10/02/2012 | 09:30:00

Hà Nội triển khai đường hầm, cầu đi bộ qua đường

Đến thời điểm này, Hà Nội đã có những đường hầm và cầu qua đường phục vụ người đi bộ. Đường hầm: một trên đường Phạm Hùng, gần bến xe Mỹ Đình, một ở khu vực Nam Trung Yên, mới nhất là tại nút giao thông Ngã Tư Sở; cầu lên cao: một qua đường ở Ngã Tư Vọng, một ở Cầu Giấy trước cổng trường Đại học Giao thông. Những hầm và cầu này không chỉ góp phần cải thiện tình trạng giao thông đô thị, khắc phục căn bệnh nan giải là ùn tắc giao thông, mà còn là biểu hiện của nét đẹp văn minh đô thị trên mảnh đất Thăng Long sắp một ngàn năm tuổi.
 
 Tuy nhiên, hầm đi bộ được coi là nhộn nhịp nhất là hầm trên đường Phạm Hùng, nay đã trở thành nhà vệ sinh của nhiều người qua đường. Ngày nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, ngày mưa thì nước tiểu chảy theo nước mưa lênh láng… Hầm đi bộ ở nút giao thông Ngã Tư Sở khánh thành và đưa vào sử dụng mấy tháng nay mà vẫn “vắng như chùa bà Đanh”. Các cửa hầm thường thành nơi bán bánh mỳ, nơi để hàng hóa, xe máy… Thi thoảng, một đôi thanh niên dắt cả xe đạp vào đường hầm đi bọ, ngồi tâm sự kín đáo. Một số thanh niên dáng ngổ ngáo lượn lờ; nhiều người vô ý thức ném bừa rác thải, kim tiêm chích… gây ô nhiễm môi trường.
 
 Thành phố đang trong giai đoạn đô thị hóa. Nhiều dự án cải tạo hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông đô thị với nguồn vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những con đường hầm phục vụ người đi bộ nằm trong những dự án đó được xây dựng, đã và sẽ đưa vào sử dụng, phản ánh những cố gắng của Chính quyền Thành phố. Song, với những lý do khác nhau, nhiều người đi bộ đã “vô hiệu hóa”, không sử dụng đường hầm. Người đi bộ vẫn ngang nhiên qua đường, chen lấn giữa dòng xe máy, ô tô, vừa nguy hiểm vừa gây cản trở giao thông. Kết quả là đường hầm đi bộ vừa xây dựng xong đã trở nên hoang vắng.
 
 Đường hầm phục vụ người đi bộ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng mới xây dựng xong mà chưa phát huy được tác dụng, tai nạn vẫn hoàn tai nạn, ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc và người đi bộ không “mặn mà” với nó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và dễ thấy hơn cả là cảnh “cha chung không ai khóc”, xây dựng xong không ai chăm lo, bảo dưỡng, quản lý. Một sự “lãng quên” thật đáng trách!
 
 Ở hai chiếc cầu qua đường đi lên cao Ngã Tư Vọng và chỗ trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy cũng vậy. Chỉ vì ngại leo lên mấy chục bậc thang mà nhiều người không chịu đi, cứ len lén rình vắng xe là vội băng qua. Họ đã quên là có khi muốn nhanh vài phút lại sẽ chậm cả đời vì tai nạn, thương tật.
 
 Cần phải tự mình đấu tranh khắc phục thói quen tùy tiện ấy.
 
 Để tránh lãng phí tiền của Nhà nước, xây dựng được ý thức văn minh, văn hóa trong khi đi bộ sang đường, trước hết, khách bộ hành phải chấp hành luật lệ giao thông đi sang đường ở những nút giao thông có đường hầm hoặc cầu dẫn lên cao. Các cơ quan chức năng cần có ngay các giải pháp quản lý và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong sử dụng hầm đi bộ, cầu sang đường có hiệu quả. Làm quen với cách sang đường đối với người đi bộ mỗi khi qua nút giao thông cũng là nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch,văn minh./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark