04/02/2012 | 09:08:00

Quản lý Hà Nội trong mối quan hệ với Quốc gia

Thăng Long – Hà Nội là một khu vực lịch sử và văn hoá đặc thù của Việt Nam. Đối với mọi trường hợp, tính đặc thù (hay “tính cách khu vực” – theo ngôn ngữ khu vực học), được hình thành là kết quả của sự kết hợp nhiều nhân tố. Đối với Thăng Long – Hà Nội, trong các nhân tố làm nên tính đặc thù của khu vực này, vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước có ý nghĩa quyết định.
 
 Là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, Thăng Long – Hà Nội tồn tại và phát triển không còn chỉ cho riêng mình, mà còn phải cho cả nước. Vì thế trên phương diện quản lý và phát triển, Thăng Long – Hà Nội phải được đặt trong tổng thể quản lý và phát triển chung của cả đất nước.
 
 1.Giải quyết hợp lý và hiệu quả mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội
 
 Trong một quốc gia tập quyền và thống nhất, quan hệ Trung ương và địa phương là quan hệ đương nhiên. Đó là mối quan hệ lan tỏa và tập trung quyền lực giữa Trung ương và địa phương và ngược lại. Nhưng trường hợp đô thị trung tâm chính trị, hành chính quốc gia như Thăng Long – Hà Nội thì khác nhiều. Đó là mối quan hệ đặc biệt.
 
 Như đã nhấn mạnh, đặc thù của đô thị Thăng Long – Hà Nội là vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Với vai trò đó, Thăng Long – Hà Nội là nơi đóng các cơ quan Trung ương của hệ thống chính trị. Thời phong kiến là toàn bộ triều đình Trung ương, nay là toàn bộ các cơ quan Trung ương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên phương diện quản lý, sự đan xen giữa Trung ương và Hà Nội có thể thấy thể hiện ở tất cả các mặt của đời sống đô thị. Tựu trung lại, có thể phân biệt mối quan hệ này ở hai tuyến chính như sau:
 
 Thứ nhất, Hà Nội - địa phương, đối tượng quản lý đặc biệt của Trung ương. Nhà nước Trung ương thực hiện việc quản lý đến toàn bộ các địa phương trên phạm vi cả nước bằng hệ thống hành chính mà trong lịch sử Việt Nam, từ rất sớm, đã được xây dựng theo hướng tập quyền. Khuynh hướng tập quyền - sự tập trung quyền lực và sức mạnh của Chính quyền Trung ương – là một đòi hỏi gắn với các yêu cầu có tính đặc thù của lịch sử Việt Nam[1]. Tồn tại như một yêu cầu của lịch sử, chính thể Trung ương tập quyền với quyền lực của mình thực hiện sự quản lý – chi phối đến tất cả các địa phương, duy trì sự ổn định và nền thống nhất đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, đó là khuynh hướng chủ đạo. Tất nhiên cũng luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa nó với những biểu hiện trái chiều: cục diện cát cứ 12 sứ quân cuối thời Ngô (965-968), sự lớn mạnh của các thế lực phong kiến địa phương cuối thời Lý (đầu thế kỷ XIII), cuối thời Trần (cuối thế kỷ XVI), cục diện chia cắt Nam triều - Bắc triều (thế kỷ XVI) rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVII-XVIII) nhưng rốt cục đều bị khuynh hướng tập quyền vượt qua. Trong một bối cảnh chung như thế, Thăng Long – Hà Nội với tư cách một địa phương cũng chịu sự quản lý chặt chẽ của Chính quyền Trung ương như tất cả các địa phương khác. Tuy nhiên, với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, Thăng Long – Hà Nội là đối tượng quản lý đặc biệt của Chính quyền Trung ương. Đặc biệt bởi vai trò của địa phương này đối với Trung ương và đối với cả nước và đặc biệt bởi khả năng chi phối, khống chế của Trung ương thuận lợi hơn tất cả các địa phương khác do hầu như không có cách biệt về không gian.
 
 Thứ hai, Trung ương cũng là một đối tượng quản lý của Thăng Long – Hà Nội. Đóng trụ sở tại Thăng Long – Hà Nội, Trung ương (triều đình phong kiến ngày xưa và toàn bộ hệ thống chính trị ngày nay) là một phần của đời sống đô thị Thăng Long – Hà Nội, quy định tính chất đặc thù của đô thị này so với tất cả các đô thị khác còn lại. Vì thế, đương nhiên, trên nhiều phương diện, Trung ương cũng lại là đối tượng quản lý của Hà Nội, trên tất cả mọi phương diện, trong đó trước hết và chủ yếu là quản lý con người[2]. Thực ra thì tính chất này cũng có ở tất cả các địa phương, các đô thị do sự đan xen giữa nguyên tắc quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, nhưng không đâu rõ rệt và tập trung như ở Thăng Long – Hà Nội. Các địa phương khác chỉ chủ yếu quản lý dân cư địa phương mình, nhưng Thăng Long – Hà Nội thì phải quản lý cả bộ máy Trung ương (con người) của toàn bộ hệ thống chính trị. Một nhiệm vụ nặng nề hơn bất kỳ địa phương nào, không phải bởi quy mô dân số lớn hay bé mà bởi đặc điểm và tính chất của khối dân cư đó[3].
 
 Tóm lại, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thăng Long – Hà Nội là chủ thể tác động đến địa phương Hà Nội theo quan hệ trên - dưới, đồng thời nhiều nội dung lại thuộc đối tượng quản lý theo vùng lãnh thổ của chính quyền địa phương Hà Nội. Không ít hoạt động của các cơ quan Trung ương chỉ được thực hiện tốt khi hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương Hà Nội được tăng cường. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, hiệu lực hoạt động của chính quyền Hà Nội liên quan trực tiếp đến vận mệnh của các cơ quan đầu não chính trị - hành chính, nhất là đảm bảo an ninh và quốc phòng. Nhưng đặc điểm này cũng đặt ra nguy cơ chồng lấn, đan xen về đối tượng quản lý trong quá trình vận hành của quyền lực nhà nước. Vì vậy, cần phải bóc tách ranh giới giữa trách nhiệm quản lý của Trung ương và của Chính quyền địa phương Hà Nội. Nhìn cơ bản, trong xu thế phân cấp quản lý, gắn liền với hình thành nhà nước pháp quyền, chính quyền địa phương Hà Nội ngày càng được giao trách nhiệm quản lý lớn hơn. Nếu phân chia đối tượng quản lý thành hai loại “tĩnh” và “động”, thì chính quyền địa phương Hà Nội quản lý phần lớn những yếu tố “tĩnh” (đất đai, nhà cửa và kết cấu hạ tầng khác) mà cơ quan Trung ương đang sử dụng. Ngay trong yếu tố “động” (con người, tổ chức bộ máy), thì các cơ quan Trung ương quản lý hoạt động công vụ, còn các hoạt động dân sự đều thực hiện quản lý theo lãnh thổ thuộc chức trách của chính quyền Hà Nội. Kể cả từng loại công việc, theo xu hướng xã hội hoá các dịch vụ công, nhiều trách nhiệm quản lý phải dần được chuyển giao cho Chính quyền Thành phố, Trung ương chỉ giữ những phần việc phục vụ yêu cầu quản lý vĩ mô … Tất cả điều đó đặt cho Hà Nội đứng trước những đối tượng quản lý vừa rộng lớn về quy mô, vừa phức tạp về tính chất, vừa đa dạng về loại hình,… rất cần một cơ chế quản lý đặc thù. Đến lượt nó, những đóng góp của Hà Nội sẽ có tác dụng tăng cường năng lực hoạt động của các cơ quan Trung ương và cùng tạo nên sức mạnh cộng hưởng củng cố vai trò của trung tâm chính trị - hành chính Hà Nội.
 
 Giải quyết mối quan hệ Trung ương và địa phương trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội phải xuất phát từ đặc thù của mối quan hệ này. Nghĩa là phải trở lại với mệnh đề cơ bản: vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của Thăng Long – Hà Nội. Quản lý là quản lý đô thị - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, phát triển là phát triển đô thị - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Theo đó, yêu cầu hay mục đích của quản lý và phát triển đô thị trong trường hợp này phải trước hết và chủ yếu là: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cơ quan đầu não của toàn bộ hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - văn hoá vừa đáp ứng nhu cầu riêng vừa có khả năng tác động và sức lan tỏa mạnh mẽ ra bên ngoài (trong nước và ngoài nước) và cuối cùng, phải trở thành một mẫu mực – hình ảnh về quản lý và phát triển. Đạt tới các yêu cầu hay mục đích trên, một mình địa phương Thăng Long – Hà Nội không thể kham nổi. Từ thực tiễn lịch sử, các mệnh đề - trong đó bao gồm cả những bài học hiệu quả, hợp lý hay chưa hiệu quả, hợp lý về giải quyết mối quan hệ Trung ương và địa phương trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội bước đầu được rút ra là: lãnh đạo Trung ương và địa phương phải nhận thức sâu sắc về cộng đồng trách nhiệm trong quản lý và triển Thăng Long – Hà Nội và phải có cơ chế để phát huy hết trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội. Cơ chế đó phải vừa thể hiện được tính phối hợp giữa Trung ương và địa phương, vừa thể hiện được trách nhiệm cụ thể của Trung ương và địa phương. Muốn thế, phải có sự phân cấp rõ ràng về trách nhiệm của Trung ương và trách nhiệm của địa phương. Không làm rõ điều này, sẽ dẫn đến một loạt bất cập:
 
 Một là, tính không rõ ràng dẫn đến tình trạng nhập nhèm trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương. Trung ương thì cho đó là việc của địa phương, còn địa phương thì nghĩ ngược lại, rốt cuộc không đâu chịu trách nhiệm cả. Nhưng đó chưa phải là lỗi trách nhiệm, mà là lỗi cơ chế. Thời phong kiến, cứ xem xét toàn bộ hệ thống pháp luật nhà nước, từ Quốc triều hình luật thời Lê Thánh Tông và các văn bản pháp luật sau này, những điều luật áp dụng cho khu vực Kinh thành quy định rất rõ ràng, đâu là phần việc triều đình, đâu là phần việc của địa phương cùng trong một nhiệm vụ quản lý Kinh đô.
 
 Hai là, tính không rõ ràng dẫn đến tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm giữa Trung ương và địa phưong và nhất là sự ỷ lại từ phía địa phương. Có cả hai mặt của cùng một vấn đề. Trước hết là xuất phát từ cơ chế, địa phương không thể hiện tính chủ động của mình mà thường trông chờ vào Trung ương, nhưng tiêu cực hơn, là thái độ “e ngại” đối với Trung ương. Sự thực là bao giờ cũng thế, gần Trung ương luôn có tính hai mặt. Chắc chắn sẽ có “được” sự “che chở” của Trung ương, nhưng cũng chắc sẽ luôn luôn “bị” sự “giám sát” của Trung ương.
 
 Do đó, giải quyết hợp lý và hiệu quả mối quan hệ Trung ương và địa phương trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội phải xuất phát từ nhận thức về tính đặc thù của đô thị này, từ đó mà có nhận thức sâu sắc về cộng đồng trách nhiệm một cách cụ thể và trực tiếp giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế phát huy hết trách nhiệm của Trung ương và địa phương – bao gồm cả những lợi thế đặc biệt của Thăng Long – Hà Nội trong quan hệ với Trung ương đáp ứng các yêu cầu và mục đích về quản lý và phát triển đô thị trung tâm chính trị, hành chính quốc gia.
 
 Trong thời gian qua, việc giải quyết mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Nghị quyết 15 NQ/TW ngày 15 tháng 12 năm 2000 chỉ rõ những yếu kém của Hà Nội xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan: Về phía Đảng bộ và Chính quyền Thành phố Hà Nội chưa thật sự chủ động, năng động nghiên cứu, triển khai các giải pháp kiên quyết, các khâu đột phá để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, Thành phố chưa khai thác được tối đa sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan khoa học, các chuyên gia… trên địa bàn. Về phía một số bộ, ban, ngành Trung ương chưa nhận thức sâu sắc, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô; việc phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa rõ ràng, còn chồng chéo nên chưa khai thác tốt các tiềm năng trên địa bàn[4].
 
 Những hạn chế trên rõ ràng đều xuất phát từ hai mệnh đề cơ bản: sự nhận thức và cơ chế thực hiện. Để quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội đúng như các yêu cầu và mục đích nêu trên, tất cả những người có trách nhiệm từ Trung ương cho đến địa phương phải cùng nâng cao nhận thức, cùng chia sẻ trách nhiệm.
 
 Nghị quyết 15 NQ/TW ngày 15 tháng 12 năm 2000 đã xác định rõ trách nhiệm của Trung ương trong quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội: “Xây dựng vào bảo vệ Thủ đô Hà Nội là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các địa phương trong cả nước có trách nhiệm cùng Đảng bộ, nhân dân Hà Nội hoàn thành sự nghiệp vẻ vang đó. Cần quán triệt sâu sắc nội dung của Nghị quyết; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết; rút kinh nghiệm để thực hiện tốt Nghị quyết”. Đồng thời quy định cụ thể: Bộ Chính trị hàng năm có hội nghị bàn về công tác lãnh đạo Thủ đô Hà Nội; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội làm cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng Hà Nội xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội trên nguyên tắc bảo đảm quy hoạch và quan hệ phối hợp ngành – lãnh thổ và quan hệ giữa các địa phương trong cả nước, cụ thể: 1. Phân công, phân cấp mạnh, cho phép Thủ đô được chủ động thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút, sử dụng vốn; về quản lý dân cư, nhà đất; về đầu tư và xây dựng, phát triển phúc lợi công cộng và các hoạt động văn hoá - nghệ thuật… trên địa bàn, 2. Có cơ chế về quan hệ giữa Trung ương với Hà Nội, giữa các địa phương trong cả nước với Hà Nội, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng, quản lý đô thị, đảm bảo an ninh quốc phòng, mở rộng hoạt động đối ngoại, phát huy vai trò của Thủ đô đối với vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc và đối với cả nước, 3. Dành sự đầu tư đặc biệt về ngân sách và các nguồn tài chính, các phương tiện vật chất - kỹ thuật, tạo điều kiện để Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, tương xứng với vị thế và trọng trách của Thủ đô. Định kỳ nâng tỷ lệ phân bổ ngân sách hàng năm cho Thành phố; cấp đủ vốn cho các chương trình, dự án lớn trên địa bàn; Thành phố được sử dụng khoản thu ngân sách vượt kế hoạch hàng năm để đầu tư phát triển Thủ đô; các bộ, tổng cục, các cơ quan trực thuộc Chính phủ phối hợp với Hà Nội xây dựng kế hoạch và cơ chế chính sách phát triển Thủ đô; thường xuyên kiểm tra, giúp Hà Nội tháo gỡ những khó khăn, ách tắc; động viên cán bộ, công chức, các đơn vị trực thuộc tích cực tham gia vào xây dựng Thủ đô.
 
 2.Giải quyết hợp lý và hiệu quả mối quan hệ giữa Thăng Long – Hà Nội và các địa phương khác của cả nước
 
 Trên thực tế, ở các mức độ khác nhau, giữa các địa phương luôn có mối quan hệ nhất định. Thời trung đại hoặc trong điều kiện giao thông và thông tin liên lạc chưa phát triển, đó là mối quan hệ giữa các địa phương gần gũi về mặt địa lý. Về sau này, khi giao thông và thông tin liên lạc phát triển, nhất là trong thời đại cách mạng thông tin như hiện nay, mối quan hệ đó ngày càng được mở rộng, vượt khỏi giới hạn về khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các địa phương hoặc chỉ dừng lại trong một phạm vi không gian nhất định (thời trung đại), hoặc xuất phát từ những lợi ích cụ thể (thời cận hiện đại) chứ không mang tính phổ biến, hoặc ràng buộc tự nhiên vì lợi ích riêng cũng như lợi ích của toàn bộ quốc gia – dân tộc.
 
 Quan hệ giữa Thăng Long – Hà Nội, ngược lại, với tư cách một địa phương đặc biệt đóng vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, với tất cả các địa phương trên toàn quốc, là mối quan hệ phổ biến, ràng buộc tự nhiên, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của toàn bộ quốc gia – dân tộc và của từng địa phương cụ thể. Quan hệ đó vừa mang tính hướng tâm (quy tụ về Thăng Long – Hà Nội), vừa mang tính lan tỏa (chi phối từ Thăng Long – Hà Nội). Với ý nghĩa như vậy, Thăng Long – Hà Nội là đầu mối của sự hình thành mối liên kết quốc gia và thống nhất dân tộc. Vì thế, trong quan hệ với các địa phương trên toàn quốc, Thăng Long – Hà Nội vừa phải xây dựng mối quan hệ với từng địa phương cụ thể, vừa phải đóng vai trò liên kết giữa các địa phương với nhau.
 
 Quan hệ Thăng Long - Hà Nội với tư cách Kinh đô - Thủ đô với các địa phương trên cả nước thể hiện trước hết ở trách nhiệm của các địa phương đối với Thăng Long – Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, sự an toàn của Thăng Long – Hà Nội gắn với sự an toàn của cả quốc gia, sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội gắn với sự phát triển của cả quốc gia. Trách nhiệm của các địa phương đối với Thăng Long – Hà Nội thể hiện, chẳng hạn, trước tiên là ở yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Thăng Long – Hà Nội trên mọi phương diện, trong đó trước hết là về quốc phòng và an ninh. Rất đơn giản vì đây là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, quốc phòng và an ninh của đô thị này là liên quan đến toàn bộ sự sống còn của cả quốc gia. Như dưới thời phong kiến, các nhà nước quân chủ dân tộc luôn nhận thức rất rõ vai trò của các địa phương đối với Kinh thành. Lấy Thăng Long – Hà Nội là tâm, có “tứ trấn” (không phải là “Thăng Long tứ trấn”) gồm Bắc (trấn Kinh Bắc), Nam (trấn Sơn Nam), Đông (trấn Hải Dương), Đoài (trấn Sơn Tây). Đó là những địa phương đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc đảm bảo an toàn cho Kinh thành, nhất là trong trường hợp có giặc ngoại xâm. Ngoài nữa, mỗi một khoảng cách không gian là một vai trò cụ thể. Nguyễn Trãi, trong sách Dư địa chí đã đánh giá về vị trí của các địa phương đối với Thăng Long (thế kỷ XV mang tên Đông Kinh), với nhiều tầng nấc, được gọi là các “phên đậu” như sau:
 
 Bắt đầu là “tứ trấn”[5], được coi là các “phên đậu” thứ nhất: phía Đông - Hải Dương (vùng Hải Dương, Hải Phòng ngày nay): “…Đông và Tây giáp Kinh Bắc và Yên Quảng, Bắc và Nam giáp Thái Nguyên và Sơn Nam. Ấy là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và làng đứng đầu phên dậu phía Đông”; phía Tây – Sơn Tây (một phần Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ ngày nay); “… Đông và Nam giáp Thượng kinh, Sơn Nam, Tây và Bắc giáp Tuyên, Hưng. Đấy là trấn thứ hai trong bốn kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía Tây”; phía Nam – Sơn Nam (một phần Hà Nội, Hà Tây, các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình ngày nay): “…Đông và Bắc thông với Hải Dương, Thượng kinh, Tây và Nam thông với Sơn Tây, Thanh Hoa. Đấy là trấn thứ ba trong bốn kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía Nam”; phía Bắc – Kinh Bắc (một phần Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay): “… Tây và Nam giáp Thượng kinh, Sơn Nam, Đông và Bắc giáp Thái Nguyên, Hải Dương. Đấy là trấn thứ tư trong bốn kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía Bắc”[6]
 
 Ở tầng nấc thứ hai, được coi là các “phên dậu” thứ hai: phía Đông – An (Yên) Bang (vùng Quảng Ninh ngày nay): “… Tây và Nam tiếp với Hải Dương, Đông và Bắc giáp với Khâm Châu… Đây là phên dậu thứ hai ở phương đông vậy”; phía Tây – Hưng Hoá (vùng Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai ngày nay): “…Phía Tây thông với Vân Nam, phía Đông tiếp giáp Sơn Tây, phía Bắc và phía Nam tiếp giáp Tuyên, Nghệ…Đấy là phên dậu thứ hai ở phương tây vậy”; phía Nam – Thanh Hoa (Ninh Bình, Thanh Hoá ngày nay): “Đông và Bắc giáp Sơn Nam và biển, Tây và Nam giáp Sơn Tây, Hoan Lộ… Đấy là phên dậu thứ hai ở phương nam vậy; phía Bắc - đạo Thái Nguyên (Thái Nguyên, Bắc Cạn ngày nay): “…Đông và Bắc giáp Cao Lạng, Tây và Nam giáp Kinh Bắc… Đấy là nơi phên dậu thứ hai về phương Bắc vậy”[7].
 
 Ở tầng nấc thứ ba, được coi là “phên dậu” thứ ba: phía Tây – Tuyên Quang (vùng Tuyên Quang và một phần Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng ngày nay): “… Đông và Bắc giáp Cao, Lạng, Tây và Nam giáp Sơn, Hưng … Đấy là phên dậu thứ ba ở phương tây vậy”; phía Nam - Nghệ An (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay): “… Đông và Bắc giáp Hải Nam, Thanh Hoa, Tây và Nam giáp Thuận Hoá… Đấy là phên dậu thứ ba ở phương Nam vậy”; phía Bắc - Lạng Sơn (Lạng Sơn ngày nay): “… Tây Nam giáp Thái Nguyên, Đông Bắc giáp Lưỡng Quảng… Đấy là phên dậu thứ ba ở phương Bắc vậy”[8].
 
 Ở tầng nấc thứ tư, được coi là “phên dậu” thứ tư: phía Nam - Thuận Hoá (vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay): “… Đông Bắc thông với Nghệ An, Tây Nam liền với Lào, Quảng… Đấy là phên dậu thứ tư ở phương Nam vậy”; phía Bắc – Cao Bằng (Cao Bằng ngày nay): “… Đông Bắc tiếp giáp Lưỡng Quảng, Tây tiếp giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn… Đấy là phên dậu thứ tư ở phương Bắc vậy”[9].
 
 Ở tầng nấc thứ năm, được coi là “phên dậu” thứ năm: phía Nam – đạo Quảng Nam (vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay): “… Đông và Bắc tiếp giáp Thuận Hoá, Tây và Nam thông với Chiêm Thành… Đấy là phên dậu thứ năm về phương Nam”[10]…
 
 Xét trên nhiều ý nghĩa, quan hệ Thăng Long – Hà Nội với các địa phương chủ yếu thể hiện ở mối quan hệ tác động hai chiều giữa một bên là “trung tâm” với bên kia là các “ngoại vi”.
 
 Nói tới vai trò “trung tâm” thì tự nó đã thể hiện khả năng chi phối đối với sự vận động và phát triển của các khu vực “ngoại vi”, cụ thể hơn là đối với các đơn vị hành chính lãnh thổ khác của đất nước. Khác với “trung tâm kinh tế” thường phát huy ảnh hưởng thông qua các quy luật kinh tế cơ bản, thì các trung tâm chính trị hành chính thường chi phối vai trò của nó bằng khả năng áp chế thông qua thể chế và tổ chức. Do đó, trong một quốc gia có thể hình thành “đa trung tâm” về kinh tế - do diện tích lãnh thổ dài hoặc rộng tạo thành nhiều vùng với những lợi thế so sánh khác nhau – nhưng trung tâm chính trị, hành chính thì không thể có tính chất đa trung tâm, bất luận đó là Nhà nước liên bang hay Nhà nước đơn nhất, ngoại trừ khi quyền lực Nhà nước Trung ương suy giảm, không đủ khả năng kiểm soát các vùng lãnh thổ. Bởi vì, đa trung tâm chính trị , hành chính đồng nghĩa với cát cứ, ly tâm và phá vỡ sự thống nhất. Kể cả phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương, suy cho cùng, cũng là nhằm tăng cường khả năng tập trung, thống nhất quản lý tốt hơn, trên cơ sở phát huy quyền tự chủ của các địa phương, khắc phục bệnh ôm đồm, bao biện công việc địa phương của Trung ương. Vì vậy quản lý và phát triển Hà Nội với tư cách trung tâm chính trị - hành chính phải được đặt trong tổng thể các mối quan hệ chính trị - hành chính giữa Trung ương với Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương khác. Các thành phố trực thuộc Trung ương khác, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, có thể trở thành những trung tâm kinh tế mạnh, nhưng tuyệt đối không được biến thành các “trung tâm chính trị - hành chính” của từng tiểu vùng. Vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng ở đây là xây dựng cơ chế tản quyền của Trung ương đối với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, nhằm nâng cao khả năng điều hành quản lý, nhưng không được chuyển hoá thành phân quyền, làm suy giảm uy thế và vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước của Hà Nội. Đây là vấn đề chưa được quan tâm nghiên cứu, do chi phối bởi cả nhân tố chủ quan và khách quan, trước hết do nhận thức chưa đầy đủ về cấu trúc quyền lực chính trị với hàng loạt phạm trù trái ngược: tập quyền và tản quyền, tập quyền và phân quyền, thống nhất và phân chia, tập trung và phi tập trung (phân cấp); về đặc điểm quá trình lãnh thổ và văn hoá chính trị - văn hoá quản lý của đất nước khi đối chiếu, xem xét với các cặp phạm trù nêu trên.
 
 Tác động của “trung tâm” chính trị - hành chính đất nước đối với vùng “ngoại vi” được phản ánh ở hai biểu hiện sau:
 
 Một là, tác động của các cơ quan quyền lực (chính trị - hành chính) Trung ương đóng trên địa bàn Thăng Long – Hà Nội đối với các đơn vị hành chính lãnh thổ địa phương trong cả nước. Nếu xem xét những tác động này theo trật tự, thứ bậc tổ chức trên - dưới mang tính áp chế với quan hệ chỉ đạo và phục tùng, thông qua thể chế luật pháp và cơ cấu tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, thì đó là tác động của Trung ương đối với địa phương, kể cả Thăng Long – Hà Nội với tư cách một đơn vị hành chính lãnh thổ địa phương cũng chịu sự tác động này. Còn nếu xem xét tổng hợp sự tác động không theo trật tự, thứ bậc của tổ chức, mà là sự chi phối của vùng lãnh thổ này đối với vùng lãnh thổ khác, thì đó là sự tác động của “trung tâm” đối với “ngoại vi”. Trong trường hợp này, vai trò của Thăng Long – Hà Nội đối với các vùng lãnh thổ khác tuỳ thuộc vào sức mạnh các cơ quan (chính trị - hành chính) Trung ương đóng trên địa bàn. Do đó, xây dựng hệ thống chính trị Trung ương vững mạnh, đủ khả năng chi phối các địa phương khác, trở thành một nội dung phát huy vai trò của trung tâm chính trị - hành chính Thăng Long – Hà Nội. Dĩ nhiên, xây dựng hệ thống chính trị cấp Trung ương và xây dựng trung tâm chính trị - hành chính của đất nước là hai nội dung khác nhau. Ở đây không đề cập vấn đề xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cấp Trung ương, mà chỉ nhấn mạnh đến những tác động từ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Trung ương đối với sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước.
 
 Hai là, tác động của Thăng Long – Hà Nội với tư cách một đơn vị hành chính lãnh thổ địa phương này đối với một đơn vị hành chính lãnh thổ địa phương khác. Đây là quan hệ bình đẳng giữa các đơn vị hành chính lãnh thổ địa phương trong quốc gia dân tộc. Trong trường hợp này, vai trò “trung tâm” của Thăng Long – Hà Nội được phát huy ảnh hưởng chủ yếu bằng tính tiêu biểu và mẫu mực về mọi mặt. Tính tiêu biểu và mẫu mực trước hết phải thể hiện ở các quyết sách lãnh đạo - quản lý sáng suốt trên địa bàn Thủ đô để các địa phương khác noi gương, học tập. Tính tiêu biểu còn thể hiện trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo - quản lý phải chung đúc được giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội, có sức hấp dẫn với các địa phương khác. Tính tiêu biểu còn thể hiện ở hệ thống chính trị Thủ đô phải hội tụ được nhân tài của đất nước, đại diện cho các vùng miền, tránh “cơ cấu cán bộ” khép kính trong khu vực lãnh thổ phía Bắc như hiện nay. Trong đó, xu hướng văn hoá hoá các hoạt động lãnh đạo - quản lý là vấn đề cốt yếu và chính nó là điều kiện để phát huy vai trò của Hà Nội đối với các địa phương khác trong cả nước.
 
 Trong quan hệ giữa “trung tâm” và “ngoại vi” bao giờ ưu thế chi phối cũng thuộc về trung tâm. Nhưng mức độ và khả năng chi phối của “trung tâm” lại tuỳ thuộc vào phương pháp, cách thức và công cụ quản lý. Một phương pháp và phương tiện quản lý xơ cứng, lạc hậu sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn, mà trong nhiều trường hợp còn dẫn tới nguy cơ cục bộ, cát cứ, phân tán. Do đó, đổi mới phương pháp và phương tiện lãnh đạo – quản lý của cơ quan Trung ương và của Hà Nội có tác dụng trực tiếp nâng cao vị thế của trung tâm chính trị - hành chính, nhất là ngày nay được hỗ trợ bởi các phương pháp và phương tiện quản lý hiện đại. Một khi các khu vực “ngoại vi” chịu vai trò chi phối bởi trung tâm thì các nguồn lực của Quốc gia mới được khai thác, sử dụng hợp lý và nhờ đó đảm bảo thúc đẩy đất nước phát triển, đồng thời củng cố vị thế trung tâm chính trị - hành chính của Hà Nội.
 
 Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước không chỉ xem xét chiều quan hệ giữa “trung tâm” với “ngoại vi”, mà phải cân nhắc đầy đủ cả chiều quan hệ ngược lại. Một khi vùng “ngoại vi” phát triển đúng định hướng của thể chế cầm quyền, sẽ tạo ra khả năng tăng cường quyền lực cản níu kéo hoặc buộc phải chia xẻ, làm phân tán các nguồn lực, cản trở sự phát triển của khu vực “trung tâm”. Do đó, quản lý và phát triển trung tâm chính trị - hành chính không chỉ nhấn mạnh một chiều trách nhiệm của Hà Nội với cả nước, mà còn phải xem xét đầy đủ quan hệ của các địa phương khác với Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là vai trò của các địa phương phụ cận của Hà Nội trong quan hệ tương hỗ, gắn với quy hoạch liên kết không gian đô thị (đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh).
 
 Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội với vai trò của trung tâm chính trị - hành chính còn phải xem xét không gian quyền lực với phạm vi ảnh hưởng của nó trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Như đã nêu, tác động của “trung tâm” với “ngoại vi” tuỳ thuộc rất nhiều yếu tố và mang tính lịch sử, khi lãnh thổ Quốc gia bó hẹp ở vùng lãnh thổ phía Bắc thì không gian quyền lực sẽ không giống như khi lãnh thổ đất nước vươn dài xuống phía Nam, khi đất nước không thống nhất sẽ không giống như lúc bị chia cắt, khi chịu sự thống trị của bên ngoài không giống như khi đất nước độc lập, có chủ quyền… Nếu vẽ nhiều vòng tròn đồng tâm, thì không gian quyền lực của trung tâm chính trị - hành chính Thăng Long – Hà Nội ở các thời kỳ lịch sử biến động theo mức độ rộng - hẹp khác nhau, gắn với những điều chỉnh địa giới hành chính trong lịch sử, với quá trình lãnh thổ, với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước loạn cát cứ, phân liệt, với cả quan hệ giữa giữa Việt Nam – Lào – Campuchia (thời Pháp thuộc). Do đó, phải xem xét không gian quyền lực của trung tâm chính trị - hành chính Thăng Long – Hà Nội trong cả trạng thái “tĩnh” và trạng thái “động” ở từng thời kỳ lịch sử cụ thể.
 
 Nhận thức vấn đề là như thế, thực tiễn lịch sử là như thế. Chúng ta đã có những thành công trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Thăng Long – Hà Nội với các địa phương trong cả nước trong quản lý và phát triển đô thị với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, nhất là trên phương diện đảm bảo quốc phòng và an ninh trật tự. Nhưng vẫn còn nhiều bất cập hiện nay, như Nghị quyết 15/NQTW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “… Thành phố chưa khai thác được tối đa sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan khoa học, các chuyên gia… trên địa bàn; chưa chủ động hợp tác với các địa phương, trực tiếp là các tỉnh, thành lân cận… Một số địa phương, trước hết là các tỉnh lân cận Hà Nội chưa chủ động phối hợp với Hà Nội xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội,… có hiệu quả”.
 
 Một khía cạnh khác, mối quan hệ Thăng Long – Hà Nội với các địa phương trong cả nước còn là yêu cầu xây dựng Thăng Long – Hà Nội thành đầu mối của sự hình thành mối liên kết quốc gia và thống nhất dân tộc. Điều này được thể hiện với những biểu hiện cụ thể sau:
 
 Một là, quyền lực chi phối từ Thăng Long - đối với cả nước. Quyền lực ở đây bao gồm trước hết và chủ yếu là quyền lực chính trị, quyền lực hành chính, quyền lực đối ngoại, sau đó là về các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, văn hoá. Quyền lực đó trước hết của chính quyền Trung ương. Nhưng địa phương Thăng Long – Hà Nội cũng góp phần, đóng một vai trò chủ động và tích cực vào việc hình thành, củng cố và phát triển quyền lực đó. Không có một chính quyền Trung ương vững mạnh với những quyền lực thực sự thì không thể duy trì được nền thống nhất Quốc gia.
 
 Thứ hai, Thăng Long – Hà Nội phải trở thành điểm hướng tâm của mọi địa phương, cho đến mỗi người Việt Nam, với người Việt Nam định cư ở nước ngoài – cơ sở tinh thần của sự hình thành mối liên kết Quốc gia và thống nhất dân tộc.
 
 Thăng Long – Hà Nội có lịch sử ngót một nghìn năm với vai trò Kinh đô - Thủ đô của Việt Nam. Đó là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, trung tâm kinh tế và đặc biệt là trung tâm văn hoá hàng đầu của Việt Nam. Là trung tâm chính trị, hành chính, Thăng Long – Hà Nội có thể tạo thành điểm hướng tâm khi chính thể cầm quyền là đại diện cho quyền lợi dân tộc và lợi ích của nhân dân nhưng cũng có thể không trong trường hợp ngược lại. Nhưng với bề dày lịch sử, với vai trò trung tâm chính trị, hành chính gần như liên tục, trung tâm kinh tế lớn hàng đầu, Thăng Long – Hà Nội trở thành nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hoá Việt Nam, thành biểu tượng – hình ảnh của văn hoá Việt nam, thành biểu tượng – hình ảnh về cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Vì thế, với tư cách địa phương – Kinh đô – Thủ đô, Thăng Long – Hà Nội không chỉ xây dựng mối quan hệ với từng địa phương, mà còn phải đóng vai trò xây dựng mối liên kết giữa các địa phương tạo thành mối liên kết toàn quốc – dân tộc.
 
 Trong việc xây dựng quan hệ giữa Thăng Long – Hà Nội với các địa phương hay đóng vai trò xây dựng giữa các địa phương, từ những biểu hiện rất cụ thể (quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá) phải luôn được thiết kế nhằm vào các mục tiêu có tính chiến lược như trên, chứ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ thông thường./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark