28/03/2013 | 16:00:00

Hà Nội: Cải cách hành chính vướng mắc ở cấp sở, ngành

Ngày 28/3, đánh giá việc thực hiện công tác cải cách hành chính của thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Mặc dù công tác này đã có chuyển biến rõ nét, đặc biệt ở cấp cơ sở song những tồn tại, vướng mắc lại xảy ra chủ yếu ở các sở, ngành và các phòng chức năng của thành phố, khiến các doanh nghiệp, người dân, thậm chí các quận, huyện còn phải kêu ca, phàn nàn.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng: Lực cản của công tác cải cách hành chính hiện nay bắt nguồn từ cơ chế, chính sách, quy định còn chồng chéo, lạc hậu, không đi vào đời sống, nhiều thủ tục cần sửa đổi, bãi bỏ, nhưng lại chậm được thực hiện. Bên cạnh đó, nhân tố chủ yếu nhất là những người hoạt động trong bộ máy hành chính lại không thực hiện việc này hoặc có chỉnh sửa, nhưng không quyết liệt, quyết tâm, thậm chí còn có biểu hiện tiêu cực. Đó là ý thức, tinh thần phục vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bộ hành chính còn hạn chế. Bên cạnh tinh thần tận tuỵ, trách nhiệm của đại đa số cán bộ công chức, viên chức vẫn còn một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu. Các tổ chức, doanh nghiệp còn kêu ca, phàn nàn, chủ yếu về trách nhiệm giải quyết công việc và phối hợp giải quyết công việc của các cơ quan chức năng; tình trạng đùn đẩy, né tránh không giải quyết hoặc chậm giải quyết, một bộ phận sách nhiễu, đùn đẩy... trong thực tế còn nhiều. Bệnh quan liêu của một số cơ quan có xu hướng tăng; hệ thống chế tài xử lý cán bộ, công chức có sai phạm chưa đủ mức răn đe, phòng ngừa; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa thực hiện quyết liệt, khi có sai phạm xảy ra; việc xử lý trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu chưa kịp thời và kiên quyết.

Đây chính là rào cản làm chậm tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa Thủ đô, là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số cạnh tranh năm 2012 của thành phố Hà Nội giảm 15 bậc so với năm 2011. Bên cạnh đó, một phần trách nhiệm cũng thuộc về các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cũng còn hạn chế như phân cấp chưa tương xứng, chưa tạo điều kiện đầy đủ cho địa phương; phân cấp chưa tính đến đặc điểm của từng địa phương; vấn đề phối hợp giữa các sở, ngành ở những lĩnh vực liên quan còn thiếu chặt chẽ dẫn đến chậm chạp, né tránh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính chưa cao, còn né trách, đùn đẩy trách nhiệm.

Bên cạnh việc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Bí thư Thành ủy cũng chia sẻ những khó khăn, áp lực công việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là bộ phận “Một cửa” trước khối lượng công việc lớn, nhiều việc mới, việc khó, trong khi lực lượng mỏng lại thường xuyên gặp phải vấn đề về hệ thống văn bản, cơ chế chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến việc xử lý còn lúng túng, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, gợi ý bồi dưỡng khi thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt tiền lương, thu nhập của đại đa số công chức, viên chức hiện nay còn thấp (bộ phận một cửa, bình quân thu nhập đạt 3.000.000 đồng/tháng), trong khi đó môi trường làm việc luôn tiếp xúc với tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

Cải cách hành chính trong toàn bộ hệ thống chính trị phải mạnh mẽ, quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét, là một vấn đề thời sự nóng bỏng, là sự mong muốn của các doanh nghiệp, tổ chức, của người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, được đầu tư công sức, tiền của, tập trung chỉ đạo và quyết liệt thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều khâu chuyển biến không đáng kể.

Xác định năm 2013 là năm “kỷ cương, hành chính”, thành phố Hà Nội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở, từ cán bộ đến người dân phải hiểu và tham gia, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo là yêu cầu số một, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ cốt cán của sở, ngành, phòng, ban của thành phố, gắn với trách nhiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng ứng xử giao tiếp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, thực thi công vụ. Đồng thời tham mưu cho thành phố có biện pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ làm công tác này; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách trong các lĩnh vực phù hợp với Luật Thủ đô. Cần khẩn trương rà soát hoàn thiện, công khai quy trình quy định giải quyết công việc, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là những người đứng đầu; tập trung nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho thành phố thực hiện phân cấp trong quản lý kinh tế, xã hội, rõ việc, rõ địa chỉ gắn với trách nhiệm của mỗi cấp. Tiếp tục tổ chức tốt thực hiện các cơ chế, chính sách; thực hiện các thủ tục hành chính, phát huy cơ chế giám sát việc thực hiện và tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ./.

Xuân Huy

Bản để in Lưu vào bookmark