09/08/2016 | 17:39:00

Hà Nội: Phát huy tối đa khả năng sáng tạo của người lao động

Phát động từ năm 2006, trong 10 năm qua, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, người lao động được tạo điều kiện nghiên cứu, sáng tạo, thông qua đó thu lợi kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng giàu đẹp.

* Nở rộ sáng kiến

Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển do ông Mai Văn Tại làm Tổng Giám đốc là đơn vị đi đầu trong áp dụng sáng kiến của người lao động vào sản xuất ở Thủ đô.

Từ năm 2005 – 2015, công ty đã đưa vào áp dụng 126 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, trung bình mỗi năm làm lợi khoảng 34,5 tỷ đồng.

Trong đó, ông Mai Văn Tại đã trực tiếp đưa ra 17 sáng kiến giúp công ty làm lợi gần 13 tỷ đồng/năm.

Ông Tại cho biết, trước đây hệ thống nước thải của Công ty phân lân nung chảy Văn Điển chỉ xử lí đạt tiêu chuẩn rồi thải bỏ nên rất lãng phí nước, dễ gây ô nhiễm môi trường, do đó đã nghiên cứu tách riêng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất, tách nước làm lạnh và nước hấp thụ chứa chất độc để xử lý từng loại và tái sử dụng.

Nhờ vậy, năm 2015, 100% lượng nước thải của công ty đã đi vào tuần hoàn, tiết kiệm 12-14 triệu m3 nước và hơn 1 triệu Kwh điện, làm lợi trên 10 tỷ đồng/năm.

Tâm niệm làm kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, những sáng kiến của ông Tại luôn tập trung vào việc tái sử dụng nguyên liệu hoặc sử dụng những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Sáng kiến cải tiến công nghệ và thiết bị sử dụng trấu ép thay cho than An-tra-xít trong sấy lân tại phân xưởng sấy nghiền góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tận dụng thu hồi xỉ trấu làm phụ gia sản xuất phân NPK giúp Công ty phân lân nung chảy Văn Điển làm lợi trên 5,9 tỷ đồng/năm.

Các sáng kiến, sáng tạo của người lao động Thủ đô không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ mà còn có ở trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ với các cán bộ công nhân viên chức lao động là nam mà còn có cả phụ nữ.

Là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, qua nhiều năm dạy học, chị Ngô Thị Mai Hương nhận thấy các em học sinh gặp nhiều khó khăn trong bộ môn Sinh học, ở mảng kiến thức về các quy luật di truyền, một phần vì khó, một phần vì thời gian học ngắn trong khi thời gian tìm kết quả dài.

Bởi vậy, chị Hương luôn chủ động tìm tòi cách dạy hay, khái quát, phân loại các dạng bài tập hoán vị gen, sử dụng công thức toán học để rút ngắn thời gian làm bài từ 20 phút xuống chỉ cần 15 giây, nhờ đó các em đều rất tích cực làm bài và nhanh có kết quả.

Sáng kiến của chị Hương được Sở Giáo dục xếp loại B thành phố. Bằng cách dạy học sinh biết tư duy, biết tự học, biết làm việc nhóm và tranh luận bảo vệ ý kiến của mình, mỗi giờ học của chị Hương thường diễn ra rất vui vẻ, sôi nổi.

Nhiều học sinh của chị đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi Học sinh giỏi. Hàng năm chị Hương đều có học sinh đạt điểm top 50, top 100 em điểm cao nhất khối B toàn quốc.

* Tiếp tục nhân rộng phong trào thi đua

Sau 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, đã có 125.358 sáng kiến của công nhân viên chức lao động được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở.

Hội đồng tư vấn đã tham mưu đề nghị tặng bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô” cho 954 cá nhân, trong đó có 650 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi 1.390 tỷ đồng.

Tính riêng năm 2016 đã có 17.208 cá nhân được nhận danh hiệu sáng kiến, sáng tạo cấp cơ sở, tăng 107 % so với năm 2015; 1.260 cá nhân được tặng danh hiệu sáng kiến, sáng tạo cấp trên cơ sở, tăng 108%.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định công nhận và cấp Bằng “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” cho 105 công nhân viên chức lao động. Trong đó có 94 sáng kiến, sáng tạo thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, làm lợi hơn 297 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có 3 đề tài khoa học xuất sắc được áp dụng vào thực tế sản xuất và 8 giải pháp sáng tạo đạt giải cao trong các Hội thi, thao diễn kỹ thuật.

Đặc biệt, các giải pháp khoa học, sáng kiến, sáng tạo thuộc khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, chiếm trên 76%; số sáng kiến, sáng tạo của công nhân viên chức lao động trực tiếp chiếm 75,4%.

Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” như: Cải cách thủ tục hành chính, trật tự và văn minh đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, tháo gỡ khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị như thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”; “Xây dựng nông thôn mới”...

Bên cạnh đó, khen thưởng những công nhân lao động trực tiếp phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc; hướng phong trào thi đua về cơ sở với phương châm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức; tập trung vào những sáng kiến giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chăm lo giải quyết việc làm cho người lao động, chống ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống thiên tai dịch bệnh.

Những sáng kiến, sáng tạo của người lao động đã góp phần tích cực giúp doanh nghiệp, đoàn thể phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Áp dụng và lan tỏa những sáng kiến này là góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark