03/10/2012 | 16:17:20

Hà Nội huy động sức người, sức của xây nông thôn mới

Một vấn đề muôn thuở khi triển khai phần lớn các chương trình, dự án trên cả nước phần lớn các địa phương đều than phiền - “thiếu vốn”.

Chương trình Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Mặc dù, gần 2 năm qua đã đầu tư trên 4.600 tỷ đồng cho các xã nhưng quả thật vẫn như “muối bỏ biển”.

Tính đến năm 2015 Hà Nội dự kiến phải bỏ ra tổng thể 42.000 tỷ đồng - một con số rất lớn mà ngay cả lãnh đạo địa phương phải thừa nhận đang là bài toán hóc búa và là thách thức lớn không dễ gì thực hiện. Vậy Hà Nội đang phải làm gì?

Từ “Đề án Dân vận”

Cái thuận lợi nhất của Hà Nội mà có lẽ mọi người vẫn thầm nghĩ là địa bàn Thủ đô, gần trung tâm, dễ thu hút đầu tư và được quan tâm hỗ trợ. Nhưng ngược lại, không hẳn thế Hà Nội là địa bàn lớn với 401 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, đang bộn bề nhiều công việc. Lấy ví dụ so sánh, con số này ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có trên 50 xã; các tỉnh địa bàn rộng thường có từ 100 – 150 xã. Như vậy, khối lượng công việc và kinh phí đầu tư của Hà Nội nhu cầu phải gấp rất nhiều lần các tỉnh thành phố khác.

Trong cái khó luôn xuất hiện sự năng động bắt nguồn từ thực tiễn. Có nhiều địa phương hạn chế khó khăn bằng việc dồn sức thuyết phục lòng dân, từ đó huy động nguồn lực, giảm chi phí đầu tư, không trông chờ ỷ lại bên ngoài hỗ trợ.

Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm quan niệm rằng: Xây dựng nông thôn mới không phải chỉ đơn thuần là một phong trào, mà cần coi đây là một sự nghiệp. Bởi vì ông xác định được tầm quan trọng của nó, nếu như làm tốt thì sẽ là tiền đề cơ bản để xây dựng đô thị hiện đại và có tầm chiến lược.

Ông Thư cho rằng: “đầu tư nhiều bao nhiêu cũng không xuể nếu không giải quyết được phần gốc của vấn đề. Cán bộ và nhân dân thấm nhuần chủ trương và cùng đồng lòng thực hiện thì sẽ rất bền vững, còn không vừa đầu tư xong lại bị hư hỏng”.

Chính vì vậy huyện Từ Liêm đã xây dựng hẳn một “Đề án Dân vận” với 4.000 người được trang bị kiến thức về xây dựng nông thôn mới để đi đến từng thôn xóm, từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động bà con làm theo. Chỉ tính nhẩm tương đối, nếu một người vận động được 10 nhà thì toàn huyện đã có 40.000 hộ dân thực hiện. Chính vì vậy, Từ Liêm được thành phố đánh giá là địa phương đi đầu phong trào và hiện nay đã có nhiều xã đạt được cả 19 tiêu chí. Cách làm này đang được nhân rộng trong toàn thành phố.

Hiệu quả sức người

Huyện chương Mỹ một vùng đất nông nghiệp manh mún và rất khó khăn trong vấn đề giải tỏa, thu hồi đất làm công trình phúc lợi, công cộng... Mỗi lần đưa ra bàn bạc thu hồi đất với nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn, phản đối. Trong lúc đó để đền bù phải mất lượng tiền lớn mà ngân sách lại eo hẹp. Nhưng nhờ người dân được tuyên truyền kịp thời nên việc thu hồi đang trở nên thuận lợi hơn. Thời gian qua, huyện vận động người dân thực hiện đúng quy định, đồng thời hiến đất nên việc làm đường giao thông giảm được chi phí trên 10 tỷ đồng.

Huy động sức người đang là một chủ trương lớn, xuyên suốt mà Thành phố Hà Nội lấy làm nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, từ cấp thành phố, huyện, thị xã đến các xã đã tạo được nguồn vốn trên 700 tỷ đồng từ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cá nhân. Riêng huyện Đông Anh các đơn vị, cá nhân ủng hội gần 132 tỷ đồng; các xã thuộc huyện Thanh Trì vận động ủng hộ trên 100 tỷ đồng và nhân dân hiến 2.000 m2 đất; huyện Từ Liêm trên 21 tỷ đồng.

Xã Song Phương (Đan Phượng) nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động; xã Mai Đình (Sóc Sơn) nhân dân đóng góp gần 6.000 m2 đất để tạo mặt bằng cho địa phương mở rộng đường. Huyện Đông Anh đấu giá đất xen kẹt tại 6 xã tạo được nguồn ngân sách cho xây dựng nông thôn với 52 tỷ đồng...

Với những thuận lợi cơ bản đó, các địa phương đang tự tin để xây dựng kế hoạch phấn đấu như: huyện Từ Liêm đăng ký 100% số xã, huyện Thanh Trì 80%, huyện Gia Lâm đăng ký 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015...

Nhiều điều trăn trở

Mỗi một xã ở Hà Nội xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới ước tính phải mất kinh phí 269 tỷ đồng. Vậy nhưng hiện nay phần lớn các huyện, thị xã đều rơi vào tình trạng “kẹt” ngân sách. Kinh tế suy giảm, kéo theo nguồn thu chủ yếu từ đấu giá quyền sử dụng đất đang bị ứ đọng.

Đến thời điểm này trong năm mà đơn vị năng động cũng mới thu đạt 50 – 60% dự toán ngân sách, có nơi như huyện Quốc Oai mới thu đạt 20% dự toán. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, cũng như rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính “đụng đâu vướng đấy” rất khó giải ngân, rất khó tìm nguồn ứng trước để bắt tay thực hiện những công đoạn ban đầu.

Nhiều địa phương đang kiến nghị cần phải chủ động phân cấp đấu giá cho cấp huyện những lô dưới 5.000 m2 và giảm bớt thủ tục đấu giá những lô đất nhỏ hẹp, xen kẹt. Trong lúc thị trường bất động sản ảm đạm, cộng thêm thủ tục rườm rà khiến các huyện rơi vào khó khăn khốn cùng.

Hội đồng nhân dân Thành phố cần kiểm tra đưa các chủ trương vào kế hoạch thực hiện, tránh tình trạng nhiều công việc triển khai nhưng không có trong danh mục nên dẫn tới rắc rối vấn đề tài chính, giải ngân.

Đề án nông thôn mới được lập từ cuối năm 2010 đến nay. Nhưng hầu hết các dự án được lập vào năm 2011, 2012 đều có tổng mức đầu tư vượt so với đề án trước do có nhiều chính sách về giá, nhân công... thay đổi, vì vậy các dự án được triển khai càng khó khăn về nguồn vốn...

Trước tình hình cấp bách, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo: đến ngày 15/10 tất cả các địa phương phải báo cáo thành phố những vấn đề còn vướng mắc mà trong thời gian qua đã trình nhưng chưa thực hiện được. Từ những vướng mắc này thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan giải quyết dứt điểm, không để kéo dài, tồn đọng sang những năm tiếp theo.

Thành ủy yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục mở rộng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới một cách sâu rộng tới nhân dân; đồng thời nghiêm túc rà soát đội ngũ cán bộ làm việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng nông thôn mới; xem ai có lòng nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với công việc để khuyến khích và cũng như người nào không phù hợp, không đáp ứng nổi cần kịp thời sắp xếp bố trí công việc khác để đảm bảo tính thông suốt trong quá trình thực hiện./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark