13/11/2012 | 09:03:00

Bảo tàng dân tộc học

Viện bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một viện bảo tàng về lĩnh vực dân tộc học của Việt Nam. Bảo tàng là một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Địa chỉ: đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
 
Nhiệm vụ chính của bảo tàng là nghiên cứu khoa học về các dân tộc Việt Nam, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu và khai thác những giá trị lịch sử - văn hóa của các dân tộc, đồng thời cung cấp tư liệu dân tộc học và đào tạo cán bộ.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là cơ sở khoa học và trung tâm văn hoá có tính khoa học cao và tính xã hội rộng rãi. Chức năng chính của Bảo tàng: nghiên cứu khoa học về 54 dân tộc Việt Nam; sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu và khai thác những giá trị lịch sử-văn hoá của các dân tộc; cung cấp tư liệu dân tộc học và đào tạo cán bộ cho các loại hình bảo tàng dân tộc học.
 
Loại hình bảo tàng Dân tộc học rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện trên quy mô quốc gia cũng như ở từng địa phương, bởi vì nước ta có tới 54 dân tộc. Ngay từ năm 1981, Nhà nước đã chủ trương hình thành một bảo tàng Dân tộc học đặt tại Thủ đô Hà Nội.
 
Hiện vật là nền tảng của Bảo tàng, không chỉ là những cổ vật đắt tiền, quý hiếm mà chủ yếu là nhiều thứ bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo… Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của cộng đồng cư dân, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và sáng tạo văn hoá của họ.
 
Có 54 bộ sưu tập về từng dân tộc như: về người Thái, về người Hmông, về người Gia Rai…Từ đó có thể hình thành nhiều sưu tập theo các tiêu chí sắp xếp khác nhau như: theo công dụng có các sưu tập về y phục, các đồ trang sức, về nông cụ, về nhạc cụ…; theo chức năng có các sưu tập hiện vật về tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần và xã hội v.v…
 
Trên cơ sở đó Bảo tàng tổ chức trưng bày, xuất bản sách ảnh theo các dạng thức sưu tập khác nhau, bổ ích và lý thú đối với mọi đối tượng, mọi trình độ học vấn.
 
Với diện tích 3 ha, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được khai trương vào cuối năm 1997. Ngay từ khi ra đời, nơi đây đã thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu văn hoá, dân tộc học trong nước và quốc tế. Bảo tàng Dân tộc học lưu giữ 10.000 hiện vật, 15.000 ảnh đen trắng, hàng trăm băng video, băng cát-sét phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của 54 dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam.
 
Bảo tàng có trang thiết bị hoàn chỉnh và hiện đại, trưng bày theo cách tiếp cận bảo tàng tiên tiến hiện nay. Kèm hiện vật trưng bày là các etikét, bài viết, bài thuyết minh ngắn gọn bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh và Pháp. Bảo tàng có chương trình giáo dục bảo tàng quy mô, thực hiện chức năng giáo dục văn hoá. Kèm theo là Phòng Khám phá âm thanh và hình ảnh, Phòng Nghe – nhìn.
 
Người thiết kế công trình viện bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là kiến trúc sư Hà Đức Lịnh. Còn nội thất do nữ kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp) thiết kế.
 
Bảo tàng còn là nơi thu hút rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Trong 5 năm từ 2001 đến 2005, lượng khách tham quan ngày một tăng, bảo tàng đã đón tiếp hơn 561.500 lượt khách thăm quan, trong đó lượng khách quốc tế là 45,7%. Trong năm 2005, bảo tàng Dân tộc học được các phóng viên văn hóa của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí TW và Hà Nội bình chọn vào danh sách 10 Sự kiện văn hoá tiêu biểu trong năm 2005.
 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, một dự án khu trưng bày về các dân tộc Đông Nam Á và khu vực sẽ sớm được khai trương và giới thiệu rộng rãi tới công chúng cả nước trong năm 2008. Bảo tàng hướng tới công chúng đông đảo gồm khách tham quan trong nước và ngoài nước, thế hệ đi trước và thế hệ tương lai./.

(ICTnews/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark