18/05/2010 | 09:52:00

Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế tại Hà Nội

Một tiết mục của Nhà hát Tuổi trẻ phục vụ thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Liên hoan sân khấu Thiếu nhi quốc tế chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội do Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 21/5-1/6.

Ông Vương Duy Biên - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã trao đổi với phóng viên TTXVN về sự kiện đặc biệt này.

- Xin ông cho biết lý do vì sao lại có một cuộc hội ngộ “đặc biệt” của sân khấu dành riêng cho thiếu nhi?

Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế nằm trong các hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hưởng ứng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Từ trước tới nay chúng ta chưa tổ chức một cuộc liên hoan sân khấu nào dành riêng cho thiếu nhi, nên khi Nhà hát Tuổi trẻ khởi xướng, chúng tôi đã đồng tình ngay.

Đây là một hoạt động nghề nghiệp có ý nghĩa, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, sân khấu dành cho thiếu nhi nói riêng; giúp cho sân khấu tiếp cận được với lớp khán giả trẻ và thiếu nhi trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

- Những đơn vị nào sẽ tham dự liên hoan, thưa ông?

Liên hoan có bảy đơn vị tham gia, trong đó có bốn đơn vị quốc tế là Nhà hát Múa rối Kabông - Lào với vở “Những giấc mơ của ông bà,” Nhà hát Kịch Nakama - Nhật Bản với vở “Mơ, mơ, đừng có mơ!,” Nhà hát Kịch Masil - Hàn Quốc với vở “Chạy chạy chạy,” Nhà hát Kịch câm Pantomimteatern - Thụy Điển với vở “Ông nội và chiếc đàn Harmonia trong mơ.”

Ba đơn vị trong nước là Nhà hát Múa rối Thăng Long với vở “Nàng Hến,” Nhà hát Múa rối Việt Nam với vở “Ngày hội múa rối,” Nhà hát Tuổi trẻ với vở “Ngôi nhà của bé.”

Đây là các chương trình đạt chất lượng về mặt nghệ thuật, có nhiều tìm tòi sáng tạo và mang đậm bản sắc văn hóa của từng nước, với nhiều thể loại sân khấu như múa rối, kịch nói, kịch câm, kịch hình thể…

Đặc biệt, chương trình của các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ mang tới những xu hướng mới mẻ về dàn dựng sân khấu thiếu nhi đối với khán giả Việt Nam.

Hai nhà hát nghệ thuật của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ mang tới hình thức biểu diễn giao lưu trực tiếp với khán giả - một xu hướng phát triển mới của sân khấu quốc tế. Khán giả sẽ không chỉ thụ động thưởng thức mà còn tham gia giao lưu và biểu diễn cùng với nghệ sĩ.

Hai nghệ sĩ xuất sắc Nhà hát Kịch câm Pantomimteatern của Thụy Điển sẽ trình diễn thể loại kịch câm. Nhà hát múa rối Kabông của Lào sẽ đưa tới hình thức múa rối truyền thống của nước bạn với các thể loại rối que, rối người…

Từ ngày 24/5 đến 1/6, các đoàn sẽ luân phiên diễn tại các rạp Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội…

Các nghệ sĩ sẽ có cuộc biểu diễn giao lưu tại hai bệnh viện nhi của Thủ đô để phục vụ các bệnh nhân là thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, không thể đến nhà hát.

- Vào những thời điểm như ngày quốc tế thiếu nhi, ngày rằm Trung thu, không chỉ khán giả thiếu nhi của Thủ đô mà của cả nước đều rất “khát” các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Ông nghĩ gì về hiện trạng này?

Đây chính là vấn đề mà chúng tôi đang rất suy nghĩ để tìm hướng giải quyết. Làm thế nào để không chỉ một vài nhà hát như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Trung ương… mới xây dựng chương trình phục vụ cho thiếu nhi.

Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có cuộc hội thảo rút kinh nghiệm về tổ chức các liên hoan, hội diễn, hi vọng sẽ có những ý kiến đề cập tới mảng đề tài sân khấu cho thiếu nhi.

Hiện nay, đối tượng thiếu nhi ở các địa phương đang rất thiệt thòi khi không được xem các chương trình sân khấu thiếu nhi có chất lượng ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một vấn đề lớn cần phải có định hướng phát triển sân khấu thiếu nhi trên quy mô của tất cả các đơn vị nghệ thuật cả nước.

Chúng ta nên thấy rằng, trong khi các đơn vị nghệ thuật công lập bỏ rơi địa bàn phục vụ thiếu nhi thì một số bầu sô đã có sự nhạy bén tổ chức các chương trình vào các dịp Tết dành cho khán giả nhí. Nhiều chương trình dàn dựng rất dễ dãi, chỉ cần tập hợp một số nghệ sĩ tên tuổi được khán giả ưa thích là có thể đạt doanh thu cao.

Sân khấu rất cần có những chương trình chất lượng để phục vụ cho đối tượng này. Hi vọng sau liên hoan này, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sẽ cùng tìm ra những hướng đi và phát triển cho sân khấu thiếu nhi.

- Xin cảm ơn ông!

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark