05/01/2012 | 14:42:00

Hà Nội nỗ lực triển khai giải thoát tình trạng ô nhiễm

Với gần 100 hồ tự nhiên tạo nên cảnh quan hết sức đặc biệt cho Thủ đô Hà Nội sắp ngàn năm tuổi, môi trường Thủ đô thêm xanh, sạch, đẹp cũng từ những hồ nước trong mát này.

Thời gian vừa qua, Thành phố đã có nhiều nỗ lực triển khai giải thoát tình trạng ô nhiễm và bê tông hóa các bờ sông hồ trên địa bàn. Theo báo cáo của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội, tháng 3/2010 đã cải tạo được 5 hồ và trong tháng 4 này các đơn vị thi công đang tích cực cải tạo thêm 10 hồ ở giai đoạn một.

Thành phố đã đưa hai trạm xử lý nước thải hồ Trúc Bạch có công suất 2.300 m3 /ngày – đêm và hồ Kim Liên 3.700 m3/ngày – đêm thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn một vào hoạt động. Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long –Vân Trì thuộc dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long – Vân Trì với công suất 42.000m3/ngày – đêm cũng đang được triển khai.

Tất cả các con sông chảy trong lòng Hà Nội đều có một thời kỳ thông thoát, sạch đẹp. Sông Tô Lịch xưa thông với sông Hồng, chia nước vào sông Nhuệ và từng là tuyến vận tải đường sông huyết mạch của những tiểu thương chốn kinh kỳ. Sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét cũng từng dập dìu buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền.

Đến nay những con sông này theo thời gian dần biến thành kênh chứa nước thải của Thành phố. Hơi buồn là mức độ ô nhiễm của các con sông cũng như một số hồ nước đang rất đáng cảnh báo. Sông Tô giờ một màu nước đen sẫm mùi hôi, một số người dân sống hai bên bờ sông tiện tay bỏ rác thẳng xuống sông, khiến nước thải lẫn rác ùn tắc không lưu thông được, lại gây họa cho chính họ.

Hiện nay khu vực ô nhiễm nhất nằm ở phường Vĩnh Tuy, chính vì vậy nước giếng khoan ở đây cũng bị ô nhiễm không kém và người dân thì phải đối mặt với bệnh tật nhất là bệnh dịch về đường tiêu hóa nhất là vào mùa nắng nóng. Sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ cũng đang gặp cảnh ô nhiễm tương tự, không có loài thủy sinh vật nào sinh sống được ở lòng sông.

Gần đây nhất đoạn sông Kim Ngưu chảy qua địa bàn phường Đồng Tâm đã được cống hóa, tuyến phố mới này được mang tên nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, một tuyến phố mới khang trang, sạch đẹp xứng tầm với tên gọi mà nó vinh dự được mang tên. Sông Nhuệ, sông Đáy hiện cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ riêng cống Thịnh Liệt mỗi ngày đổ trực tiếp vào sông Nhuệ khoảng 500.000m3 nước thải, đó là chưa kể tới khoảng 1.000 cống thoát nước trực tiếp xả ra sông trên địa bàn Thành phố. Hiện có 110 hồ với tổng diện tích hơn 1.000 ha, nhưng riêng hồ Tây đã chiếm tới 526 ha. Trước kia hồ Tây là hồ tự nhiên có diện tích lớn, nhưng gần đây hồ cũng đang bị thu hẹp dần, những công trình nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều, những dự án kè xung quanh hồ Tây cũng sắp hoàn thành, hy vọng hồ Tây sẽ mặc một màu áo mới, đẹp đẽ trong ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long –Hà Nội sắp tới.

 Hồ Văn Chương nằm trong khu vực dân cư, mặt nước hồ màu đen sậm ken đặc bèo xen lẫn rác rưởi. Quanh bờ hồ là một số hộ dân có tên lâu năm trong danh sách “xóm liều”. Các lực lượng chức năng đã tổ chức một số đợt cưỡng chế di dời các lều lán nhà tạm xung quanh hồ. Đại bộ phận người dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương này của chính quyền, chỉ có một số nhỏ hộ dân là còn thiếu ý thức đối với môi trường sống và thiếu trách nhiệm ngay với chính mình, điều này cần hơn nữa sự tuyên truyền giáo dục của cơ quan chức năng.

Gần đây nhân dân Thủ đô đã đặc biệt quan tâm đến biện pháp hút bùn theo công nghệ tiến tiến của Đức ở hồ Gươm và việc cải tạo mặt nước hồ Văn trong khuôn viên Văn Miếu. Tuy nhiên những nỗ lực ấy sẽ kém hiệu quả nếu như không có một chiến lược tổng thể cùng một chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân.

Những cố gắng của các cấp, các ngành chính quyền Thành phố sẽ là chưa đủ nếu như không có sự đồng thuận của người dân. Ai cũng hồ hởi mong đến dịp ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng chính môi trường sống hàng ngày của người dân cần hiện thực hóa hơn nữa. Một mặt là kế hoạch cải tạo, chỉnh trang của thành phố, mặt khác ý thức người dân được nâng lên, mong sao những dòng sông, ao hồ của Thủ đô sẽ ngày càng đẹp, sạch hơn nữa./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark