08/09/2010 | 19:29:00

Nâng vị thế của cảng biển Việt Nam với quốc tế

Cảng Đà Nẵng. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

“Nâng cao vị thế của các cảng biển Việt Nam đối với quốc tế," là tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Đại hội lần thứ bảy Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) diễn ra tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng trong hai ngày 8 và 9/9.

Hơn 200 đại biểu đến từ hơn 50 doanh nghiệp cảng biển trong cả nước tham gia đại hội.

Dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tiến ra biển là xu thế tất yếu của Việt Nam để tìm kiếm và bảo đảm các nhu cầu về tăng trưởng và phát triển trong tương lai. Vì vậy, Việt Nam phải tìm mọi cách để phát huy lợi thế, khai thác tối đa tiềm năng vùng biển; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển. Bên cạnh đó, việc tạo cơ chế thuận lợi trong khai thác cảng là rất cần thiết để phát huy hiệu quả đầu tư.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các biện pháp nhằm bình ổn giá dịch vụ cảng biển, sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hải quan… để nâng cao sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam; duy trì, phát triển các mối quan hệ đối ngoại, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hiệp hội Cảng biển ASEAN, Hiệp hội Cảng biển quốc tế; tăng cường tiếp thị, tìm kiếm, xúc tiến thông tin thị trường cho khối cảng.

Hơn 16 năm hoạt động, đến nay, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đã có 53 thành viên. Hiệp hội đã làm tốt công tác tham mưu cho Nhà nước và ngành về những vấn đề quan trọng của khối cảng; thống nhất một số biện pháp để bình ổn giá dịch vụ cảng biển; duy trì và phát triển các quan hệ đối ngoại kể cả việc tham gia tích cực các sinh hoạt do Hiệp hội Cảng biển ASEAN.

Năm 2009, tổng sản lượng thông qua 53 cảng thuộc VPA đạt gần 172 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2008. Sáu tháng đầu năm 2010, tình hình hoạt động của các cảng vẫn tiếp tục khả quan cùng với tăng trưởng của nền kinh tế và xuất nhập khẩu của cả nước.

Tuy vậy, VPA vẫn còn nhiều bất cập như kết cấu hạ tầng cơ sở cảng biển của Việt Nam còn lạc hậu; cơ chế quản lý, quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển của Nhà nước còn chậm, thiếu dồng bộ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu thị trường và tiến độ đầu tư của khu vực doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới hoạt động cảng biển và hàng hải; sự gắn kết giữa cảng và các chuỗi vận tải, dịch vụ hàng hải vẫn còn chưa đồng bộ; cải cách hành chính, thủ tục hải quan... đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa bằng các nước trong khu vực.

Tại đại hội, nhiều ý kiến góp ý rằng, Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng hàng đầu về hàng hải với vị trí địa lý thuận lợi nên nếu hệ thống cảng biển phát triển nhanh đồng bộ và hội tụ đủ điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế sẽ làm thay đổi đáng kể tình hình vận tải container trong khu vực trong thập niên tới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các cảng biển Việt Nam, thu hút tàu nước ngoài chở hàng rời tới Việt Nam, các cảng biển và các ngành liên quan tại cảng cần có sự quan tâm tới việc quy hoạch cảng biển, cần có những khu dịch vụ hậu cần sau cảng và phải được kết nối với cảng tạo thành chuỗi dịch vụ liên hoàn, có thể đáp ứng được các yêu cầu của đối tác nước ngoài một cách thuận lợi.

Một số ý kiến khác cho rằng các cảng biển khi xây dựng hệ thống biểu giá, gồm bốc xếp hàng, lưu kho, tàu lai… cần có sự trao đổi, đối thoại với bạn hàng để có giá hợp lý vừa bảo vệ quyền lợi cho cảng vừa giữ được cân đối với mức giá của khu vực trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại hội đã kết nạp thêm năm thành viên cảng mới và bầu Ban Chấp hành Hiệp hội khóa bảy./.

Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark