05/11/2012 | 09:04:00

Hà Nội: Hội thảo "Bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa giải 2013”

Sau 12 năm phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bóng đá- môn thể thao "VUA" vẫn chưa thể hiện được sự kỳ vọng. Bởi vậy, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Phạm Ngọc Viễn thì việc tái cơ cấu nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là tất yếu.

Vấn đề này được lãnh đạo Liên đoàn bóng đá và một số tỉnh thành và nhất là các đội bóng và nhà tài trợ trao đổi hết sức sôi động tại Hội thảo”Bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa Giải 2013” vừa qua tại Hà Nội.

Theo Tổng cục Thể dục Thể thao: Hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng chuyên môn được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong hoạt động thi đấu bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn có nhiều hạn chế như: tình trạng thi đấu bạo lực, sử dụng chất bị cấm của cầu thủ còn chưa được ngăn chặn; số lượng cầu thủ ngoại của các CLB quá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của các cầu thủ trong nước...

Thêm vào đó, sau mùa giải năm 2012, tình hình tài chính của các CLB chuyên nghiệp có nhiều khó khăn, phải tiết kiệm chi phí trong mùa năm 2013.”

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đến thời điểm này vẫn chưa có đội bóng nào có thương hiệu ổn định. Trong khi các chính sách quản lý lại chưa rõ ràng, thực tế triển khai cũng gặp nhiều vấn đề; hoạt động tuyên truyền ở các cơ quan báo chí mỗi nơi một kiểu; nhiều cầu thủ tuy nhận lương cao nhưng trình độ còn hạn chế, lại thiếu ý thức…

Cách trả lương mang tính vào bằng, chưa có tính động viên , lại quá cao so với cống hiến thật sự trong khi họ thiếu tinh thần trách nhiệm, tài năng khổ luyện và bản lĩnh và hơn hết là tính kỷ luật.... đây là nỗi buồn chung cho nền bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta.

Theo ông Viễn với những tồn tại lớn hơn thành tựu của nền bóng đá chuyên nghiệp, đến thời điểm này việc tái cơ cấu nền bóng đá Việt Nam là hết sức cần thiết và tất yếu.

Nhất là trong bối cánh khán giả quay lưng với môn bóng đá vua, nền kinh tế trong và ngoài nước suy thoái… bầu sữa mát nuôi môn thể thao Vua tất yếu sẽ cạn.

Các câu lạc bộ đã đến lúc cần phải bỏ ngay thói quen sống dựa vào các ông chủ mà phải sống bằng đôi chân của mình theo công thức: khán giả + truyền hình + quảng cáo + tiền tài trợ từ các ông chủ.

Trước mùa Giải 2013, Tổng cục Thể dục Thể thao yêu cầu: Để góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực nêu trên và giúp cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp giảm bớt khó khăn, Tổng cục Thể dục Thể thao yêu cầu VFF nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt để áp dụng từ mùa giải năm 2013”.

Theo đó 3 nội dung mà Tổng cục Tổng cục Thể dục Thể thao yêu cầu VFF đặc biệt nhấn mạnh gồm: “Giảm số lượng cầu thủ ngoại thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để tạo điều kiện cho các cầu thủ nội có nhiều cơ hội thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế; Quy định cụ thể và tăng nặng các chế tài xử phạt các hành vi thi đấu bạo lực, thiếu văn hoá, sử dụng doping, chất bị cấm của cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài...; Tiến hành kiểm tra doping bắt buộc đối với các cầu thủ tham gia thi đấu trong suốt mùa giải”.

Trưởng Đoàn Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Tân Anh cho rằng trong mùa giải 2013, VFF đã chuyên nghiệp hơn khi chính thức bắt buộc các cầu thủ phải kiểm tra doping.

Tuy nhiên, vẫn cần có khung hình phạt cụ thể với những cầu thủ sử dụng chất bị cấm này; đồng thời cũng nên sớm xem xét việc đưa ra quy định về văn hóa ứng xử giữa các cầu thủ với cầu thủ trong cùng đội bóng và ngoài đội bóng, cầu thủ với huấn luyện viên, với người hâm mộ…

Tiến lên chuyên nghiệp mục đích cuối cùng là các câu lạc bộ có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Ông Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Thực chất các CLB bóng đá của chúng ta họ cũng không phải dựa quá nhiều vào “bầu sữa” của các nhà tài trợ.

Song điều này khó có khả năng thành hiện thực. Đơn cử như Hoàng Anh Gia Lai, một trong những đội bóng tiên phong trong quá trình doanh nghiệp hóa bóng đá, nhưng theo bầu Đức, mỗi năm cũng chỉ thu được một khoản nhỏ từ các hoạt động trực tiếp liên quan tới bóng đá: tiền vé, quảng cáo, bán sản phẩm lưu niệm, trang phục…

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh từng khiến cho VFF không khỏi chạnh lòng khi đưa ra nhận xét, bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam thực ra là “nghiệp dư hưởng lương cao”. Ý ông Vinh đề cập đến thực trạng chạy đua trên thị trường chuyển nhượng, lương thưởng cho các huấn luyện viên, cầu thủ trong khi CLB chưa hề tự tạo ra được nguồn thu.

Chính vì các đội bóng k hông tự tạo được nguồn thu, trong khi kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ đều phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp. Điều đó càng trở nên khó khăn, nhất là mùa Giải 2013 dự báo nên khi kinh tế tiếp tục rơi vào khó khăn, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xấu đi, các CLB là một trong những đối tác hứng chịu nhiều hệ lụy.

Khẳng định rằng bóng đá chuyên nghiệp cao vẫn cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước và cả các thành phần khác, ông Phạm Văn Viễn ủng hộ hoạt động xã hội hóa trong bóng đá.

Tuy nhiên, ông Viễn cho biết ở Việt Nam khi đưa vấn đề xã hội hóa vào trong chiến lược phát triển bóng đá thì lại gặp phải khó khăn do vấn đề kinh tế.

Theo ông Viễn lý giải thì giải pháp tháo gỡ vấn đề này, hỗ trợ bóng đá chuyên nghiệp phát triển phải có thời gian, quan trọng nhất là phải đợi nền kinh tế phục hồi./.
 
 

(TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark