04/02/2011 | 21:06:00

Văn hóa dân tộc Mường trong những ngày xuân

(Nguồn: Internet)

Mỗi độ Tết đến, xuân về, văn hóa truyền thống của dân tộc Mường lại hòa cùng với các lễ hội cộng đồng, lan tỏa trong những ngày xuân.

Người Mường ở Phú Thọ hiện có 165.748 người, sống tập trung ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập thuộc các mường cổ: Mường Tàn, Mường Kịt, Mường Đồng, Mường Cúc.

Đời người Mường từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay luôn gắn bó với cồng chiêng. Người Mường sử dụng cồng chiêng không chỉ trong nghệ thuật mà cả trong đời sống văn hóa tâm linh.

Cồng chiêng là một phần hồn Mường. Âm thanh của cồng, chiêng như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông suối, hòa quyện với nhịp thở của mỗi người dân sống trong bản Mường. Tiếng ngân của cồng chiêng đã hòa nhịp với tiếng nói bản địa của cộng đồng Mường. Cồng chiêng là biểu hiện cao siêu nhất, tinh túy nhất của nghệ thuật dân gian và là nhạc cụ đặc sắc của người Mường Phú Thọ.

Hát rang, hát ví là những hình thức hát dân ca đặc sắc của người Mường. Hát rang là lối hát dân dã, lối kể những chuyện ca ngợi cuộc sống lao động, phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người lao động. Hát ví là lối hát giao duyên, đối đáp nam nữ, bộc lộ tình cảm của tuổi trẻ, tình yêu, mong ước hạnh phúc của lứa đôi. Hát ví đúm là hình thức hát đối đáp trong khi đi đường, đi chợ, đi hội; ví đi học, ví bến nước, ví bến đò.

Người Mường không chỉ hát, họ còn chơi trống đất. Loại trống này được chế tạo từ đất, là một trong các loại nhạc cụ ra đời sớm nhất, là thủy tổ của những loại trống đang dùng. Âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín, độ căng của mặt trống, cũng như đường kính, độ dài của sợi dây và chiều rộng, chiều sâu của hố; độ mịn, quánh, dẻo của đất... Theo nhạc sỹ Phạm Đăng Ninh, trống đất còn gọi là đàn hát.

Trong những ngày xuân, người Mường chơi ném còn (còn gọi là chơi còn). Ném còn là hình thức chơi hội xuân, có sức hấp dẫn đối với các bạn trẻ. Chơi còn thường có một trai một gái tham gia để ném trao tay nhau.

Quả còn có loại hình cầu, có loại hình vuông. Quả còn hình cầu to bằng quả cam, độn thóc, gạo hoặc cát; vải bọc nhiều màu, có một dải dài gọi là đuôi còn để định hướng bay. Quả còn hình vuông đặt giữa lòng bàn tay có đính nhiều dải vải các màu như hình tua rua bay phấp phới và cũng có dải đuôi dài.

Ném còn qua vòng tre là dịp để đôi nam nữ đua tài; ném còn trao tay nhau mang ý nghĩa “tâm tình” của các bạn trẻ trong ngày hội Xuân ở vùng Mường.

Trong dịp Tết Nguyên đán, người Mường còn có hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đặc sắc là múa mỡi. Thông thường múa mỡi có hai phần: mỡi đồng và mỡi hò. Mỡi đồng là phần mở đầu, mang nặng yếu tố tâm linh, tín ngưỡng và phong tục.

Mỡi đồng được tổ chức vào ban đêm, do các “thầy mo” chủ trì. Mỡi hò (còn gọi là múa mừng) được diễn ra sau mỡi đồng. Khi múa mỡi, nam cầm quạt, nữ cầm khăn làm đạo cụ; nhịp điệu các bài múa được bắt theo nhịp đâm ống và tiếng đàn sáo, nhị.

Trong mỡi hò có hát đối đáp, chỉ hát những bài có nội dung trong sáng, chúc tụng nhau, ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương giàu đẹp... Thời gian một buổi múa mỡi dài ngắn do các ông thầy mo định đoạt.

Trong dịp năm mới, người Mường còn có tục “vui xuân mới” hay “mừng cơm mới,” còn gọi là đâm đuống hay chàm đuống. Theo tiếng Mường, đuống là "máng gỗ để giã lúa" và chàm là "đâm." Thực chất đâm đuống là giã gạo, nhưng là giã gạo trong lễ hội và được nâng lên thành nghệ thuật.

Người đâm đuống thường là phụ nữ. Họ giã gạo bằng chiếc cối hình thuyền độc mộc, được khoét từ thân một cây gỗ. Chày giã bằng gỗ, thon ở giữa để cầm.

Đâm đuống thực sự là buổi hòa nhạc cho cả làng nghe; nó được nghệ thuật hóa, sử dụng trong lễ hội và trở thành văn hóa dân gian đặc trưng của dân tộc Mường.../.

(Nguồn: Internet)

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark