25/07/2013 | 13:54:00

Bus Hà Nội và hành trình 5 năm mở rộng địa giới

Hình ảnh chiếc xe bus mang hai màu vàng-đỏ đặc trưng đã trở nên quen thuộc đối với người dân Hà Nội và du khách.

Hình ảnh những chiếc xe bus hai màu vàng-đỏ đặc trưng từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô Hà Nội và du khách.

Đặc biệt, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới Thủ đô vào năm 2008, để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị đầu ngành quản lý nhiều tuyến xe bus của Hà Nội, đã nỗ lực rất nhiều để góp phần giảm ách tắc giao thông và vì một thành phố xanh, sạch, đẹp.

Giao thông đô thị luôn là vấn đề bức xúc đối với nhiều thành phố lớn trên thế giới, Thủ đô Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập thêm tỉnh Hà Tây, một số địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc và Hoà Bình). Để giải quyết bài toán ách tắc giao thông nội đô, việc phát triển hệ thống xe bus là mối quan tâm hàng đầu và được đặt vào chiến lược phát triển chung của Thành phố.

Tính đến thời điểm hiện nay, vận tải hành khách công cộng bằng xe bus được coi là giải pháp tốt cho vấn đề giao thông Thành phố. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (Khóa XII) về thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (01/08/2008 - 01/08/2013), hệ thống xe bus Hà Nội đã có nhiều tín hiệu vui, được người dân quan tâm và tin dùng. Những chuyến xe bus nối liền từ nội đô ra ngoại đô thực sự là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân.

Có mặt tại trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy, tôi mới thấy được hết vai trò của xe bus trong đời sống sinh hoạt đi lại hàng ngày của người dân Thủ đô. Từ sáng sớm đến gần đêm khuya, những chiếc xe bus nối đuôi nhau rời bến rồi về bến, những dòng người liên tục lên xuống xe cho thấy sự hối hả trong nhịp sống của một đô thị thời hiện đại.

Mục tiêu của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, vận tải hành khách bằng xe bus sẽ đáp ứng 50 - 55% nhu cầu đi lại của nhân dân. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị đầu ngành quản lý nhiều tuyến xe bus của Hà Nội. Trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của đơn vị này cho thấy, xe bus của Transerco đã vận chuyển trên 202,5 triệu lượt khách, chiếm trên 90% sản lượng bus toàn thành phố.

Transerco vừa đưa vào hoạt động 35 xe mới, 100% phương tiện đã được trang bị hệ thống âm thanh thông báo điểm dừng cho hành khách, tổ chức nhiều lớp tập huấn luật giao thông cho gần 2000 công nhân lái xe, nhân viên bán vé, phối hợp chặt chẽ với công an thành phố triển khai các đợt cao điểm về trấn áp tội phạm, tệ nạn trên xe buýt, tập trung kiểm tra xử lý các lỗi vi phạm luật giao thông và thái độ phục vụ của nhân viên. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 của Tổng Công ty đạt trên 2.042 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch và tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2012.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, để tăng cường việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các vùng ngoại ô, Transerco đã cho xây dựng thêm nhiều trạm trung chuyển tại huyện Đông Anh, thị xã Sơn Tây, bến xe Yên Nghĩa, nâng tổng số tuyến xe bus từ 65 tuyến lên 77 tuyến, phục vụ 770 triệu lượt khách/năm, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân Thủ đô.

Hiện tại, mạng lưới xe bus Hà Nội đang được vận hành bởi 10 đơn vị theo sự quản lý và điều hành chung của Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị. Hà Nội có khoảng 1.000 điểm dừng, đỗ ở nội ngoại thành, phục vụ hơn 10.000 lượt xe/ngày với hơn 1 triệu hành khách vận chuyển, hạn chế được trên 700 ngàn lượt xe máy tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, để khắc phục tình trạng quá tải khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Transerco đã và đang triển khai đầu tư cơ sở vật chất để xe bus tiếp cận được tất cả các trung tâm hành chính quận huyện của thành phố, thị trấn và khu đông dân cư. Từ nay đến năm 2015, Transerco sẽ thay thế hơn 400 xe bus cũ, trung bình mỗi năm đầu tư thay thế từ 100-150 xe. Tổng công ty cũng đang nghiên cứu thí điểm loại xe bus mini 16 chỗ để phát triển các tuyến gom khách từ các ngõ, phố sâu ra các tuyến bus trên phố chính. Đồng thời nghiên cứu tăng cường loại xe bus chuyên chở học sinh, mở thêm vé tháng chuyên trách phục vụ cán bộ công nhân viên các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất…

Mô hình xây dựng hệ thống vé xe buýt tự động cũng đang được Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố xin chủ trương. Hệ thống này sẽ tích hợp với việc quản lý giám sát hành trình xe buýt (GPS) theo hình thức xã hội hóa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến lên tới gần 271 tỷ đồng. Đây cũng là một hành trình để nâng cao chất lượng của vận tải xe bus.

Vận tải xe bus rất được lãnh đạo các cấp ban ngành quan tâm. Đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã vi hành để kiểm tra chất lượng của các tuyến xe bus. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vận tải bus trong đời sống người dân.

Qua 5 năm mở rộng địa giới, hệ thống xe bus Hà Nội góp phần đáng kể trong việc giảm ách tắc giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân mọi nơi, mọi lúc. Những chiếc xe bus đều đặn hàng ngày chở khách trên mọi nẻo đường là một nét đẹp của văn minh đô thị.

Với ưu thế tuyệt đối là an toàn, giá rẻ, đảm bảo sức khoẻ cho người dân, bus Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu vì một thành phố xanh, sạch đẹp. Xe bus là một phần không thể thiếu trong cuộc sống đời thường ở đô thị và đi xe bus cũng là một trải nghiệm thú vị với mỗi người. Vì vậy, nhiều kênh thông tin, diễn đàn liên quan đến xe bus đã ra đời như: Diễn đàn xe bus Hà Nội, Hội những người yêu xe bus, đường dây nóng bus... với nhiều câu chuyện, phán ánh và chia sẻ thú vị về việc sử dụng xe bus của người dân thành phố./.

Thanh Bình - Trung Hiền

Bản để in Lưu vào bookmark