15/08/2012 | 11:21:00

Đại Đồng đi đầu trong công tác xã hội hóa

Được chọn là xã điểm trong phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện Thạch Thất, Đại Đồng đã cho thấy sự đoàn kết, đồng thuận và nỗ lực của người dân trong việc làm thay đổi bộ mặt quê hương.

Tinh thần đó được thể hiện bằng những con số và việc làm cụ thể, đó là: Đại Đồng đã đạt 17/19 tiêu chí NTM và là xã đi đầu trong toàn huyện về công tác xã hội hóa.

Mới đây, chúng tôi có dịp theo đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015" làm trưởng đoàn về kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới tại huyện Thạch Thất.

Đoàn công tác đã về kiểm tra thực tế tại Đại Đồng, xã được chọn làm điểm triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới và kết quả sau hai năm triển khai đã phấn đấu nâng được 11 tiêu chí từ cơ bản đạt và chưa đạt lên đạt.

Cho đến nay, Đại Đồng đã đạt được 17/19 tiêu chí xây dựng NTM, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt đó là: thu nhập và hộ nghèo. Chính quyền và nhân dân trong xã đang khẩn trương xây dựng những kế hoạch hành động và những việc làm thiết thực, sáng tạo hơn để phấn đấu từ nay đến cuối năm 2012 hoàn thành cơ bản 2 tiêu chí còn lại.

Hai năm qua, cơ sở hạ tầng xã Đại Đồng được đầu tư, nâng cấp, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như mô hình chuyển đổi trồng khoai tây, trồng hoa ly mang hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có 79 mô hình trang trại VAC với tổng diện tích hơn 37 ha, cho thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng/ha/năm.

Nhân dân ở 11 thôn đã đóng góp gần 10.000 ngày công và hơn 400 triệu đồng để cải tạo nâng cấp đường ngõ thôn xóm và hệ thống rãnh thoát nước khu dân cư. Có được kết quả đáng mừng này, chắc hẳn phía sau đó phải là một sự nỗ lực không ngừng của chính quyền nơi đây nhằm tìm ra cách làm, hướng đi đầy sáng tạo, để có thể kêu gọi sự đồng thuận từ phía người dân trong xã.

Quả thật, không giống như những buổi làm việc khác, sau khi nghe báo cáo kết quả đề án xây dựng NTM, đoàn công tác đã có dịp được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm thực tế của trưởng thôn, bí thư các chi bộ của 11 thôn trong xã. Nói về thế mạnh của xã để đạt được kết quả như hiện nay, anh Khuất Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: “Trước và sau khi tham gia xây dựng NTM, Đại Đồng luôn là xã đi đầu trong huyện về công tác xã hội hóa”.

Anh phấn khởi cho biết thêm: “Khi xã đầu tư xây dựng trường THCS, thiếu kinh phí, một doanh nghiệp trên địa bàn xã mà giám đốc đã từng là học sinh cũ của trường đã hỗ trợ không hoàn lại 1,2 tỷ đồng để xây trường. Toàn xã có 32 hộ gia đình tự phá nhà không cần phải cưỡng chế, có những căn nhà 3 tầng mặt đường quốc lộ, chủ nhà cũng tự nguyện dỡ bỏ khi chính quyền xã kêu gọi trên loa phóng thanh...”.

Và một điều đáng tự hào nữa, rất đáng để “khoe” của Đảng bộ xã Đại Đồng, đó là: Đảng bộ xã Đại Đồng đã đạt thành tích là Đảng bộ 34 năm trong sạch, vững mạnh với 23 năm không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Nhắc đến thành tích này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã không giấu được niềm vui và không quên nhắc nhở cánh báo chí viết bài tuyên truyền về nội dung này: “Đây chính là chất liệu tốt cho các anh chị nhà báo khai thác”.

Công tác xã hội hóa ở xã Đại Đồng có thể nói là những câu chuyện không thể kể hết trong một cuộc hội thảo. Bí thư Chi bộ 5 Khuất Văn Xuyên chia sẻ những khó khăn trong những ngày đầu đi tuyên truyền xây dựng NTM: “Chúng tôi thường xuyên gặp phải những câu hỏi của người dân như xây dựng NTM tôi được cái gì không?”. Do đó, theo ông “để người dân cùng tham gia xây dựng NTM, trước tiên phải giải thích cho người dân nắm được, biết được làm cái gì, được cái gì và mất cái gì thì họ mới đồng thuận, mới vui vẻ làm”.

Bởi vậy, Bí thư Chi bộ 5 Khuất Văn Xuyên đã có những cuộc họp thôn để giải thích rõ ràng từng tiêu chí xây dựng NTM cho người dân và cho đến nay người dân thôn ông đã gần như thuộc lòng cả 19 tiêu chí xây dựng NTM.

“Khi đã có sự đồng thuận của người dân thì công cuộc xây dựng NTM thực sự sẽ tiến triển rất nhanh, công trình nào của thôn cũng hoàn thành đúng và còn sớm hơn tiến độ đề ra”, ông Kiều Hữu Hòa, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Minh Nghĩa cho biết. Tại thôn ông, trung bình một gia đình phải đóng góp tiền mặt là 1.630.000 đồng, còn chưa kể ngày công lao động, nhưng họ vẫn rất vui và còn làm cơm rượu ăn mừng khi tuyến đường đó hoàn thành...”.

Thôn đưa ra hai phương án đóng góp cho các hộ gia đình, đó là đóng góp tiền mặt và ngày công lao động. Nhờ đó, gia đình có điều kiện cũng như gia đình không có điều kiện đều có thể tham gia đóng góp xây dựng NTM. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân đều phải vào cuộc thì dân họ mới theo”, ông Kiều Hữu Hòa, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Minh Nghĩa cho biết thêm.

Điều cơ bản mà công cuộc xây dựng NTM hướng tới đó là giúp người nông dân thoát nghèo, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên chính mảnh đất quê hương họ. Điều đó đang thể hiện rõ ở Đại Đồng khi mà số hộ nghèo của xã đã thay đổi đáng kể, năm 2010 là 9,3% thì đến nay chỉ còn 4,9%. Cả một ngày làm việc tại xã, đi thăm những mô hình trang trại hay những thửa ruộng xanh mướt đang ở độ xuân thì, chúng tôi đều được đi trên những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp, mà ô tô có thể ra vào dễ dàng.

Với những gì Đại Đồng đã đạt được hiện nay và với tư duy cùng những cách làm sáng tạo đó, chúng tôi tin tưởng rằng, một NTM Đại Đồng đã hiện hữu trong từng người dân nơi đây bởi họ đã biết rõ được mình phải làm gì và được gì khi xây dựng NTM./.

(Báo ảnh Việt Nam)

Bản để in Lưu vào bookmark