28/09/2012 | 09:41:47

Hà Nội: Còn 52 vụ khiếu nại đất đai chưa giải quyết

Ảnh minh họa. (Nguồn: tonghoixaydungvn.org)

Ngày 27/9, Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban định kỳ quý III/2012 với lãnh đạo 29 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố, 9 tháng đầu năm 2012, Thành phố Hà Nội đã giải quyết 946/1.225 vụ liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng (gồm 785 vụ khiếu nại, 161 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 77%. Qua đó đã kiến nghị thu hồi 2.737 triệu đồng, hơn 6,7 ha đất, thu hồi 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả lại cho công dân 25.649 triệu đồng và 634m2 đất, điều chỉnh 21 phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xử lý trách nhiệm 57 cán bộ, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Ngoài ra, các cơ quan của Thành phố đã thụ lý 184 vụ tranh chấp về đất đai, đã giải quyết xong 152 vụ, đạt tỷ lệ 83%. Toàn Thành phố đã cấp trên 34.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thành giải phóng mặt bằng 808 ha đất tại 116 dự án.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn có địa phương chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính. Một số vụ việc chậm giải quyết, gây bức xúc cho người dân và phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Thậm chí có nơi, có chỗ còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn thấp, công tác tuyên truyền, vận động chưa quan tâm đúng mức… là những lý do chính dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp. Đến thời điểm này, trên địa bàn Thành phố còn 52 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, chưa được giải quyết dứt điểm (gồm 23 vụ liên quan đến quản lý đất đai, 10 vụ giải phóng mặt bằng, 16 vụ tranh chấp đất đai, 3 vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của thành phố nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Do đó, công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng luôn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Vấn đề giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không vụ việc nào giống vụ việc nào, không thể dùng kinh phí, hay công nghệ mà phải bằng tinh thần, trách nhiệm, sự tận tâm, tận lực, am hiểu chế độ, chính sách, pháp luật của người cán bộ.

Để tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng trên địa bàn, đồng chí Phạm Quang Nghị lưu ý, các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.

Cùng với đó cần đề xuất với Trung ương đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Cả hệ thống chính trị phải tích cực vào cuộc hơn nữa, giải quyết dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo với tinh thần tăng cường phối hợp, không cứng nhắc, quan liêu; cần vận dụng quy định của pháp luật để giải quyết tối đa các lợi ích của người dân.

Bí thư Thành ủy cho rằng, cách thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất cần phải theo phương châm “công khai, dân chủ, công bằng”, bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân; thực hiện tốt cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, nhà tái định cư, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám sát việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, các cấp, ngành cần chú trọng tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật; chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách. Tăng cường phối hợp và bảo đảm an ninh trật tự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nếu cán bộ thực sự đặt mình vào địa vị người dân có lợi ích chính đáng, có bức xúc để suy nghĩ, tìm biện pháp tháo gỡ thì chắc chắn công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng sẽ hiệu quả./.

Thanh Bình (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark