01/09/2011 | 08:35:00

Bảy giải pháp cấp bách đảm bảo ATGT ở Hà Nội

Xe chạy ngang dọc trên các tuyến phố Hà Nội. (Nguồn: vietbao.vn)

Ngày 31/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị số 22- CT/TW ngày 24/2/2003 của Ban Bí thư và đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU ngày 16/8/2007 của Thành ủy Hà Nội, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể… cần quyết tâm thực hiện 7 giải pháp cấp bách, 4 giải pháp cơ bản lâu dài nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

7 giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông; đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với địa bàn, đối tượng đặc thù; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thạm gia quản lý, giám sát công tác đầu tư, cải tạo và quản lý các công trình hạ tầng giao thông; đẩy nhanh xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch, dự án chuyên ngành giao thông vận tải; tiếp tục triển khai các giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; chú trọng củng cố và nâng cao vai trò, chức năng quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực vận tải hành khách công cộng; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy, thực hiện nghiêm việc loại bỏ phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã thẳng thắn thừa nhận bên cạnh kết quả đạt được, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số tồn tại. Đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu chiều sâu, chưa bền bỉ, liên tục, chưa phù hợp với đặc điểm từng đối tượng nên chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông còn chậm triển khai, cơ chế đầu tư, quản lý đường và hạ tầng giao thông… chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông thiếu kiên quyết, triệt để. Việc quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải còn lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa đồng bộ; việc giải toả chống tái lấn chiếm, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông của chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán còn phổ biến. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên là do công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp, ngành còn hạn chế, sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền còn mờ nhạt. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân còn yếu. Thành phố chưa tranh thủ được sự nhiệt tình vào cuộc của các ban, ngành Trung ương. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dẫn đến ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

Tại hội nghị, 34 tập thể và 52 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được nhận bằng khen của Thành ủy Hà Nội, trong đó có Phân xã Hà Nội - Thông tấn xã Việt Nam./.

Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark