19/09/2023 | 10:13:00

Hà Nội tiến hành khai quật khảo cổ di tích Thành cổ Sơn Tây

Động thổ khai quật Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Bảo tàng Hà Nội cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).

Ngày 19/9/2023, đại diện Bảo tàng Hà Nội, Viện Khảo cổ học và Ban QLDT di tích làng cổ Đường Lâm đã tiến hành mở hố thăm dò, khai quật khảo cổ theo Quyết định số 2647/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm thu thập tư liệu đánh giá về lịch sử và quá trình xây dựng hình thành Thành cổ Sơn Tây. Sau khi kết thúc công tác thăm dò, khai quật khảo cổ, đoàn khai quật sẽ có báo cáo đề xuất phương án làm căn cứ tôn tạo, phục dựng phù hợp để phát huy tốt nhất giá trị của di tích.

Thành cổ Sơn Tây nằm ở vị trí trung tâm của thị xã Sơn Tây, có toạ độ 21008’367” vĩ Bắc và 105030’265” kinh Đông. Thành xây xây bằng đá ong năm Minh Mạng thứ 3 (1822), năm Tự Đức thứ 2 (1849) lại xây đá ong cả bờ hào. Trong thành còn có nhiều công trình kiến trúc phục vụ tiến hành nghi lễ, công sở và tư thất của các quan đầu tỉnh. Các công trình kiến trúc quan trọng đều được xây dựng đối xứng trên trục trung tâm Nam - Bắc. Chính giữa là Vọng Cung, nhìn về hướng Nam. Trong quá trình tồn tại, công trình này đã được nhiều lần được tiến hành trùng tu, tôn tạo.

Thành Sơn Tây có bố cục mặt bằng hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, được xây theo kiểu Vauban, tường thành cao khoảng 5m, xây thẳng hình tứ giác, mặt cắt hình thang, phần chân đế rộng 6m, mặt thành rộng 4m, trên mặt mặt thành có các pháo nhã (lỗ châu mai) tiện cho việc phòng thủ. Toàn bộ tường thành trước kia xây bằng đá ong phía ngoài, phía trong đắp đất, tường thành được xây dựng bằng gạch đá ong rất bền vững.

Gạch có kích thước khoảng 60cm rộng 30cm, dày 20cm. Chính giữa mỗi mặt thành đều đắp lồi ra phía ngoài theo dạng hình bán nguyệt, dài khoảng 30m, rộng 20m. Lệch về phía bên phải của mỗi đoạn thành lồi đó được bố trí một cổng ra vào, có 4 cổng nằm ở bốn phương khác nhau. Hiện nay chỉ còn lại phế tích hai cổng phía Nam và phía Tây, cổng phía Bắc đã được trùng tu lại vào năm 1996, còn cổng phía Đông thì đã bị triệt giải hoàn toàn./.

(Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark