26/07/2013 | 09:20:00

Hà Nội: Bất cập khi đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp

Mặc dù thời gian qua, Hà Nội đã triển khai quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 – 2016, nhưng tỷ lệ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đến nay còn rất thấp so với bình quân cả nước.

Nguyên nhân này do khi thực hiện, người nông dân gặp quá nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, thủ tục rườm rà khiến họ ngại và không muốn vay để đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp.

Vì đâu nên nỗi...

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp tại Hà Nội mới đạt 0,81 HP (mã lực)/ha canh tác, thấp hơn nhiều con số bình quân chung của cả nước (là 1,12 HP). Tại các khâu như làm đất, gieo cấy, gặt đập, vắt sữa, thái cỏ…, tỷ lệ cơ giới hóa (cơ giới hóa) của Hà Nội cũng đều thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất của Hà Nội chỉ đạt 69,2%, trong khi cả nước đạt 89,5%; gieo cấy của Hà Nội đạt 7,1%, trong khi cả nước đạt 25%; thu hoạch của Hà Nội đạt 7,8%, thì con số này của cả nước là 20%...

So sánh tỷ lệ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ngay tại vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội cũng đạt tỷ lệ thấp nhất: cơ giới hóa thu hoạch bình quân trong vùng đạt 12%, trong đó tỉnh Thái Bình đạt 25%, Hà Nội đạt thấp nhất với con số 7,8%.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân trên do thủ tục hỗ trợ cho các hộ nông dân vay vốn ngân hàng mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn rất rườm rà, điều kiện khó khăn nên làm cho nhiều hộ nông dân ngại không muốn vay vốn để đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp. Mặc dù, tại những huyện được thí điểm đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cho thấy hiệu quả rất rõ rệt như tiết kiệm chi phí sản xuất tới 20% và năng suất lúa tăng từ 15-20%. Điển hình như các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì...

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Chu Phú Mỹ tỏ ra phấn khởi khi giới thiệu về kết quả ứng dụng công nghệ mạ khay máy cấy: Hiệu quả và tính ưu việt của sản xuất lúa theo phương pháp sản xuất mạ khay và cấy lúa bằng máy rất rõ rệt, góp phần giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, đặc biệt là lao động nữ. Do cấy nông, thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, ruộng lúa thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, năng suất tăng khoảng 10% so với lúa cấy truyền thống. Lợi nhuận bình quân của lúa cấy bằng máy cao hơn cấy lúa truyền thống từ 6-7 triệu đồng/ha. Đây là một yếu tố rất thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất nông nghiệp.

Tinh thần của quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 – 2016 là hỗ trợ người dân mua máy nông nghiệp, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa 3 năm, mức vay vốn tối đa là 100%. Nhưng để được vay như vậy, ngân hàng yêu cầu người dân phải xuất trình rất nhiều loại giấy tờ có xác nhận của chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức phải có bản sao hợp lệ: Hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản vay nợ, bản kê tính lãi của ngân hàng thương mại, hóa đơn mua máy móc, thiết bị, nhất là phải có hóa đơn VAT (10%). Sau khi hoàn thiện hồ sơ phải nộp cho các Trạm khuyến nông huyện, sau đó Trung tâm Khuyến nông mới tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội…

Để người dân tiếp cận được vốn vay

Để gỡ khó vốn vay cho người nông dân triển khai đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu tháng 7/2013, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020, trị giá 1.100 tỷ đồng.

Đề án được triển khai tại 21 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào các khâu chính, tốn nhiều thời gian, sức lao động như làm đất, cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, làm mát chuồng trại, cho ăn uống tự động, sục khí và xử lý môi trường. Với mong muốn, đến năm 2016, tỷ lệ cơ giới hóa (cơ giới hóa) trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 90%, gieo cấy đạt 20%, gặt đập 30%, phun thuốc trừ sâu đạt 40%, vắt sữa bò đạt 50%, quạt nước thủy sản 15%...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, năm 2013, Hà Nội đầu tư 13,1 tỷ đồng để xây dựng các mô hình thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp. Trong đó có 50 điểm mô hình trồng trọt với tổng số 100 máy làm đất, cấy, phun thuốc, gặt đập; 36 mô hình chăn nuôi với 36 hệ thống làm mát chuồng trại và cho ăn uống tự động.

Theo đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ bằng lãi suất cho các tổ chức, gia đình, cá nhân vay vốn mua máy móc. Tuy nhiên qua triển khai thực tế, cách thức hỗ trợ này rất khó đến tay người nông dân. Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất chia sẻ, hiện nay, các ngân hàng yêu cầu quá nhiều thủ tục, điều kiện nên người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Thành phố cần tập trung tháo gỡ vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân cũng như các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, Hà Nội cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục vay vốn, hỗ trợ vốn vay để nông dân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay mua máy làm đất, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu chính sách trợ giá cho nông dân, có cơ chế bán hàng như bán trả chậm từ 30-50%; đồng thời tăng cường liên kết doanh nghiệp- nông dân - hợp tác xã trong việc ứng dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Đặc biệt, Hà Nội nên hỗ trợ mua máy móc trực tiếp cho nông dân thông qua Quỹ Khuyến nông hay mô hình Quỹ Hỗ trợ vay vốn tại các huyện, thị xã. Cùng với đó, cần thành lập các hợp tác xã, tổ dịch vụ tại các địa phương để chương trình cơ giới hóa mang lại hiệu quả thiết thực, đồng bộ, đảm bảo người nông dân được hưởng lợi./.

Thanh Bình - Khánh Ly

Bản để in Lưu vào bookmark