08/04/2010 | 20:37:00

Tái hiện lễ tế đàn Xã Tắc triều Nguyễn tại Huế

Lễ tế đàn Xã Tắc. (Nguồn: Internet)

Tối 8/4 (tức 24/2 Âm lịch), Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức chương trình tái hiện lễ tế đàn Xã Tắc của triều Nguyễn.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chuẩn bị Festival Huế 2010 và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Chương trình bắt đầu từ lễ xuất cung diễn ra tại điện Thái Hòa, Đại Nội, Huế.

Đoàn Ngự đạo (bao gồm một đám rước mang màu sắc cung đình, có voi, ngựa, cờ, lọng, kiệu, áng... với sự tham gia của 550 diễn viên cùng 100 bô lão đại diện người dân trong tỉnh) bắt đầu xuất phát từ đây, ra cửa Ngọ Môn, theo tuyến đường 23/8-Lê Huân-Ngô Thời Nhậm đến đàn Xã Tắc.

Tại đàn Xã Tắc, lễ tế được thực hiện trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức truyền thống như lễ Quán tẩy, lễ Thượng hương, lễ Nghinh thần, lễ Điện ngọc bạch, lễ Truyền chúc, lễ Hiến tước, lễ Tứ phúc tộ, Triệt soạn, Tống thần, Tư chúc bạch soạn...

Lễ tế đàn Xã Tắc tức tế thần đất và thần lúa là một lễ hội cung đình có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Thời nhà Nguyễn lễ tế này thường được tổ chức vào tháng hai âm lịch hàng năm, nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hoà, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

Lễ tế đàn Xã Tắc thời Nguyễn ở kinh đô Huế là một lễ tế quan trọng xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam giao.

Kể từ khi trùng tu đàn Xã Tắc vào năm 2007,  hàng năm lễ tế đàn Xã Tắc được tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện xã hội hóa tối đa để trở thành một lễ hội cộng đồng, phục vụ đông đảo nhân dân và khách thập phương đến dự.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark