17/09/2012 | 10:21:05

Xây dựng thành phố Hà Nội của tương lai

Cùng với không khí phấn khởi chào đón kỷ niệm ngày Chiến thắng, người Hà Nội còn có niềm vui được nhìn thấy, tham gia ý kiến về diện mạo của Thủ đô hiện đại, văn minh trong tương lai. Theo Ban tổ chức, đã có hơn 1.000 phiếu lấy ý kiến góp ý được thu về.

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội cho biết, cơ quan chủ trì đồ án đã yêu cầu tư vấn PPJ phải có báo cáo tiếp thu ý kiến một cách công khai.

Đến với triển lãm đồ án quy hoạch chung không chỉ có người dân mà còn có cả những người trong nghề, các kiến trúc sư, nhà quy hoạch. Mặc dù có điều kiện để tìm hiểu về đồ án này nhiều hơn người dân bình thường nhưng những nhà chuyên môn vẫn đặc biệt quan tâm đến những nội dung được trưng bày tại triển lãm.

Có thể nói "hành trang" mà giới nghề mang đến triển lãm đó là những trăn trở về tương lai cho một thành phố Hà Nội rộng lớn, một đô thị rất đặc biệt bởi nhiều lẽ.

"Xem nhà mình ở đâu trong quy hoạch"

Anh Trần Thanh Long ở Thanh Xuân Nam cho biết, anh rất quan tâm đến các khu đô thị, khu vực Hà Nội mở rộng, các trục đường lớn sẽ đi qua những khu vực nào… Anh Long cho rằng, những thông tin về quy hoạch sẽ giúp người dân đánh giá xem khu vực nào sẽ sầm uất, có địa lý "hài hòa". "Người ta thường quan tâm đến khu vực có căn nhà mình đang ở, nơi mình có đất hoặc có nhà để còn tính toán xem tương lai thế nào, nên ở hay nên bán" - anh Long nói.

Trục Thăng Long là một nội dung đã được báo chí nhắc đến nhiều với không ít ý kiến trái chiều. Có lẽ cũng bởi thế nên đây cũng là nội dung được nhiều người dân quan tâm tại triển lãm. Trong bước quy hoạch chung mới chỉ trả lời câu hỏi có hoặc không trục Thăng Long và trong đồ án được triển lãm cũng đề xuất đồng thời hai phương án cho trục Thăng Long, một thẳng, một cong.

Theo đồ án, trục Thăng Long sẽ có vai trò là trục giao thông kết nối từ đường Hoàng Quốc Việt đến quốc lộ 21, kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây (Ba Đình). Đây đồng thời là trục kết nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài với một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Tại triển lãm còn thấy sự xuất hiện của những người trong nghề môi giới bất động sản. Một nhà môi giới bất động sản cho biết: "Đây là cơ hội quá tốt để có thể tiếp cận với đồ án quy hoạch quan trọng này. Mặc dù chưa thật thỏa mãn với các thông tin tiếp nhận được từ triển lãm nhưng dẫu sao cũng có những phác họa căn bản trong đầu để phục vụ cho công việc của mình". Ông Nguyễn Địch Long ở Hà Đông lại "đau đáu" với một số tuyến đường đi qua địa phận Hà Đông mà đồ án quy hoạch đã đề cập.

Trục kinh tế Bắc - Nam từ Phúc Thọ đi qua Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai… sẽ giải quyết vấn đề gì khi đã có đường 1, 21B, đường 75 (?). Trong khi đó để làm được tuyến đường này sẽ phải lấy quá nhiều đất "vựa lúa" của Thủ đô. Tuyến đường kinh tế phía Nam cũng sẽ lấy đi rất nhiều "bờ xôi, ruộng mật". Ông Long cho rằng, cần cân đối giữa cái mất và cái được, cho dù việc quy hoạch xây dựng các tuyến đường này sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển một số khu đô thị hay các cụm dân cư.

Người trong nghề… trăn trở

KTS Nguyễn Quốc Thái bộc bạch: Tôi là người sinh ra, lớn lên và già đi ở Hà Nội, được chứng kiến sự phát triển của Hà Nội, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, rất mạnh nhưng mang đầy tính tự phát. Với quy hoạch này, đầu bài không phải là một "mảnh đất" mà gắn liền với đời sống xã hội, tổ chức sinh sống của cả một vùng rộng lớn. Muốn quy hoạch tốt phải nắm được những giữ kiện trong tương lai, trong khi đó có nhiều vấn đề chưa có lời giải đáp rõ ràng. Vấn đề KTS Thái đặc biệt quan tâm đó là "Hà Nội tại sao đông và chật thế này?".

Nguyên nhân là việc nhập cư với tốc độ "khủng khiếp" do sự chênh lệch về mức sống, thu nhập giữa các vùng, các tỉnh, thành quá lớn. KTS Thái cho rằng, không đưa ra được giải pháp khống chế hiệu quả dân cư thì không thể làm được quy hoạch (!). KTS Lê Vũ Phàm, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đánh giá, quy hoạch thì ít sai và ít có khả năng vô lý, méo mó, chỉ có quản lý xây dựng sau quy hoạch mới khiến cho đô thị méo mó bởi tư duy nhiệm kỳ, bởi những người làm công tác quản lý không, ít hoặc chưa được đào tạo để quản lý đô thị và còn bởi tư duy sinh lợi, không tuân thủ quy hoạch.

Giải đáp cho vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với đồ án quy hoạch chung là "tính khả thi" - ông Đỗ Viết Chiến nói, muốn đồ án quy hoạch khả thi, không phải là bản vẽ màu mè để rồi bỏ đó thì lập quy hoạch mới chỉ là bước một. Các bước quan trọng tiếp theo là tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, cần phải "tách mảng". Nghĩa là làm rõ 3 khu vực: Khu vực Nhà nước đầu tư vào hệ thống hạ tầng, công trình phúc lợi, công cộng… nói chung là những công trình không có khả năng sinh lời. Khu vực dành cho nhà đầu tư nhất thiết phải thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu chủ đầu tư.

Ông Chiến nhấn mạnh, phải bỏ khâu giới thiệu địa điểm vì chỉ có "đấu" thì mới giải quyết được vấn nạn xin - cho. Nếu còn để tiếp diễn tình trạng dự án "vẽ" quy hoạch thì quy hoạch sẽ bị phá vỡ. Đối với khu vực nhà nước và nhân dân cùng làm (đặc biệt là các làng xóm nông thôn, đô thị hóa), nhà nước hỗ trợ làm quy hoạch chi tiết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật với sự đóng góp của người dân. Với cách làm này, người dân sẽ có trách nhiệm hơn, bớt đi tâm lý trông đợi vào nhà nước.

Không kém phần quan trọng đó là phải có quy chế quản lý, đó chính là quy hoạch bằng lời để người dân biết mình được và không được phép làm gì. Mặc dù còn khác nhau, thậm chí trái chiều, nhưng mọi suy nghĩ, ý tưởng đều hướng tới một mục đích: Xây dựng một Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai đúng như lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu./.  

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark