23/06/2011 | 21:17:00

"Hà Nội khẳng định được vị trí đầu tàu tăng trưởng"

Một góc Hà Nội. (Nguồn: Internet)

Chiều 23/6, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng đại diện một số bộ ngành đã có buổi làm việc với Thường vụ Thành ủy Hà Nội về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW (ngày 14/9/2005) của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Thay mặt Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã báo cáo đoàn công tác của Trung ương về những thành tựu nổi bật trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng... trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Trong 5 năm qua, thành phố Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng bình quân GDP 10,73%/năm, trong đó dịch vụ tăng 10,35%; công nghiệp-xây dựng tăng 12,78%; nông nghiệp tăng 2,62%. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 40,8% lên 41,6%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 52,3% lên 52,5%...

Đặc biệt lĩnh vực dịch vụ được ưu tiên đầu tư phát triển; lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng có chọn lọc tập trung vào các ngành được ưu tiên đầu tư và các ngành có trình độ công nghệ cao như điện tử-tin học, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác, vật liệu mới...

Quan hệ hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung ngày càng được tăng cường, mở rộng nhằm phát huy mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của cả vùng đồng bằng sông Hồng.

Đánh giá cao những kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Đảng bộ Thủ đô, ông Trương Tấn Sang khẳng định thành phố đã bám sát các mục tiêu của Nghị quyết đề ra, đưa Hà Nội phát triển lên vị thế cao cho thấy ý đồ phát triển một đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đã được Hà Nội thể hiện.

Đồng thời, Hà Nội đã đóng góp lớn cho cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng, không chỉ về ngân sách mà cả về nguồn nhân lực, các giá trị văn hóa-xã hội...

“Hà Nội đã chủ động thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng, khẳng định được vị trí đầu tàu tăng trưởng, không chỉ của vùng mà của cả nước. Không những thế, vị thế của Hà Nội đối với quốc tế cũng được nâng lên,” ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, mặc dù Hà Nội phát triển tương đối nhanh nhưng chưa đạt được mục tiêu mong muốn như việc triển khai phát triển hạ tầng còn lúng túng vừa là mặt hạn chế vừa là nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội chung. Ngoài ra, quan hệ phối hợp giữa Hà Nội với các địa phương cũng như các bộ, ngành còn thiếu cơ chế quản lý và phát triển toàn vùng.

Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung xác định và đầu tư đúng vào những công trình hạ tầng đô thị trọng tâm, không dàn trải. Bên cạnh đó, Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương phải khắc phục những hạn chế trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ; nghiên cứu đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù cho địa phương để tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, từ đó, tốc độ tăng trưởng của Hà Nội sẽ cao hơn nữa./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark