31/01/2012 | 08:54:00

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước tại địa bàn Hà Nội

Tài nguyên nước là nguồn tài nguyên vô giá. Bảo vệ nguồn tài nguyên này chính là bảo vệ nguồn sống của chúng ta! Để làm tốt công tác này, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của cả cộng đồng.

Tại địa bàn TP Hà Nội, lâu nay Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô đã ý thức được công tác này và đã có nhiều hoạt động tích cực để bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn có những thiếu sót, hoạt động kém hiệu quả. Chẳng hạn, Luật Tài nguyên nước được ban hành đã 10 năm, nhưng cho đến nay, hầu hết các tổ chức và cá nhân vẫn chưa nắm được các quy định của Luật cũng như trách nhiệm của mình trong việc phải đăng ký và lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác nước. Hạn chế này được thể hiện qua số liệu cấp phép hàng năm trên cả Thành phố Hà Nội (mở rộng), với tổng số hồ sơ cấp phép khai thác nước mới là 92 hồ sơ. Cụ thể, năm 2006 cấp phép cho 37 đơn vị, năm 2007 cấp phép cho 23 đơn vị, năm 2008 cấp phép cho khoảng 40 đơn vị.

Tài nguyên nước bao gồm các nguồn nước mặt, nước mưa, nước dưới đất, nước biển được sử dụng rộng rãi trong sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, giao thông vận tải, chăn nuôi thủy sản, sinh hoạt...

Riêng về nước mặt, Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sở TN&MT Hà Nội cho biết: lượng nước thải của TP. Hà Nội đang ngày càng tăng cả về lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm. Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày.

Vào mùa khô, nước sông Tô Lịch có hàm lượng oxi hòa tan (DO) thấp hơn 2,31 lần so với tiêu chuẩn, nhu cầu oxi sinh học (BOD5) vượt tiêu chuẩn cho phép 7,13 lần, nhu cầu oxi hóa học (COD) vượt 9,86 lần, tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,11 lần, hàm lượng nitơrat (NO3) vượt 1,64 lần. Các sông: Nhuệ, Đáy, Bùi, Tích, Cà Lồ, Cầu,… đều đã bị ô nhiễm, nặng nhất là sông Nhuệ. Tất cả các chỉ tiêu phân tích trên đoạn sông Nhuệ nơi tiếp nhận nước thải từ sông Tô Lịch có BOD5 vượt 1,28 lần.

Hàm lượng amoni trong nước các hồ dao động thấp nhất là 0,58mg/l và cao nhất là 51,5mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 1mg/l; hàm lượng BOD5 dao động trong khoảng 13mg/l- 68mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 25mg/l.

Về nguồn nước ngầm, Hà Nội cũng đang bị xâm nhập nghiêm trọng bởi chất độc hại từ rác rưởi, nước tù đọng, nước thải nhà vệ sinh, xác súc vật, các loại phân, cống không thoát được đều ngấm vào nước dưới đất. Một nguyên nhân nữa là do người dân đào giếng khai thác nước ngầm hoặc những giếng thăm dò xây dựng, khoan địa chất, khi dùng xong không được lấp theo đúng quy định, nên những đợt mưa ngập lụt, nước bẩn sẽ ngấm xuống tầng nước ngầm một cách dễ dàng. Yếu tố gây bệnh sẽ lan trong hệ thống nước ngầm và khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.

Nguyên nhân chủ yếu của ô nhiễm nước mặt là do việc các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ; các bệnh viện và các cơ sở y tế không có hệ thống xử lý tập trung mà xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương...).

Đáng chú ý là nhận thức không đầy đủ của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đã chạy theo lợi nhuận, khi đầu tư chỉ chú trọng các hạng mục đầu tư cho sản xuất, còn hạng mục xử lý chất thải thường bị xem nhẹ. Thậm chí, không ít nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không vận hành hoặc vận hành rất hạn chế để giảm thiểu chi phí sản xuất, vì thế đã không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.

Để làm tốt công tác này, thiết nghĩ Thành phố cần phải huy động sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng vào cuộc, nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá. Trước mắt, cần làm cho nhân dân hiểu rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở đó, phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng tiêu chí về bảo vệ môi trường đưa vào đánh giá kết quả hoạt động của từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gia đình, làng, bản, khu phố, tập thể, cá nhân, đảng viên, đoàn viên, hội viên; công bố công khai những tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và có hình thức xử lý thích đáng.

Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ cấp phép khai thác nguồn nước và xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, Thành phố Hà Nội cũng cần có kế hoạch xây dựng bổ sung các nhà máy nước và mạng lưới đường ống cấp nước sạch tập trung, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn. Đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

Cần thiết phải đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình, sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân. Tăng cường quản lý chặt chẽ chất thải, nhất là các chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ, y tế, nghiên cứu khoa học; chấm dứt nạn đổ phế liệu, xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch, hồ ao.

Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Không đưa vào vận hành, sử dụng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị các công trình, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất mới không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Nên thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, chủ động phát hiện nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường để có kế hoạch phối hợp phòng ngừa và xử lý đạt hiệu quả cao.

Đẩy mạnh nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát hiện kịp thời nhằm khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng.

Hà Nội đang tiến tới kỷ niệm ngày tròn ngàn tuổi. Hà Nội đang trên đường hội nhập và phát triển trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại. Vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước càng đặt ra bức thiết và gay gắt hơn bao giờ hết. Sắp tới, Luật Tài nguyên Nước sẽ được sửa đổi. Hy vọng, cùng với việc tăng cường khung pháp lý, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của mỗi người dân Hà Nội cũng được nâng cao, để góp phần giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên nước của Thủ đô luôn bền vững./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark