10/08/2012 | 17:20:00

Cổ Đô, nỗ lực cho một nông thôn mới

Về xã Cô Đô, huyện Ba Vì những ngày này, chúng tôi không khỏi mừng vui khi những con đường bê tông nối dài vào tận thôn xóm, những ngôi nhà cao tầng mọc lên kiên cố, những người dân miệt mài lao động… Cổ Đô hôm nay khang trang, sạch đẹp và đang đổi thay từng ngày nhờ công tác xây dựng nông thôn mới.

Cổ Đô có trên 1500 hộ, gần 8.000 nhân khẩu, là xã được huyện Ba Vì, Hà Nội chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Vốn là xã thuần nông, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, Cổ Đô xác định phải phát huy tốt yếu tố đất đai để phát triển nông nghiệp giá trị cao gắn với các vùng chuyên canh sản xuất lúa, vùng rau sạch, vùng nuôi trồng thủy sản…

Với lực lượng lao động dồi dào, người dân trồng lúa, xen canh gối vụ các loại hoa màu như ngô, lạc, khoai...nên đã tận dụng được tối đa diện tích đất nông nghiệp. Đến Cổ Đô hôm nay, hình ảnh quen thuộc mà chúng tôi bắt gặp là màu xanh bát ngát của cây, của lúa, của ngô phủ kín cánh đồng và dọc những con đê. Nông thôn tại đây xanh màu xanh trù phú.

Cổ Đô hiện đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật , thực hiện tốt chương trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức áp dụng gieo sạ trên 80% diện tích bằng các loại giống lúa chủ lực, cho năng xuất, chất lượng cao. Năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 63 tạ/ha/năm, cao hơn bình quân của huyện từ 5 đến 6 tạ/năm. 4/4 hợp tác xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao từ 80-100 triệu VND/ năm, đặc biệt, có những hộ đầu tư cao cho thu nhập đến 200 triệu VND/ha/năm.

Những thành công này là cơ sở tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như nâng cao thu nhập cho người dân xã Cổ Đô.

Về giao thông nông thôn, người dân trong xã đã đóng góp bê tông hóa 32,5 km đường ngõ xóm, hơn 6 km đường trục thôn xã. Nhà ở dân cư nông thôn được xây dựng với lối nhà truyền thống từ 3 đến 5 gian, nhiều nhà cao tầng kiên cố.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Trung tâm học tập cộng đồng của xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề số 1 Hà Nội tổ chức khai giảng, cấp chứng chỉ thủy thủ nội địa cho 35 học viên ở xóm Tân Tiến; tổ chức tập huấn xây dựng nông thôn mới cho 150 người. Xã đã làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3% theo tiêu chí nông thôn mới.

Hệ thống trường học 3 cấp đều đã được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện tốt cho công tác dạy và học. Trạm y tế với 8 phòng phục vụ cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân trong xã. 4/4 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện và tỉnh; 90% số hộ trong xã đạt chỉ tiêu gia đình văn hóa; 4/4 thôn có nhà văn hóa, có khu vui chơi văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao cho mọi lứa tuổi, tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 80%, xã đã thành lập các tổ thu gom rác trên địa bàn, tập kết về đúng nơi qui định…

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, từ chỗ chỉ có 2 tiêu chí đạt chuẩn là an ninh trật tự và hệ thống chính trị xã hội, xã Cổ Đô hiện đã đạt 11 tiêu chí như: Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, đảm bảo cho công tác tưới tiêu và phòng chống lụt bão; Đường bê tông trải nhựa đến từng thôn xóm; quy hoạch lại nghĩa trang liệt sĩ; Các trường tiểu học, THCS được xây dựng hiện đại; hệ thống chợ được đảm bảo về cơ sở vật chất, xử lý tốt hệ thống rác thải… Phấn đấu trở thành mô hình nông thôn mới tiêu biểu của thành phố, Cổ Đô đang triển khai hoàn thiện nhà làm việc một cửa và hội trường UBND xã để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính một cách dân chủ, minh bạch.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết: “Cổ Đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu, có trách nhiệm và nghĩa vụ hơn nữa với công tác xây dựng nông thôn mới. Sự hỗ trợ của Nhà Nước là quan trọng nhưng nguồn lực tại chỗ cũng đóng vai trò không nhỏ. Xã đang vận động, tạo điều kiện để con em ở xa quê được tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới…”.

Cổ Đô đang đổi mới từng ngày. Về với Cổ Đô hôm nay, dường như ai cũng cảm nhận được sự đổi thay của nơi này, một vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống./.

(Báo ảnh Việt Nam)

Bản để in Lưu vào bookmark