09/02/2010 | 09:50:00

Việt Nam - Đất nước, con người

Đất nước Việt Nam có hình chữ S, nằm ở trung tâm Đông Nam Á. Với diện tích 331.698km2, trong đó có 3/4 là đồi núi và bờ biển dài 3.260km, cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú.

Việt Nam có nhiều bãi biển, cùng nhiều khu rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý và hiếm, nhiều vùng cao có khí hậu ôn hòa và phong cảnh độc đáo.

Các cuộc khảo cổ gần đây đã chứng minh sự tồn tại của con người trên lãnh thổ Việt Nam từ thời Đồ đá cũ (300.000-500.000 năm). Con người từ các vùng đồi núi xuống vùng đồng bằng, từ đời này sang đời khác đã khai hóa đất đai để trồng trọt và tạo nên nền văn minh lúa nước với văn hóa làng xã.

Vào thời đại Đồ đồng đã ra đời nền văn minh độc đáo và phát triển ở trình độ cao - văn minh Đông Sơn. Trải qua hàng nghìn năm, nền văn hóa Đông Sơn được bổ sung bởi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và văn hóa Phương Tây. Phật giáo, Nho giáo, Khổng giáo và nhiều tôn giáo khác đã thâm nhập vào Đại Việt mang theo nhiều yếu tố văn hóa quần chúng và nhiều hình thức đặc biệt.

Trong mục này


Tuy vậy, Việt Nam vẫn giữ được một bản sắc văn hóa riêng. Người Việt Nam vẫn thiên về tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên (tục thờ Mẫu, động vật linh thiêng) và tín ngưỡng sùng bái con người (thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, thần).

54 dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, trong đó dân tộc Việt (Kinh) chiếm 87% dân số cả nước.

Ở đồng bằng và trung du, các dân tộc làm ruộng, cấy lúa nước, dựng nên nền văn hóa xóm làng với trung tâm là đình làng, giếng nước cây đa, bao bọc bởi lũy tre xanh gai góc đầy sức sống dẻo dai.

Ở vùng thấp của miền núi, các dân tộc trồng lúa nước kết hợp sản xuất trên cạn để trồng và cây công nghiệp lâu năm. Họ sống trên những nếp nhà sàn, mặc quần, váy, áo màu chàm với nhiều mô típ hoa văn mô phỏng hoa rừng, thú rừng.

Ở vùng cao Việt Bắc, Tây Nguyên, đồng bào chọn phương thức phát rừng làm rẫy. Núi rừng hoang sơ cùng với phương thức canh tác lạc hậu là mảnh đất phát sinh và phát triển các lễ nghi đầy tính thần bí, huyền ảo. Đây cũng là vùng tiềm ẩn nhiều thần thoại và sử thi anh hùng.

Dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam, các dân tộc sống bằng nghề chài lưới. Cuộc sống ở đây cũng nhộn nhịp, khẩn trương như nông dân trên đồng ruộng ngày mùa.

Tuy mỗi dân tộc đều có tiếng nói và thậm chí cả chữ viết riêng, nhưng đất nước Việt Nam sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Việt, với đặc điểm đơn âm nhưng giàu âm sắc hình ảnh, thiên về biểu trưng, biểu cảm.

Ở Việt Nam, hầu như cả dân tộc đều yêu thích thơ văn. Các loại hình nghệ thuật như dân ca, quan họ, ca trù, tuồng, chèo, múa rối... cũng rất được ưa chuộng. Việt Nam có khoảng 50 nhạc cụ dân tộc, trong đó bộ gõ là phổ biến, đa dạng và có nguồn gốc lâu đời nhất (trống đồng, cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng...)./.

(Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark