14/03/2010 | 10:20:00

Kẻ "dở người" và công cuộc phục dựng gốm cổ

Ông Tân say sưa nói về nghề gốm Thổ Hà. (Ảnh: Nguyễn Hà/Vietnam+)

Xưa kia, Thổ Hà từng là một lò gốm nức tiếng của vùng Kinh Bắc, nhưng từ khoảng ba chục năm nay, sự nổi tiếng ấy dần đi vào dĩ vãng khi những người dân nơi đây chuyển đủ nghề để kiếm sống. Lò gốm duy nhất của làng cũng phải đóng cửa vào năm 2003.

Những tưởng thương hiệu Thổ Hà sẽ chìm nghỉm trong vòng xoáy mưu sinh ấy, thì ông Tân, một kẻ "dở người" đã đứng lên quyết tâm phục dựng lại nghề...

“Người không phụ đất thì đất chẳng phụ người”

Khi chàng trai Trịnh Đắc Tân lên đường nhập ngũ vào năm 1973, làng Thổ Hà còn hừng hực bởi ánh sáng của những lò gốm. Nhưng khi anh lính giải ngũ và trở về vào năm 1978, nghề gốm chỉ còn thoi thóp. Người dân trong làng đã làm đủ nghề để kiếm sống: Chạy chợ, buôn bán vặt... và nhiều nhất là làm bánh đa.

Từ lâu lắm rồi, đến Thổ Hà người ta sẽ chỉ thấy trắng những phên bánh đa. Các con đường làng, lối ngõ nhỏ, mái nhà, sân trường tiểu học… đều được tận dụng để phơi bánh. Thậm chí cả những chứng tích của làng quê vang bóng một thời về gốm như đình làng, chùa... cũng bị chìm phủ bởi những phên bánh trắng xóa. Lũ trẻ đùa nghịch trong các ngõ nhỏ giữa những phên bánh. Đi khắp làng cũng không còn tìm thấy ánh lửa hồng bập bùng và khói tỏa từ những lò gốm. Những nghệ nhân gốm trong làng giờ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Không nằm ngoài guồng quay, ông Tân cũng bị cuốn theo dòng mưu sinh đó. Một người vợ mắc bệnh nan y, 4 đứa con nhỏ, cả một gia đình 6 miệng ăn trông chờ vào mình ông. Lúc đó ông Tân - như bao nhiêu người khác ở làng này, cũng làm bánh đa, cũng chạy chợ mưu sinh. Tuy nhiên, không ai biết được rằng, trong con người ông vẫn thôi thúc một ngày nào đó trở về với đất và lửa để khôi phục lại nghề gốm!

Ông Tân kể: “Khi còn sống, ông ngoại tôi là một nghệ nhân gốm hàng đầu của làng Thổ Hà. Hình ảnh những người nghệ nhân say sưa vuốt gốm, những hoa văn trên gốm và nhất là ánh sắc kì diệu của những lò gốm khi nung đã trở nên quen thuộc với tôi từ thuở nhỏ”. Những hình ảnh và tình yêu âm thầm ấy qua bao thăng trầm của cuộc đời vẫn nuôi dưỡng khát vọng trong ông.

Khi con cái đã trưởng thành, gia đình bớt gánh nặng hơn và ông đã ngoài 50 tuổi, những tưởng sẽ đến lúc ông nghỉ ngơi, nhưng ông Tân lại đưa ra quyết định khiến cả xóm làng và những người thân của ông đều ngạc nhiên. Ông bắt đầu xây lò để khôi phục lại nghề gốm Thổ Hà.

Người ta lắc đầu cười: “ông này lãng mạn quá”. Thế nhưng ông Tân làm thật. Ông bắt tay vào xây dựng lò gốm từ năm 2006 khi trong tay có vài chục triệu tiền tiết kiệm từ nghề tráng bánh và chạy chợ. Trên khuôn mặt rám màu nâu đất vẫn ngời sáng và bàn tay bám đầy bụi đất của ông nắm chắc một niềm tin mãnh liệt: “Người không phụ đất thì đất chẳng phụ người”.

Mồ hôi, nước mắt và... máu

Lẽ thường vạn sự khởi đầu nan, kỹ thuật làm gốm cổ của làng không dễ gì ngày một ngày hai mà làm tốt được. Mẻ thứ nhất, mẻ thứ 2 bảy tám chục triệu đều thành phế phẩm. Các bậc tiền bối trong làng đã tuổi cao sức yếu nên cũng lần lượt qua đời, chuyện áo cơm khiến không ít người lại tính chuyện rời bỏ nghề gốm.

Ông Tân gần như kiệt quệ, nhưng rồi ông lại lao vào bươn trải những nghề khác để nuôi lò gốm. Và những lò gốm sau đã khởi sắc thành công khiến ông càng tin tưởng. Hiện nay, hợp tác xã gốm Đồng Tâm của ông có 15 người, mỗi người có thu nhập khoảng 800 đến 1 triệu đồng một tháng. Ông Tân chia sẻ, trong năm nay sẽ thử nghiệm nung gốm bằng gas để có thể tìm ra những phương pháp sản xuất gốm hiệu quả hơn.

Có những sản phẩm gốm vừa ra lò đã được trả đến 30 triệu đồng. Những người thợ trong hợp tác xã của ông Tân còn kể mãi câu chuyện về lần ông bán một chậu hoa giá 3 triệu đồng, trong khi trước đó có người trả đến 6 triệu đồng ông không bán. Ông bảo người ta hiểu vẻ đẹp của gốm Thổ Hà thì ông bán, chứ cũng chẳng tính nhiều đến lãi lờ.

Ông Tân tâm sự, người làng Thổ Hà làm gốm không ai không ít nhất một lần phải "đổ máu" khi ra lò gốm và cũng không ít người đã tử vì gốm, bởi gốm Thổ Hà rất đanh và sắc. Bản thân ông đã không ít lần bị gốm làm bị thương khi ra những lò gốm đầu tiên, nặng có, nhẹ có... Sau này, thỉnh thoảng người nhà ông và những công nhân của lò gốm cũng bị thương, xót xa lắm nhưng ông hiểu, làm gốm là thế.

Với tâm nguyện sẽ không để tuột mất những thành quả đã đạt được, ông Tân đã định hướng cho cô con gái đang học trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ về nối nghiệp mình quản lý xưởng gốm, tìm đầu ra cho sản phẩm gốm Thổ Hà. Còn người con gái út cũng sẽ thi vào một trường Đại học về Mỹ thuật để giúp ông hoàn chỉnh hơn về nghệ thuật làm gốm. Thế hệ trẻ rồi đây sẽ nối tiếp giấc mơ xây dựng lại “thương hiệu” gốm Thổ Hà của ông.

Chúng tôi chia tay ông Tân khi trời đã quá trưa. Mái tóc ông bám đầy đất, vẫn bộ quần áo lấm lem khi đang dở tay với công việc làm gốm, mâm cơm bên bàn đã nguội ngắt. Vợ ông bảo cứ có người đến nói chuyện về gốm là ông lại mải mê như thế, chẳng còn nhớ được việc gì khác. Ông cười tươi với cái bắt tay rất chặt khi chia tay chúng tôi và không quên gửi lời mời về thăm lò gốm nung bằng gas vào năm sau...

Đi trên những con đường ngõ nhỏ quanh co của làng quê Thổ Hà, thoáng có một chút gì đó vui lây với ông Tân khi thấy người ta đã thu dần những phên bánh tránh và nhường chỗ để "hong" những mẻ gốm mới ra lò với nào tiểu chum, chĩnh, chõ… lấp lánh ánh nâu cánh gián dưới cái nắng ấm áp đầu xuân./.


Cùng với gốm Chu Đậu, Phù Lãng, Bát Tràng, gốm Thổ Hà từ lâu đã được biết đến là một trong những dòng gốm nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Hồng. Làng Thổ Hà nằm ở ven dòng sông Cầu, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. So với những dòng gốm còn lại, gốm Thổ Hà ít màu sắc và đơn giản hơn về kiểu dáng, nó đẹp ở vẻ đẹp giản dị và chân chất.

Nếu như các loại gốm khác chỉ được nung trong lò từ một ngày cho đến 3 ngày thì gốm Thổ Hà để có thành phẩm phải mất 5 ngày, 5 đêm. Vì thế, men gốm Thổ Hà có màu nâu cánh gián rất khỏe khoắn và khi gõ vào có tiếng rất đanh, sắc ngọt. Cũng nhờ được thử thách nhiều trong lửa nên gốm Thổ Hà bền lâu, chẳng dễ hóa thổ như  nhiều dòng gốm khác. Những chiếc tiểu, chum vại chôn dưới đất vài trăm năm vẫn trơ gan cùng cát bụi. Người ta  bỏ quên chè khô trong chiếc bình gốm nhỏ rồi đậy nắp kín, vài năm sau bỏ ra uống vẫn thấy đậm đà.

Nguyễn Hà (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark