các dự án bảo tồn KPC cần chú ý không làm phương hại đến phong cách, lối sống vốn có của cư dân trong KPC, không làm mất không khí sôi động, tạo điều kiện để lối sống trong KPC được bảo tồn bền vững. Không biến KPC thành một di tích chết, nhưng cũng không để cho các hoạt động thương mại lấn át bộ mặt di sản. Hoạt động của các tổ chức cá nhân sống làm việc sinh họat trong KPC cần được kiểm soát để không làm phương hại đến di sản.

Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội cần được thực hiện đồng bộ cùng các quy hoạch kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư của Thủ đô để đảm bảo cho việc kiểm soát dân số, giãn dân trong KPC và các hoạt động giảm thiểu các tác động tiêu cực tới KPC Hà Nội.

Đối với di sản phi vật thể trong KPC cần chú ý điều tra nghiên cứu lập danh mục các lễ hội cổ truyền thống và hiện đại trong KPC, danh mục các nghệ thuật trình diễn, sưu tầm văn hóa dân gian, truyền thống, lên danh mục các món ẩm thực trong KPC, lập danh sách nghệ nhân. Danh mục hồ sơ các ngành nghề Thủ công truyền thống hiện có trong KPC, tiến tới lập qui hoạch các ngành nghề Thủ công truyền thống, các ngôi nhà kiêm xưởng sản xuất, cửa hàng trong KPC.

3. Nhóm giải pháp về đào tạo cán bộ để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong KPC, đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn và bắt kịp với những chuẩn mực bảo tồn di sản của thế giới do tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học Liên hiệp quốc(UNESCO) và các cơ quan chuyên môn thuộc hệ thống của tổ chức này đề ra, cần phải có một đội ngũ cán bộ vừa có kinh nghiệm thực tiễn vừa phải có chuyên môn sâu, trình độ cao; vừa vững về chuyên môn nghiệp vụ vừa có ngoại ngữ tốt, nhất là trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Trên thực tế chúng ta còn rất thiếu cán bộ đáp ứng được tất cả những yêu cầu nêu trên. Đây là một bất cập, bất lợi cho chúng ta ngay trong thực tiễn công tác tại địa phương chứ chưa nói đến việc vươn ra thế giới trong một tương lai gần. Muốn lấp đầy các lỗ hổng này, bên cạnh việc hoàn thiện bộ máy tổ chức cần có chiến lược đào tạo cán bộ phù hợp. Trong tình hình hiện nay ở nước ta có nhiều hình thức đào tạo có thể ứng dụng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản KPC Hà Nội như: cử những cán bộ chưa có văn bằng về nghiệp vụ bảo tồn tham gia các chương trình đào tạo văn bằng hai. Mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài tổ chức các cuộc tập huấn ngắn hạn và dài hạn tại chỗ theo nhu cầu chuyên môn, hoặc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong nước và nước ngoài. Việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ chuyên môn phải được coi là một công việc thường xuyên, liên tục. Có như vậy chúng ta mới có thể có được một đội ngũ cán bộ khả dĩ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn bảo tồn KPC Hà Nội, một đối tượng rất phức tạp nhạy cảm, được sự quan tâm không chỉ của nhân dân trong nước mà còn cuốn hút cộng đồng quốc tế.

4. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, thuyết phục, giới thiệu về giá trị di sản.
KPC Hà Nội là một di tích sống, nơi ở, làm việc và sinh hoạt của nhiều tổ chức, cá nhân với những quyền lợi khác nhau có khi mâu thuẫn, xung đột nhau nên giải pháp tuyên truyền thuyết phục có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị KPC, nếu không nói là quyết định sự thành công của mọi dự án liên quan đến khu di tích này.

Trước tiên phải khẳng định rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội không phải là trách nhiệm của riêng các cơ quan Nhà nước mà phải được coi là trách nhiệm chung của mọi tổ chức, cá nhân sống, làm việc, sinh hoạt trong KPC. Cần phải huy động sự tham gia của họ vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua các chiến dịch thông tin tuyên truyền. Cần sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thông qua những họat động xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi, băng rôn, áp phích; Tổ chức các đợt học tập, phỏng vấn; tố chức các cuộc thi tìm hiểu về những quy định bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Tìm tòi, sáng tạo các hình thức tuyên truyền sinh động như sân khấu, điện ảnh, truyền hình... tuyên truyền, phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống trường học và qua các tổ chức quần chúng .v.v.

5. Nhóm giải pháp về nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Cần phải tiến hành đồng bộ công tác nghiên cứu khoa học trên tất cả các khía cạnh liên quan đến KPC. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về lịch sử, về giá trị các di tích trong KPC, tiến hành thống kê phân loại di tích để đề xuất các biện pháp bảo tồn thích hợp, còn cần phải xúc tiến các nghiên cứu về tình trạng kỹ thuật của di tích như: nghiên cứu về vật liệu, hiện trạng di tích, những tác nhân gây xuống cấp di sản để đề xuất những giải pháp kỹ thuật tu bổ tôn tạo thích hợp. Đồng thời cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học bảo quản di tích (chống mối, mọt...)

KPC Hà Nội trong con mắt những người làm công tác bảo tàng, đó là một khu trưng bày lớn ngoài trời, vì vậy để phát huy giá trị khu di sản cần xây dựng mô hình, sa bàn KPC để giới thiệu sơ bộ cho công chúng trước khi đi thăm Phố Cổ.

Trong nhóm giải pháp này cũng cần chú ý tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, biên soạn sách vở tài liệu nghiên cứu về KPC.

6. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Tạo cơ chế nhằm đảm bảo phát huy mọi tiềm năng của xã hội, khuyến khích tổ chức, cá nhân sống, làm việc, hoạt động trong KPC xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình xây dựng theo qui hoạch, quy định có sự giám sát, hướng dẫn của Ban Quản lý KPC.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ việc bảo quản tu bổ và phục hồi các công trình di tích trong KPC, từ khâu chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ cho đến các hình thức giúp đỡ về tài chính như cho vay vèn ưu đãi, cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho việc tu bổ, phục hồi các công trình kiến trúc tùy theo các đối tượng đã được thống kê, phân loại và xác định các hình thức hỗ trợ tùy theo giá trị di tích, hoàn cảnh gia đình hay công trạng của họ đối với đất nước, nhằm khuyến khích nhân dân trong KPC tự bảo tồn gìn giữ vẻ đẹp cổ kính của KPC.

Xây dựng chiến lược về dân số trong KPC duy trì số dân không gây quá tải cho di sản thông qua các biện pháp kiểm soát dân số trong KPC (tăng tự nhiên, tăng cơ học), đề xuất các biện pháp dãn dân trong KPC (tạo quỹ đất, tạo công ăn việc làm và các cơ sở văn hóa xã hội, giáo dục y tế .... tại nơi ở mới)

Có chế độ phụ cấp cho người trông nom di tích được xếp hạng di tích Quốc gia và cấp Thành phố

Đối với di sản văn hóa phi vật thể cần đề xuất các chế độ chính sách liên quan đến khuyến khích các nghệ nhân, (tôn vinh, tài trợ), hỗ trợ cho các di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một. Khuyến khích hoạt động tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, lập hồ sơ lưu trữ các di sản văn hóa phi vật thể, bằng các phương tiện công nghệ hiện đại, thành lập ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long.

Xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích nhân dân trong KPC tham gia bảo vệ di sản, xây dựng lối sống, nếp sống lành mạnh, tạo cảnh quan đẹp cho môi trường sống, tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện và đầu tư tiến, tới nhân rộng một số mô hình bảo tồn và phát huy giá trị phi vật thể đã và đang họat động tốt; duy trì, phát triển và phục hồi một số ngành nghề Thủ công truyền thống như: làm đồ đồng, đồ bạc, đồ rèn.v.v. tạo điều kiện để phát huy các sáng kiến có lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Hỗ trợ cho các ngành nghề Thủ công truyền thống, phát triển bền vững các ngành nghề thông qua việc tìm các đầu ra, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sáng tạo nhiều hoạt động lôi cuốn thế hệ trẻ đến với di sản văn hóa, tạo nờn sự ham mê của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống.

Chú ý công tác đào tạo đội ngũ kế cận, có sự quan tâm đồng bộ trong lựa chọn, đào tạo, đào tạo theo lối truyền nghề trực tiếp trong từng gia đình, cộng đồng và theo trường lớp, bồi dưỡng hạt nhân. Tổ chức các câu lạc bộ theo từng ngành nghề. Tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm khuyến khích phong trào và tìm kiếm các nhân tài để bồi dưỡng nâng cao.

Thống kê, phân loại, lựa chọn đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi các khụng gian lễ hội, lựa chọn khôi phục một số lễ hội tiêu biểu. Khuyến khích các lễ hội hoạt động theo đúng những quy định trong quy chế lễ hội do cơ quan quản lý nhà nước ban hành, quản lý tốt cỏc lễ hội và cỏc hoạt động tín ngưỡng, bài trừ mờ tớn dị đoan

Một điều rất đáng quan tâm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là lợi thế về du lịch của Thủ đô, Hà Nội là nơi hàng năm đón số lượng khách trong và ngoài nước gần như lớn nhất trong cả nước. Vì vậy rất có thế mạnh trong việc khuyến khích tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá các loại hình di sản văn hóa. Sự kết hợp tốt giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với du lịch bền vững sẽ là một lợi thế không nhỏ cho các sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch. Di sản văn hóa phục vụ du lịch, du lịch góp phần quảng bá di sản văn hóa và tạo nguồn thu cho các cơ sở bảo tồn di sản văn hóa, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tốt hơn.

Xây dựng chế độ khen thưởng cho những người có công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời có chế tài để bảo vệ di sản và xử phạt đối với các hành vi làm tổn hại đến giá trị di sản.

7. Nhóm xây dựng, lưu trữ tài liệu, thông tin

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản KPC Hà Nội là một việc làm lâu dài, có tính kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thêm vào đó, đây là một hoạt động không chỉ đơn thuần mang tính nghiệp vụ mà còn đòi hỏi tính khoa học cao theo các chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, công tác xây dựng tư liệu, lưu trữ thông tin giúp cho công tác chỉ đạo và nghiên cứu cũng như thực hành các công tác nghiệp vụ là một việc làm rất quan trọng và cần thiết; công tác tài liệu sẽ giúp cho chúng ta bớt thời gian mầy mò, tránh được những gì lặp lại, tạo điều kiện cho công tác nghiệp vụ mang tính kế thừa liên tục, tránh được những lãng phí thì giờ và tiền bạc mà một số nơi vì không coi trọng công tác tư liệu đã vấp phải. Ngày nay công tác lưu trữ tài liệu không chỉ đơn thuần dựa vào việc sử dụng các tài liệu giấy, bản vẽ, phim ảnh mà có nhiều phưông tiện hỗ trợ bằng các phương tiện lưu trữ hiện đại. Thành phố cần đầu tư để Ban Quản lý KPC có đầy đủ phương tiện lấy, xây dựng và lưu trữ tài liệu. Có phương tiện để theo dõi diễn biến hàng ngày tác động đến di sản. Có nơi để lưu trữ và thuận tiện cho việc tìm hiểu tra cứu. Các thông tin tư liệu cần được cập nhập thường xuyên phục vụ cho các công tác liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Các thông tin cần được phân tích và chuyển đến các bộ phận liên quan xử lý kịp thời.

8. Nhóm giải pháp liên ngành

KPC Hà Nội là nơi sống, làm việc hoạt động của nhiều tổ chức cá nhân, chịu sự quản lý của nhiều cấp ngành, về địa phương có Ủy ban Nhân dân các cấp từ Thành phố Hà Nội đến quận Hoàn Kiếm, các phường, các tổ dân phố. Về ngành dọc có rất nhiều đơn vị từ Văn hóa - Thông tin, Giao thông công chính, Xây dựng, Kiến trúc, Công nghiệp, Tài nguyên môi trường...

Bên cạnh các tổ chức cá nhân trong nước, tại KPC còn sự hiện diện của các tổ chức cá nhân nước ngoài. Vì vậy muốn bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản trong KPC cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp, Nhà nước và nhân dân, trong nước và quốc tế.

9. Nhóm giải pháp về xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong KPC.

Xã hội hóa trên các mặt bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cộng đồng tham gia vào công tác quản lý, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách, đóng góp công sức và tiền của cho việc bảo quản tu bổ và phục hồi di tích, tham gia vào các hoạt động tu bổ di tích, theo dõi các công trình tu bổ di tích, tham gia phát huy giá trị di sản, phản biện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, chống các hành vi tiêu cực, bài trừ mê tín dị đoan.

Xã hội hóa bằng các hình thức nhằm huy động các nguồn lực của các tổ chức cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa KPC Hà Nội. Trong thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, đề xuất phương án bảo tồn, tài trợ, đóng góp cho việc bảo quản tu bổ và phục hồi một số công trình, di tích. Tuy nhiên những hoạt động đó vẫn chỉ là những công việc được thực hiện một cách đơn lẻ. Chúng ta chưa chủ động nắm bắt tình hình và tổ chức theo một kế hoạch lâu dài. Trong thời gian tới chúng ta cần phải khắc phục những điểm yếu đó để để xuất ra những biện pháp mang tính chủ động cao, có bài bản và hiệu quả.

10. Nhóm giải pháp về giải quyết, xử lý vi phạm

Điều tra, thống kê, phân loại tình trạng vi phạm di tích để đề xuất các biện pháp giải quyết thích hợp. Do KPC Hà Nội tồn tại lâu dài và trải qua nhiều thời kỳ biến động xã hội khác nhau nên việc vi phạm di tích diễn ra là điều không tránh khỏi. Việc vi phạm di tích trong KPC diễn ra khá đa dạng, song có thể tập trung vào một số loại sau: lấn chiếm di tích, xây dựng lấn át di tích, xây dựng, cải tạo công trình không phù hợp với kiến trúc, cảnh quan KPC. Sử dụng công trình sai chức năng truyền thống.

Việc vi phạm di tích do sự ấu trĩ về nhận thức của một số cán bộ địa phương khi để cho dân vào cư trú tại các công trình tín ngưỡng - tôn giáo. Do sự bức bách về nơi ở nên dân tràn vào cư trú trong các công trình công cộng. Nhiều công trình kiến trúc chật hẹp là nơi cư trú của rất nhiều hộ gia đình, hộ nọ cách hộ kia có khi chỉ bằng một bức màn, một tấm cót. Tình hình dân cư như vậy nên sự vi phạm vi tích không chỉ là sự lấn chiếm khuôn viên hay một bộ phận của di tích. Mà việc cư trú với mật độ dày đặc như trên không cho phép di tích có điều kiện để tu bổ sửa chữa, vì hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi hộ gia đình rất khác nhau. Để có thể xử lý các vi phạm di tích trong KPC cũng cần lưu ý đến thời gian của những vi phạm. Có thể chia ra hai giai đoạn: những vi phạm trước khi các cơ quan quản lý ban hành các văn bản quản lý KPC (trước khi Bộ trưởng Bộ Xây Dựng ban hành Quyết định số 70/BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tôn tạo và phát triển KPC. Hoặc trước khi Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 4/6/1999 về việc ban hành Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo KPC Hà Nội) và những vi phạm sau khi ban hành các văn bản quản lý nêu trên. Tùy theo mức độ và thời gian vi phạm để có những đề xuất xử lý thóa đáng, kịp thời.

Trong nhóm giải pháp này cần chú ý tổ chức kiểm tra hướng dẫn thực hiện thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh uốn nắn sai phạm, sớm phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm di tích, ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan chung của di tích.

11. Hợp tác quốc tế

Trong những năm qua hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản KPC Hà Nội đã tỏ ra có hiệu quả thực tế, trong thời gian tới cần tiếp tục theo hướng hợp tác song phương, đa phương, hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn chuyên môn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam thông qua các chương trình dự án, hoặc tập huấn trong nước và nước ngoài. Hợp tác thông qua các dự án trùng tu một số công trình cụ thể .v.v.

Để việc hợp tác quốc tế có hiệu quả, chúng ta cần chuẩn bị sẵn một số dự án ở nhiều cấp độ khác nhau để có thể mời gọi các đối tác phù hợp.

12. Tổ chức thực hiện

Đây là một nhóm giải pháp cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của mọi công tác. Nếu chúng ta có quyết tâm, có giải pháp mà không tổ chức thực hiện tốt, liên tục, đồng bộ, không kiểm tra rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời thì không thể thành công. Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa KPC Hà Nội, một khu di sản văn hóa sống động, đa dạng, nơi đan xen nhiều quyền lợi cá nhân phức tạp thì việc tổ chức thực hiện càng cần thiết hơn bao giờ hết./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark