23/03/2010 | 09:08:00

Cây sưa tại Công viên Thống Nhất vẫn bị "bức tử"

Theo dự kiến, cuối tháng Ba, đầu tháng Tư tới, 35 bị can trong vụ án trộm gỗ sưa gây xôn xao dư luận ở Hà Nội sẽ được đưa ra xét xử, đó là một cố gắng lớn của ngành chức năng Hà Nội, chặn đứng được nạn “sưa tặc,” kịp thời cứu loại cây quý hiếm này trên địa bàn Thủ đô.

Thế nhưng hiện nay, hàng loạt cây sưa trong Công viên Thống Nhất lại đang bị… "bức tử."

Nghe thông tin những cây sưa còn lại ở Hà Nội đang "có vấn đề," phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đến Công viên Thống Nhất để mục sở thị. Một số người đi tập thể dục chỉ cho chúng tôi hàng cây sưa trồng trong công viên phía đường Lê Duẩn. Quả là khu vực này có rất nhiều cây sưa, cây nhỏ khoảng bằng bắp chân, cây lớn có đường kính tới 30-45cm.

Trời đang tiết xuân, những cây sưa đang đâm chồi nảy lộc. Tuy nhiên, có cây xen lẫn những chồi non lưa thưa là những cành cây khẳng khiu đã chết khô. Một người dân thấy chúng tôi đang ngắm nghía mấy cây sưa nói: “Trời đang xuân cây nẩy lộc thế thôi, nhưng nó đang chết dần chết mòn đấy.” Nói rồi, họ chỉ tay vào các gốc cây sưa.

Chúng tôi dễ dàng nhận ra ngay tất cả các cây sưa (chỉ trừ những cây còn nhỏ) đều được đóng những đoạn sắt ngắn vào gốc cây. Theo những người dân thường xuyên đi tập thể dục trong công viên này, từ khi có nạn “sưa tặc,” những cây sưa trong Công viên Thống Nhất đều được đánh số để tiện quản lý, bảo vệ. Sau đó, người ta còn dùng các đoạn sắt phi sáu đánh gập hai đầu như chiếc đinh thuyền đóng vào đoạn gốc cây, có lẽ là để chống cưa trộm.

Chúng tôi quan sát thấy những đoạn sắt này dài khoảng 20cm, được đóng nối tiếp nhau từ gốc lên đến cách mặt đất khoảng 0,8 đến 1m mỗi cây thường được đóng bốn dãy đinh sắt như vậy bao quanh thân.

Tác dụng bảo vệ của những chiếc “đinh” sắt ấy đâu chưa thấy nhưng đến nay đã thấy tác hại của nó. Ở những chỗ “được” đóng đinh, lớp vỏ cây vừa “bị thương,” vừa không được nuôi dưỡng cứ chết dần chết mòn; nhẹ thì lớp vỏ bắt đầu cong lên, tách khỏi thân.

Những cây bị nặng, lớp vỏ bị tróc khỏi thân cây, để lộ từng mảng gỗ bên trong cũng đã bắt đầu… chết. Nặng nhất là cây được đánh số 13, phần thân cây bị đóng đinh quay ra phía đường đi bị tróc vỏ một đoạn dài tới 40-50cm, chỗ rộng nhất tới 20cm; trên tán cây nhiều cành đã bị chết khô. Còn các cây khác ở những đoạn bị đóng đinh lớp vỏ cây cũng đã bị chết từng mảng, lộ ra phần thân gỗ.

Việc có những biện pháp để bảo vệ cây sưa trước nạn “sưa tặc” là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với cách bảo vệ bằng việc đóng đinh vào gốc cây như trên, nếu đúng là của đơn vị có trách nhiệm bảo vệ cây, là hết sức phản khoa học vì nó làm cho cây chết, lại không hề có tác dụng ngăn chặn bọn đạo chích.

Bằng chứng là sau khi đã đóng đinh, những cây sưa tại Công viên Thống Nhất vẫn bị chặt trộm; thậm chí cây sưa bị chặt trộm phía nhà hàng Gió Mới ở đoạn gốc cây còn nguyên cả chiếc đinh đã bị bẻ cong./.

Bản để in Lưu vào bookmark