12/06/2023 | 14:00:00

Thành bậc đá Điện Kính Thiên: Tuyệt tác điêu khắc thời Lê Trung Hưng

Thành bậc đá Điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng. (Nguồn: Báo Dân trí)

Điện Kính Thiên (được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông) - cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Đến 1886 điện bị phá hủy, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay).

Rồng đá trong hệ thống thành bậc điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu của các bậc tiền nhân, trong đó bộ thành bậc chính giữa phía trước đại diện cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ, được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 12/2020; và mới đây, ngày 30/1/2023, bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại thế kỷ 17 (bộ thành bậc phía sau) cũng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Điện Kính Thiên gồm 2 bộ thành bậc với nhiều điểm khác biệt, tiêu biểu cho 2 thời kỳ lịch sử khác nhau. Nếu bộ thành bậc phía trước đại diện cho kiến trúc thời Lê Sơ thì bộ thành bậc phía sau lại là tiêu biểu cho kiến trúc thời Lê Trung Hưng, một thành tố không thể tách rời, gắn liền với điện Kính Thiên.

Rồng trong hệ thống bộ thành bậc thời Lê Trung Hưng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, cách điệu hoa văn tinh xảo với dáng dấp cứng cáp không lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại khác. 

Thân rồng dài 3,4m; uốn 7 khúc, thân có vẩy, lưng như hàng vây cá, chân rồng 5 móng như thềm rồng phía trước… Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây... cá hóa rồng rất trau chuốt, tinh xảo.

Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Dấu ấn riêng trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật thời Lê Trung Hưng không chỉ thể hiện  qua việc đường diềm mặt ngoài lan can được chạm một nửa hình hoa liên tiền nối tiếp nhau, mà còn được thể hiện rõ ràng qua đồ án “cá hóa rồng”. Khác với “cá chép vượt vũ môn” như thường thấy, chạm trổ của bộ thành bậc phía sau Điện Kính Thiên là cá hóa rồng trong đầm sen.

Đây là sự biến tấu của một đề tài quen thuộc mang tính kinh điển, tạo cho đồ án trang trí một sắc thái mới đậm tính văn hóa Việt Nam, tiếp nhận và cải biến. Trong đầm còn có uyên ương bơi lội trên sóng nước.

Hình tượng rồng biểu trưng cho vương quyền và thần quyền. Với những quy chuẩn chặt chẽ về cấu trúc tượng rồng của bộ thành bậc thời Lê Trung Hưng đã thể hiện tính chuẩn mực nghiêm cẩn của Nho giáo. 

Suốt hơn 400 năm, bộ di vật này đã chứng kiến những sự kiện quan trọng của đất nước, nay lại tiếp tục dõi theo những sự kiện tái hiện lịch sử cung đình xưa hay những đoàn khách thập phương nườm nượp tới thăm di sản Hoàng Thành Thăng Long./.

Trần Hạnh - Thúy Hà - Hải Anh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark