12/10/2012 | 21:50:00

Hà Nội: Đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm ANVSLĐ

Ngày 12/10, tại Hội thảo "Đánh giá việc thi hành pháp luật về An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 1995-2012”, Liên đoàn lao động Hà Nội đã đưa ra 5 kiến nghị, đề xuất với thành phố và Trung ương.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao mức xử phạt đối với vi phạm; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá mức độ an toàn, chưa an toàn và có cơ chế ràng buộc, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành.

Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố cho biết, cùng với các cơ quan Nhà nước và chính quyền đồng cấp, tổ chức công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả công tác An toàn vệ sinh lao động.

Hàng năm, các cấp công đoàn đã tập trung tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác An toàn vệ sinh lao động đến với người lao động; tổ chức hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi; in ấn hàng vạn ấn phẩm, tài liệu có nội dung về An toàn vệ sinh lao động để phát đến tay người lao động; kiện toàn mạng lưới An toàn vệ sinh viên với trên 32 nghìn an toàn viên...

Mỗi năm, Liên đoàn lao động thành phố tổ chức gần 500 cuộc kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và công trường thi công, qua đó chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người lao động.

Tại hội thảo, các cán bộ công đoàn, đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên ngành thẳng thắn thừa nhận, công tác bảo đảm An toàn vệ sinh lao động vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Đó là tai nạn lao động, cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và ở mức cao so với cả nước.

Chỉ tính riêng năm 2011, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 123 vụ tai nạn lao động (tăng 17 vụ so với năm 2010), trong đó tai nạn lao động chết người là 34 vụ, làm chết 35 người, bị thương 2 người. Cũng trên địa bàn thành phố đã xảy ra 229 vụ cháy nổ, làm chết 10 người, bị thương 23 người, thiệt hại vật chất trên 45 tỷ đồng.

Theo phản ánh của các cấp công đoàn, do công tác khai báo, thống kê về tai nạn lao động của các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc nên số liệu về tai nạn lao động được công bố chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã có hành vi che giấu, không khai báo với cơ quan chức năng khi có tai nạn lao động xảy ra theo quy định mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân.

Công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động, PCCN cũng chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm về pháp luật bảo hộ lao động còn diễn ra khá phổ biến./.

Minh Nghĩa (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark