03/12/2009 | 13:45:10

Hội thảo 1.000 năm Vương triều Lý và Thăng Long

Tượng đài Lý Công Uẩn. (Ảnh: Internet)

Tròn 1.000 năm sau ngày Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra Vương triều nhà Lý, ngày 21/11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “1.000 năm Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động quan trọng chuẩn bị tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Hội thảo cũng giúp hiểu rõ hơn, khách quan và toàn diện hơn những cống hiến to lớn của Đức vua Lý Thái Tổ, Vương triều Lý và quân dân Đại Việt trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, đặt nền tảng cho nền văn minh Việt Nam với trung tâm là Kinh đô Thăng Long tiếp tục phát triển.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội trong báo cáo đề dẫn Hội thảo khẳng định, quyết định dời đô và tạo dựng kinh đô mới ở Thăng Long là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Vương triều Lý và quốc gia Đại Việt…

Nước Đại Việt thời Lý là một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh ở Đông Nam Á, với một hệ thống chính quyền mạnh và cơ sở cố kết xã hội vững; có nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển, trao đổi buôn bán trong nước, quốc tế rộng mở; với các kỳ công phá Tống, bình Chiêm giữ vững chủ quyền quốc gia dân tộc và góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Báo cáo đề dẫn cũng đánh giá cao vai trò của Lý Thái Tổ trong việc kiến tạo đô thành, dồn tâm, dồn sức kiến lập Vương triều Lý, chăm lo, củng cố xây dựng bộ máy chính quyền tập trung từ trung ương đến 24 lộ ở các địa phương; lấy Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần cho vương triều, xây dựng một chính quyền sùng Phật và thân dân.

Lý Thái Tổ là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thi hành chính sách “nhu viễn”, dùng quan hệ hôn nhân để ràng buộc, lôi kéo các châu mục, tù trưởng có thế lực, khiến họ thành tay chân của nhà vua, góp phần bảo vệ và giữ vững toàn vẹn cương thổ đất nước.

Ông còn đặc biệt quan tâm đến quan hệ với nhà Tống, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc đến buôn bán ở đại Việt, mở đường cho thương nhân Đại Việt sang buôn bán ở Trung Quốc. Đây được coi là chủ trương mở cửa biên giới chủ động và táo bạo vì lợi ích chung của hai nước.

Trên cơ sở thành tựu nghiên cứu hơn nửa thế kỷ qua, nhất là từ năm 2000 trở lại đây, hơn 60 tham luận của 64 học giả trong nước và quốc tế (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pháp) tham gia hội thảo tập trung làm rõ 3 chủ đề lớn là Lý Thái Tổ và công cuộc thành lập Vương triều Lý; Định đô và Kinh đô Thăng Long; Sự nghiệp nhà Lý và Vương triều Lý trong tiến trình lịch sử đất nước.

Có những tham luận đáng chú ý như Điều kiện và những tác động hình thành nhân cách và con người Lý Công Uẩn (Giáo sư Vũ Khiêu); Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội - Di sản văn hóa dân tộc và giá trị có ý nghĩa toàn cầu (Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)...

Bên cạnh đó còn có một số ý kiến tham luận của các học giả nước ngoài như Bản chất Vương triều Lý (Giáo sư Yu Insun, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc); Hà Nội thế kỷ XI theo quan điểm lịch sử khu vực học (Giáo sư Yumio Sakurai, Chủ tịch Hội những nhà nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản)...

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Lý Công Uẩn sinh ngày 12/2 Giáp Tuất (tức 8/3/974) tại hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, là vùng đất rộng lớn, tương đương với thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) mà trung tâm là các phường Tân Hồng, Đình Bảng hiện nay.

Ngày 2/11 năm Kỷ Dậu (tức 21/11/1009), tại kinh đô Hoa Lư, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra Vương triều Lý.

Mùa thu tháng 7 năm Canh Tuất (tức khoảng 13/8 đến 10/9 năm 1010), Lý Thái Tổ đích thân tổ chức việc dời đô từ Hoa Lư ra kinh phủ ở thành Đại La. Khi thuyền đến nơi, đang tạm đỗ dưới thành thì bỗng có rồng vàng hiện lên thuyền ngự, nhân đó Lý Thái Tổ quyết định đổi tên thành là Thăng Long (Hà Nội ngày nay)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark