18/08/2010 | 08:23:00

Đến di tích Hoả Lò: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”

Chụp tại di tích Hỏa Lò ngày 12/8/2010. (Ảnh: Nguyễn Anh/ Vietnam+).

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Thực dân Pháp cho xây dựng nhà tù này năm 1896 nhằm giam giữ những người đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp. Ngày nay, đây là một di tích cách mạng quý giá để khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Địa ngục trần gian
một thời

Theo bà Nguyễn Thị Hiên, Phó trưởng Ban quản lý di tích Nhà tủ Hỏa Lò: “Nhà tù Hỏa Lò thực sự là địa ngục trần gian. Thiết kế bao quanh nhà tù thực dân này là bức tường bằng đá, cốt thép cao 4m, dày 0,5m, được gia cố bởi hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua, bốn góc là những tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam. Riêng hệ thống cửa sắt, khóa được mang từ Pháp sang.

Ngay từ khi chưa hoàn thành, tháng 1/1899 nhà tù Hỏa Lò đã đảm nhận việc giam người. Theo thiết kế ban đầu, Hoả Lò chỉ đủ giam 500 tù nhân, nhưng nó đã nhiều lần được mở rộng để có thêm chỗ giam giữ tù nhân.”

Cũng theo bà Hiên: “Những năm 1950-1953, Hỏa Lò giam cầm tới 2.000 người tù. Hiện nay, khu di tích Hỏa Lò còn lưu giữ chiếc máy chém đã được thực dân Pháp dùng lưu động, tháng 1/1930 được vận chuyển lên Yên Bái để hành hình 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái (đứng đầu là nhà yêu nước Nguyễn Thái Học).”

“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”

Theo các tài liệu còn lưu giữ ở Hỏa Lò, ngay trong nhà tù này, các lớp huấn luyện chính trị tập trung được mở, các tờ báo Lao tù đỏ, Lao tù tạp chí... ra đời khiến kẻ thù phải nể phục. Năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm bí thư đã phát huy vai trò người lãnh đạo, tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh, giành thắng lợi.

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, đó là các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc. đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... những người con ưu tú của dân tộc ta, sau này trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng khác.
 
Sau ngày thủ đô hoàn toàn giải phóng (10/10/1954), nhà tù Hỏa Lò đặt dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng. Từ năm 1964 - 1973, nhà tù Hỏa Lò còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, trong đó có P.Peterson - sau này là Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.

Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đêm 19/12/1946, tiếng súng kháng chiến toàn quốc đã khởi đầu tại Hà Nội và ngay trong tháng 12/1946, địch đã huy động lực lượng áp đảo để tái chiếm nhà tù Hỏa Lò. Lúc đầu chúng dùng nơi đây giam giữ một số chiến sĩ ta trong mặt trận ở nội thành và một số nhân sĩ, trí thức yêu nước như các ông Hoàng Xuân Hãn, Phạm Khắc Hòe.

Đến tháng 10/1954, Thủ đô được giải phóng thì nhà tù Hỏa Lò mới được giải phóng hoàn toàn, chấm dứt vĩnh viễn chế độ giam cầm hà khắc của đế quốc. Nhìn lại, qua gần một thế kỷ tồn tại, Hỏa Lò là một trong những nhà tù lớn ở Đông Dương.

Năm 1993, trên nền đất của Hỏa Lò tháp Hà Nội - một trung tâm thương mại được xây dựng, phần còn lại trở thành di tích lịch sử cách mạng đặc biệt của thủ đô, đó là chứng tích tội ác của thực dân Pháp. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ về những tấm gương bất khuất, chiến đấu hy sinh oanh liệt của nhiều thế hệ các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt tù đày.

Và 70.000 lượt người đến tham quan mỗi năm

Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Vietnam+, bà Phan Thị Thắm-Phó phòng Hành chính của di tích Hỏa Lò cho biết: "Hàng năm, tại đây chúng tôi đón khoảng 70.000 lượt khách tham quan, trong đó 70% là khách nước ngoài. Dự báo, vào những ngày tháng 8 và đầu tháng 9 lượng khách sẽ tăng mạnh. Trong dịp Đại lễ tới đây, chúng tôi đã có kế hoạch đón tiếp khách tham quan đến Thủ đô sẽ tới di tích Hỏa Lò."

"Khu di tích Hỏa Lò hiện còn khá nguyên vẹn với nhiều tư liệu quý, được trưng bày khoa học, là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Hà Nội," bà Phan Thị Thắm khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Hiên, Phó trưởng Ban quản lý di tích Nhà tủ Hỏa Lò cho biết: "Là đơn vị nhận chăm sóc di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, trường trung học cơ sở Nguyễn Du đã phối hợp cùng với Ban quản lý di tích Nhà tù thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử dân tộc. Các em học sinh còn đến tham gia làm vệ sinh như quét dọn di tích. Việc làm này mang ý nghĩa giáo dục là chủ yếu."

Thay mặt những cựu tù chính trị Hoả Lò, ông Tạ Quốc Bảo, Trưởng ban liên lạc nhà tù Hoả Lò cho biết: “Ban liên lạc đã hoàn thành cuốn hồi ký của các chiến sỹ đã từng bị địch giam giữ tại Hoả Lò để giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước.”

Ông Tạ Quốc Bảo đã kể lại: Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1896, đến 1945 khi cách mạng thành công thì được giải phóng, trước đó trong tháng 3/1945 đã có hàng trăm chiến sĩ vượt ngục, tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 vĩ đại ở nhiều nơi trên toàn quốc.

Cũng theo ông Bảo: Hiện nay, tổ chức nhà tù Hỏa Lò còn khoảng 300 người, cao tuổi nhất  gần 100 tuổi, ít tuổi nhất cũng đã ngoài 70 và di tích nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội đã trở thành ngôi nhà chung đầy tình nghĩa, nơi giao lưu tình cảm của những người bạn tù năm xưa./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark