21/07/2011 | 08:20:00

Hà Nội nhân rộng mô hình cơ giới hóa nông nghiệp

Ảnh minh họa. (Nguồn: Ngọc Hà/TTXVN)

Mô hình cơ giới hóa đồng bộ, liên kết và dịch vụ trong sản xuất lúa tại một số xã cho thấy chi phí sản suất đã giảm đáng kể, thu nhập của người nông dân tăng lên.

Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội cho biết, từ kết quả thành công của mô hình cơ giới hóa đồng bộ, liên kết và dịch vụ trong sản xuất lúa vụ Xuân 2011, Trung tâm đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn ở những xã đủ điều kiện triển khai việc đưa cơ giới vào đồng ruộng trong những năm tới, nhất là ở những xã đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Trung tâm cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã tiếp tục hỗ trợ về giống, vật tư cho người dân trong vụ mùa này để nông dân tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới, tiếp tục mở rộng diện tích lúa được sản xuất theo phương thức cơ giới hóa đồng bộ, liên kết và dịch vụ ở tất cả các khâu từ sản xuất đến thu hoạch.

Vụ Xuân 2011, mô hình cơ giới hóa đồng bộ, liên kết và dịch vụ trong sản xuất lúa đã được triển khai tại các xã Mai Đình (Sóc Sơn), Phú Phương (Ba Vì), Đa Tốn (Gia Lâm) và Thụy Hương (Chương Mỹ) với tổng diện tích hơn 400ha lúa xuân.

Sau khi thu hoạch và tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả cho thấy chi phí sản xuất giảm hơn 6 triệu đồng/ha lúa; năng suất lúa đạt được từ mô hình gieo thẳng lúa, thực hiện cơ giới hóa cao hơn hẳn so với các thửa ruộng khác sản xuất theo phương thức cấy truyền thống và không đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và liên kết dịch vụ ở các địa phương cũng đã góp phần thực hiện việc giảm lao động ở lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn để chuyển sang các ngành nghề, dịch vụ khác, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo đúng chủ trương của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Ngoài ra, thực hiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, liên kết và dịch vụ đã bước đầu hình thành tập quán sản xuất mới ở nông thôn ngoại thành Hà Nội, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, xóa bỏ tình trạng ruộng đồng manh mún mà vẫn không phải thay đổi quyền sử dụng đất sản xuất giữa các hộ dân.

Điển hình như tại xã Mai Đình (Sóc Sơn), từ hơn 1.000 ô thửa nhỏ, khi tham gia mô hình, bà con đã tự nguyện liên kết, dồn lại chỉ còn hơn 100 ô thửa lớn, rất thuận tiện cho việc làm đất, ngâm ủ, gieo lúa tập trung; việc phòng trừ sâu bệnh, tưới, tiêu nước và thu hoạch cũng được thực hiện đồng bộ với sự "vào cuộc" của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark