24/09/2019 | 17:21:00

“Ghế Cương” - Cũng là ghế nhưng hình như không phải để ngồi

Họa sỹ Lê Thiết Cương trong “Chuyện ghế” tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Thắng)

Họa sỹ Lê Thiết Cương lại làm mới mình khi kể cho những người yêu nghệ thuật một câu chuyện bằng ngôn ngữ điêu khắc của ông: Triển lãm “Chuyện ghế”.

Sự hoàn hảo của tỷ lệ đẹp

Họa sỹ Lê Thiết Cương cẩn trọng, thong thả, chọn trong số 50 ghế design từ 2001 ra 30 chiếc. Lọc trong 18 năm, những chiếc ưng ý nhất được đưa trưng bầy cuộc này.

“Chuyện ghế” nhen nhóm từ năm 1995, trong một lần đi chơi và sưu tầm đồ cổ, Lê Thiết Cương bắt gặp một chiếc ghế. Từ đấy, ghế “ngồi” mãi trong khoảng lặng của ông.

Lê Thiết Cương tự nhận mình hợp với chậm, sống chậm. “Nhà quê ngấm trong máu của tôi. Tôi học người nhà quê được nhiều. “Chuyện ghế” của tôi cũng thế”. Họa sỹ lý giải: Ông học từ người nông dân sự thịnh tình. “Trước khi có khách đến chơi, chủ nhà sẽ dấm chuối vào chum thật kỹ rồi mới bỏ ra. Như vậy gọi là tôn trọng người đến xem”.

Một dịp, ca sỹ Giang Trang ngỏ ý mượn một chiếc ghế để biểu diễn. Nhìn những đứa con tinh thần sau 18 năm lưu giữ, bất chợt những ẩn ức của người nghệ sỹ tài ba lên tiếng, muốn kể chuyện, muốn chia sẻ. Họa sỹ Lê Thiết Cương lại làm mới mình khi kể cho những người yêu nghệ thuật một câu chuyện bằng ngôn ngữ điêu khắc của ông: Triển lãm “Chuyện ghế”.

“Chuyện ghế” khai mạc tối 9/8/2019, tại Gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Tại không gian khiêm tốn nhất nhưng trang trọng nhất, Lý Thiết Cương dành để bày ngai thờ và đài sen của Phật, thuộc bộ sưu tập đồ gỗ Việt Nam mà ông đặc biệt tâm đắc. Ông giải nghĩa: “Ngai thờ là ghế duy nhất trên thế giới, không ai ngồi, không được ngồi và không bao giờ được ngồi, chỉ để thờ, còn đài sen chỉmột người duy nhất được ngồi (đứng) là Phật, cũng là ghế để đối diện truyền thống và hiện đại”.

30 ghế sắt hàn và sơn tĩnh điện. Sự hấp dẫn không chỉ ở bản thân những yếu tố riêng rẽ, những cặp đối lập được đặt cạnh nhau, kết hợp tương phản để tạo ra bất ngờ, bổ sung cho nhau trong sắp đặt hài hòa tổng thể. Những ghế được đặt như những nhân vật có linh hồn đối thoại với nhau. Mỗi ghế được tác giả gửi gắm một câu chuyện qua màu sắc riêng biệt với tạo hình khúc triết.

30 tác phẩm, tương ứng 30 năm làm nghệ thuật với tuyên ngôn xuyên suốt của phong cách Lê Thiết Cương: “Tối giản là tôi, tôi là tối giản”. Ngắn gọn, độc đoán, cô đơn và kiêu bạc như tính cách ông vẫn ảnh hưởng đến đám đông.

Ông lặng lẽ thưởng thức từng ngụm nhỏ rượu whisky, giọng nói căng thẳng ngay cả khi giao tiếp, một chút không vừa mắt có thể làm kho thuốc súng bùng nổ: “Mỗi một lần triển lãm phải đưa ra được những cái mới; sáng tạo ở chỗ là tôi nhưng dứt khoát phải là một tôi mới. Nó vẫn phải tối giản như tôi đã từng đi trong 30 năm vừa rồi nhưng phải là tối giản mới.”

“Ghe Cuong” - Cung la ghe nhung hinh nhu khong phai de ngoi hinh anh 1Triển lãm“Chuyện ghế” tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Thắng)

Hầu hết những ghế sơn các màu nguyên gốc rực rỡ, đan kết giữa mảng đặc và mảng rỗng, tạo cảm giác vừa đầy ắp vừa trống trải, những sắp xếp hình khối vừa cân bằng vừa nghiêng lệch, giữa những đường thẳng với nét cong. Từ đặc tính cứng của sắt, ông có thể kết hợp duyên dáng với chất liệu khác như kính hay gốm theo ý mình. Và cũng ở ghế ấy, Lê Thiết Cương họa những tác phẩm nghệ thuật theo cảm hứng của một designer.

Ghế đã mang một ý niệm khác. Ghế Cương đứng giữa điêu khắc và thiết kế (graphic design) như ông chia sẻ: "Là ghế nhưng đây là những chiếc ghế đặc biệt, nó cũng là những tác phẩm điêu khắc. Trong kiến trúc và đặc biệt là kiến trúc hiện đại thì ghế không chỉ để ngồi. Nó là một yếu tố trang trí, song hành cùng bố cục. Dù là ngồi, chả nhẽ ngồi thì không được đẹp, ngay cả ngồi chơi cũng cần đẹp, chơi cũng phải đẹp. Không ngồi cũng vẫn phải đẹp".

Lê Thiết Cương đặt người xem vào giữa lằn ranh của giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật. Từ đó mỗi người sẽ có những suy tư riêng. Ghế có thể vẫn là ghế với giá trị sự dụng vốn dĩ. Người xem chỉ muốn ngắm mà không nỡ ngồi xuống.

Ghế có những chi tiết kiểu chữ Thọ hoặc hoa văn chữ Triện của truyền thống Á Đông, đôi khi điểm xuyết kết hợp thú vị giữa sắt và gốm Bát Tràng thì cũng chỉ là để truyền thống ấy hiện đại hơn và hiện đại ấy truyền thống hơn. Những chữ Triện, chữ Thọ cũng được cách điệu từ chữ MA - viết tắt của từ Metal Art tức là nghệ thuật kim loại. Đấy là sự thành công của nghệ thuật, ghi nhận ngôn ngữ đương đại nhưng vẫn giữ được nhịp cổ điển.

Bộ ghế này là định nghĩa của ông về design: Sự hoàn hảo của những tỷ lệ đẹp.Vì vậy, cái đẹp sẽ dẫn dắt con người xử sự đẹp, sống đẹp, rồi làm ra cái đẹp.

Họa sỹ Trịnh Tú - cao bồi già phố cổ, sau khi đã ngồi đủ loại ghế vuông tròn, có hoặc không có chữ Thọ, chữ Triện của Lê Thiết Cương đã viết giới thiệu về triển lãm "Chuyện ghế": “Ghế để ngồi đã có trăm ngàn kiểu cách. Nhưng ghế để ngắm có lẽ mới có Lê Thiết Cương làm. Ghế đã thức dậy sau hàng thế kỷ phục tùng ngủ yên để mang một thân phận riêng tư là một tác phẩm nghệ thuật”.

Họa sỹ điêu khắc Vũ Hữu Nhung, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, vang danh với thương hiệu "Gốm Nhung" nhận định: “Với những thiết kế độc đáo, bộ ghế có thể sản xuất công nghiệp hàng loạt. Có thể không cần hàn mà chế tạo kiểu mô-đun (modulus) kết cấu lắp ghép kết hợp với đa dạng các chất liệu khác. Có thể dập lỗ tạo hoa văn hình kỷ hà dày đặc trên những mảng không chịu lực, mà vẫn giữ được phong cách tối giản. Với tôi, những chiếc ghế sơn 1 màu đã đạt đến chuẩn mực của tạo hình điêu khắc và tạo dáng công nghiệp, không nhất thiết phải vẽ thêm gì nữa”.

Một số tác phẩm trong serie "Chuyện ghế" cũng đã xuất hiện tại các sự kiện như: Chương trình Văn hóa và cuộc sống (VTV, 2004), Tạp chí Nhà Đẹp (2005), Đêm thơ Vi Thùy Linh (2012), Triển lãm thiết kế Múa đôi (cùng nghệ sỹ Đinh Công Đạt 2016), Chương trình Nguyệt Hạ (ca sỹ Giang Trang 2018)… Toàn bộ các tác phẩm "Chuyện ghế" cũng đã được tác giả nộp đơn đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.

“Ghe Cuong” - Cung la ghe nhung hinh nhu khong phai de ngoi hinh anh 2Triển lãm“Chuyện ghế” tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Thắng)

Ngoài ghế, triển lãm cũng trưng bày các tác phẩm mới sáng tác của các khách mời thuộc Nhóm họa sỹ 39: Lê Vi, Bình Nhi, Phương Bình, Phan Minh Châu, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Nguyễn Minh, Nguyễn Quốc Thắng, Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước.

Triển lãm ở Hà Nội, đã có 12 ghế được mua gắn nơ đỏ. 

Giữa lằn ranh của giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ về tay họa sỹ chơi ngông - khó tính của nghệ thuật đương đại, và không biết người ta mua ghế để làm gì?

Chuyện ghế, chuyện đời

Mỗi cuộc triển lãm, Lê Thiết Cương đều in sách dạng catalogue. Đó là cách duy nhất lưu lại những tác phẩm của mình, vì sau triển lãm, phần lớn các tác phẩm sẽ đến với người sưu tầm. Trong cuốn “Chuyện ghế” có 2 bài thơ của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha và nhà văn, nhà thơ Hữu Ước.

Nguyễn Thụy Kha không cầm lòng nổi trước vẻ đẹp của nghệ thuật, ông thốt lên "Ghế Cương":

Muốn ngắm mãi, ngắm lâu 

Những chiếc ghế cô đơn đẹp lạ

Giữa muôn triệu kiểu ghế

Ghế Cương độc khắc vào đời

Mảnh mai mà chắc. Vững mà khơi vơi

Ghế như người buông lơi số phận

Biểu tượng của uy quyền bỗng thấy thành ngớ ngẩn

Trước vẻ an nhiên bình thản giữa trời

Cũng là ghế nhưng hình như không phải để ngồi…

Nhà văn, nhà thơ Hữu Ước tham gia treo bức tranh "Ghế quyền lực" trong triển lãm "Chuyện ghế" và in tranh đó cùng bài thơ "Chiếc ghế" trong sách “Chuyện ghế”. Khai mạc triển lãm, ông tọa trên ghế Cương, tâm huyết về ẩn ý bức tranh "Ghế quyền lực": "Một chiếc ghế đẫm màu máu, một ván cờ tàn cuộc, một bóng hồng hư ảo như bóng ma, một bầu rượu như quả lựu đạn, một bát cơm cô quạnh...".

Ông đọc câu thơ cuối của bài thơ "Chiếc ghế": "Điều người ta cần là chiếc ghế đặt ở chỗ nào..../ Và ai là người ngồi trên ghế đó...". Có một khoảng lặng của ghế Cương đã ngự trị trong ông và lan tỏa sang người xem từ lúc nào.

Cũng trong đêm khai mạc triển lãm, Ban nhac rock G39, nghệ sỹ Đào Anh Khánh cùng các bạn Cương đã phiêu hết mình, góp phần cho bầu không khí “Chuyện ghế” thêm sôi động, náo nhiệt của một bữa tiệc nghệ thuật.

Họa sỹ Lê Thiết Cương quan tâm đến Phật giáo và kinh dịch, quan niệm hội họa tối giản của ông bị ảnh hưởng từ mỹ học Thiền, đó là sức mạnh của tĩnh lặng. Dùng ít nguyên liệu nhất mà lại nói được nhiều nhất. Ông hay trích dẫn Kinh Duy Ma Cật có câu ông tâm đắc “mặc như lôi”, im lặng sấm sét.

Ghế là hiển thị bất ngờ về mỹ học tối giản của Lê Thiết Cương, cùng với những tác phẩm mới phần nào thể hiện trên tinh thần đó, ít hình, ít màu, nhiều khoảng trống lớn, yên tĩnh, “vô ngôn”. Câu chuyện và cảm xúc được gửi gắm qua sự tĩnh mịch, yên lặng trong tác phẩm, để thông qua đó người xem có thể liên tưởng, suy ngẫm về những câu chuyện của riêng mình. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Có lẽ họa sỹ muốn xây dựng một lối thiền họa mới mà ở đó hội họa cũng chỉ có giá trị tượng trưng và gợi ý mà thôi”.

Kẻ xu thời cứ nghĩ đến ghế cho là địa vị quyền chức, với Lê Thiết Cương, ghế là văn hóa, là nghệ thuật. Ghế là ghế và không phải là ghế. "Chuyện ghế" còn mở rộng liên tưởng đến ý nghĩa “ai cũng cần một nơi ngồi xứng đáng”.

“Ghe Cuong” - Cung la ghe nhung hinh nhu khong phai de ngoi hinh anh 3Triển lãm“Chuyện ghế” tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Thắng)

Ngày 19/8, ngày cuối cùng của triển lãm "Chuyện ghế" tại Hà Nội, ông chia sẻ trên Facebook những câu thơ và bức ảnh ghế đẹp nao lòng như mùa thu: "Nắng bước vào/ Trò chuyện cùng ghế / Chiều cuối cùng".

Chọn tự do để được sống theo cảm xúc của mình

Họa sỹ Lê Thiết Cương không chịu đứng yên trong sự chuyển động của vũ trụ. Ông tự nhận mình hoạt động như một nghệ sỹ tự do tại Hà Nội. Ông có khả năng sáng tạo chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực hội họa, tạo hình, đồ họa, sử sụng nhiều chất liệu thiết kế như gốm, sơn mài, làm bảo tàng, làm video, phim ngắn, minh họa, vẽ bìa và thiết kế sách, bìa đĩa nhạc, ông cũng là một tay máy với đủ loại máy ảnh, và ảnh.

Ông viết và tham gia giảng dạy 2 năm tại trường Đại học văn hóa Hà Nội về kỹ năng nghệ thuật học. Ông viết và vẽ đều hay như các loại hình sáng tác khác: tối giản mà sắc. Lê Thiết Cương viết kiệm chữ, nhưng chữ của Cương sắc lẻm, chứ không đanh đá như ngoài đời. Theo ông, viết phải trích dẫn nguồn rõ ràng, phải chi tiết như nghiên cứu khoa học.

Lê Thiết Cương am hiểu âm nhạc, thưởng thức nhiều dòng khác nhau, nếu nó hay. Với ông: “Các Concerto số 1 bao giờ cũng hay nhất”. Có lần mang tiền đi mua ô tô, rẽ ngang vào nơi bán dàn âm thanh, ông mua luôn dàn âm thanh có chất lượng tốt nhất để nghe giao hưởng. Và âm nhạc trong "Chuyện ghế" là một minh chứng.

Lê Thiết Cương luôn chi tiết và đánh giá chính xác sản phẩm desỹgn. Sản phẩm đó dùng để làm gì, hiệu quả trong không gian đến đâu, áp lực thị giác cho người sử dụng như thế nào... Ông chậm rãi, cẩn trọng dựng phương án triển khai với vô số sách và những buổi nhâm nhi cuối ngày rồi nói về dự định với đám bạn mê whisky.

Ông có sở thích được khui rượu, chầm chậm đeo kính gọng đỏ như ớt, xem xét kỹ chi tiết, nội dung chữ viết trên bao bì sản phẩm, chất giấy, công nghệ in, cách gấp và đóng hộp. Chầm chậm tìm chỗ bóc mở nút như chinh phục người đẹp.

Theo Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt: "Ý tưởng của Cương thường hình thành qua những đoạn thoại ồn ào, cao giọng và gay gắt nhưng chắc hiếm khi có ai nghe một cách nghiêm túc, bởi chúng bạn đã quá quen với việc đó. Cương phát triển ý tưởng một cách vất vả, nặng nhọc và rất rắc rối với vô số lý luận kể cả về triết học hoặc tôn giáo để rồi Cương hài lòng với cái hình thức đơn giản nhất, xúc tích nhất".

Ông đoạt giải thưởng quốc tế với bộ bình sơn mài trên gốm, trong đó có chiếc bình Hạt gạo được Giải thưởng Good Design Award - Asean Desỹgn Selection trong 2 năm 2003 - 2004. Ông đã triển lãm cá nhân ở nhiều nước. Tranh của ông có mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia sỹngapore.

Ông đồng cảm đặc biệt với sách của Sasaki Fumio, Giám đốc sáng tạo, lập nên trang web dành cho người sống tối giản có tên Minimal & ism les is future. Sasaki Fumio với tác phẩm "Lối sống tối giản của người Nhật" đã chinh phục, khích lệ Lê Thiết Cương như người bạn đồng hành trên hành trình nghệ thuật. Sasaki Fumio viết: "Lối sống tối giản không chỉ là cách người Nhật loại bỏ đồ đạc và sắp xếp không gian sống phù hợp, mà còn là phương tiện sống giúp người Nhật tìm thấy ý nghĩa hạnh phúc thật sự của cuộc sống trong thế giới hiện tại... Nhờ có lối sống này mà tôi đã nhận ra rất nhiều quan trọng ở bản thân. Giờ đây khi đã giảm bớt số đồ đạc, tôi có nhiều thời gian hơn cho chính mình. Không còn so sánh bản thân với người khác nên tôi không cũng không có gì phải tự ti, mặc cảm. Tôi cũng không còn chú ý ra ánh sáng mắt hay cách nghĩ của người khác. Tôi có thể tập trung hơn nên hoàn thành công việc tốt hơn và làm những gì mình thích".

Không gian sống là nơi phản ánh văn hóa, thẩm mỹ và phong cách sống của chủ nhân, và điều này đặc biệt đúng với căn nhà mà Lê Thiết Cương đang sở hữu. Ngôi nhà nằm trên mặt phố Lý Quốc Sư, chỉ cách Nhà Thờ Lớn vài bước chân, dùng làm gallery 39A Lý Quốc Sư, cũng là nơi ở hiện tại của gia đình ông. Một không gian tuyệt đẹp ở khu đất vàng Thủ đô. Mọi chi tiết và đồ vật trong nhà đều được chủ nhân sắp đặt có chủ ý.

Và tôi được biết trong cuộc sống gia đình, ông cũng đang tự do.

"Chuyện ghế" tại cố đô Huế

Tôi được nâng ly chúc mừng Lê Thiết Cương ngay khi ông từ triển lãm “Chuyện ghế” tại Huế trở về Hà Nội. Ông kể: "Khai mạc tại Huế, ngày tận của tháng Ngâu, mưa tầm tã, nhưng khán giả vẫn đến chật cả phòng để chờ đợi. Bao nhiêu rượu cũng chẳng đủ cho bạn bè chúc mừng".

Một hình ảnh đẹp và cảm động trong buổi tối ngày 29/8, mưa bão nên nên lễ khai mạc phải xoay theo thời tiết, không thể dùng lụa phủ lên ghế trước như kịch bản. Các người mẫu phải đứng dùng ô che người và ghế. Nhưng cái mất ấy lại tạo ra cái được khác, cái buồn ấy lại tạo ra cái vui khác. Ngẫu nhiên "Chuyện ghế" lại có thêm chuyện mưa. Có người lại vỗ tay khen Cương giỏi quá: Ghế và ô dù!

“Ghe Cuong” - Cung la ghe nhung hinh nhu khong phai de ngoi hinh anh 4Triển lãm“Chuyện ghế” tại Huế. (Ảnh: Trần Thắng)

Ông giới thiệu một bức ảnh ghế mới trưng bày tại Huế mà chưa công bố ở Hà Nội. Ghế đặc sắc, chỉ dùng sắt tấm cắt và uốn thủ công, không có mối hàn nào. Với cấu trúc ba phần: mặt ghế, lưng ghế, chân ghế thì đặc tính cứng của sắt cho phép tạo ra chiếc ghế vừa tối giản vừa có thể ngồi được chắc chắn. Tối giản như gấp hộp bìa cát tông nhưng đạt đến độ phiêu của công năng và thẩm mỹ. Đây là xu hướng design đương đại của thế giới, rất gần gũi với tự nhiên.

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha sau khi dốc cạn chén với nhiều bạn bè trong mưa, đã phóng tác bài thơ “Vương miện” tôn vinh ghế Cương:

Cỏ Đông Khuyết Đài chiều nay

Bỗng là mái tóc xanh của đất

Được phong vương đội vương miện sắt

Ghế Cương

Ai đi qua cửa Hiển nhơn

Sẽ được dự lễ tấn phong ấy

Giống cuộc phong vương vua Gia Long

Để có giang sơn Việt Nam từ đấy

Để có một nước Việt Nam nhỏ khiêm nhường

Nhưng bất khuất rực cháy

Để có một Tuyên ngôn độc lập hùng hồn

Mà lễ đài được dựng bởi Nguyễn Hữu Đang

Còn lễ đài này chính em dựng lấy

Bằng tổ tiên hun đúc thành em.

30 ghế kiêu hãnh của họa sỹ Lê Thiết Cương sau khi trưng bày tại Hà Nội, theo ông trong hành trình đưa "Chuyện ghế" khắp ba miền để tiếp tục giới thiệu tới khán giả, tại Huế (từ 29/8-29/9), Thành phố Hồ Chí Minh (cuối tháng 11) và Đà Lạt (cuối tháng 12).

Ở mỗi địa điểm “Chuyện ghế” dừng chân, sẽ có một tác phẩm được bán đấu giá trong buổi khai mạc để gây quỹ từ thiện, ủng hộ quỹ “Những trái tim ấm áp.”

“Ghe Cuong” - Cung la ghe nhung hinh nhu khong phai de ngoi hinh anh 5Chiếc ghế đặc sắc chỉ dùng sắt tấm cắt và uốn thủ công, không có mối hàn nào. (Ảnh: Trần Thắng)

"Chuyện ghế" chắc chắn là một triển lãm cá nhân thành công nhất năm 2019 của họa sỹ Lê Thiết Cương. 18 năm! Một hành trình chiếm phần ba cuộc đời sáng tạo của một nghệ sỹ, và “Chuyện ghế" sẽ còn tiếp tục câu chuyện riêng đầy bất ngờ...

(Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark