12/06/2013 | 09:02:00

Hà Nội: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Thủ đô tập trung thực hiện. Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu phát triển kinh tế nhanh, bền vững; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo kế hoạch đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể như: giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42-45% trở lên; giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% (so với năm 2010); giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng khoảng 20%; diện tích cây xanh đô thị đạt 10-12m2/người; 100% số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 80% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; bình quân cấp nước đô thị đạt 150-180 lít/người/ngày đêm.

Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trong ngày ở nội thành đạt 100%, ngoại thành đạt trên 95%; vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35-45% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, một số giải pháp trọng tâm của thành phố Hà Nội là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ xanh, không gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ trình độ cao, nông nghiệp sinh thái; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biển đổi khí hậu...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, trước mắt, Hà Nội tập trung di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm; từng bước chuyển đổi chức năng sang dịch vụ công cộng, công nghiệp sạch, công nghệ cao đối với các khu cụm, công nghiệp nằm trong các quận nội thành và vùng đô thị hạt nhân theo quy hoạch vùng Thủ đô. Cải tạo, khôi phục môi trường ao, hồ, kênh, mương, các đoạn sông đi qua địa bàn thành phố bị ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ -Đáy. Thành phố tiếp tục phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, xử lý ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom nước thải và các trạm xử lý nước thải tại các khu đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn giai đoạn I và triển khai dự án giai đoạn II, khu xử lý chất thải rắn Đan Phượng,Việt Hùng - Đông Anh, Lại Thượng - Thạch Thất, Đồng Ké, Núi Thoong, Cao Dương, Châu Can, Phù Đổng; xây dựng các ô chôn lấp rác thải và công trình xử lý tại xã Xuân Sơn - Sơn Tây.

Theo quy hoạch, thành phố sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại - Tài chính tại khu đô thị mới Tây hồ Tây, Trung tâm Hội chợ - Triển lãm - Thương mại quốc tế ở khu vực Từ Liêm; xây dựng, phát triển một số khu phố kinh doanh thương mại, ngân hàng và các dịch vụ vui chơi, mua sắm lớn, hiện đại tầm cỡ khu vực; đầu tư xây dựng 5 cụm trung tâm y tế chuyên sâu, hiện đại hoặc những tổ hợp nghiên cứu, khám chữa bệnh tầm cỡ quốc tế…/.

Thùy Linh

Bản để in Lưu vào bookmark