29/01/2010 | 15:59:00

Không gian văn hóa Việt: Điểm đến nghệ thuật mới

Nhà Khai trí Tiến đức thành Không gian văn hóa Việt. (Ảnh: TT&VH)

Tiếp nhận ngôi nhà Khai trí Tiến đức (16 Lê Thái Tổ, Hà Nội) từ tháng 9/2009, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã biến nơi đây thành một "Không gian văn hóa Việt" với hệ thống biểu diễn, trưng bày và thưởng thức nghệ thuật.

Mới đây, “không gian’’ này đã được khai trương. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, người “giành” được khu đất quý hơn vàng này cho biết  "Không gian văn hóa Việt" trải rộng trên hơn 3.000m2, được tổ chức giống như một không gian tổng hợp các loại hình nghệ thuật giữa lòng Thủ đô, với 4 khu. Khu biểu diễn trong nhà - Nhà hát Lam Kinh - có vòm âm thanh chuẩn dành cho nhạc thính phòng, giao hưởng, cũng như các buổi biểu diễn nghệ thuật đương đại.

Với hơn 300 chỗ ngồi sắp xếp theo lối phòng trà, Nhà hát Lam Kinh giúp khán giả có thể thưởng thức nghệ thuật và được phục vụ ăn uống nhẹ. Khu biểu diễn lưu động ngoài trời là một sân khấu hình bán nguyệt dành cho trích đoạn các nghệ thuật truyền thống: Chèo, ca trù, quan họ, hát văn, rối cạn...

Khu gallery để triển lãm, trưng bày, hội thảo, bán đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Khu ẩm thực - nhà hàng Lục Thủy - gồm các món ăn đặc sắc của các nước trên thế giới, các đồ ăn Bắc Trung Nam và Hà Nội xưa. Xung quanh là khu nhà vườn tươi tắn đang được gấp rút hoàn thiện.

Kết hợp nhiều hoạt động âm nhạc, hội họa, ẩm thực... trong một không gian, ông có sợ làm mất đi tính chuyên nghiệp của một nhà hát hay không?

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình: Sự phối hợp này trên thế giới đang rất được ủng hộ. Tuy nhiên ngôi nhà chưa đủ là một công trình lớn nên chúng tôi phải chia khéo, chứ không biến nơi đây thành món lẩu thập cẩm. Với 4 khu được sắp xếp một cách hợp lý, đầy mỹ cảm, Không gian văn hóa Việt hứa hẹn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhiều đối tượng khán giả nhưng đối tượng phục vụ chủ yếu là người Việt Nam.

Nhà hát đã bỏ bao nhiêu tiền tu sửa ngôi nhà này. Khi sửa chữa, những nét cổ kính, duyên dáng của ngôi nhà có được tận dụng?

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình: Tất nhiên phải tận dụng. Khi nhận bàn giao, tòa nhà này đã bị xuống cấp, vì nó đã được xây dựng từ những năm 1910. Hơn nữa, nơi đây được thiết kế với chức năng ban đầu không phải là nhà hát. Với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và thành phố Hà Nội, anh em cán bộ, nghệ sĩ đã nỗ lực hết sức để hoàn thành “không gian” trước Tết nhằm đón khán giả. Tổng kinh phí tu sửa tất cả mọi thứ hết khoảng 25 tỷ đồng, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 8 tỷ, còn lại nhà hát tự bỏ kinh phí.

Các nghệ sĩ vốn có quá nhiều lời than về việc “nhà hát không có nhà để hát”. Bây giờ có địa điểm đẹp như thế này, "Không gian văn hóa Việt" liệu có thường xuyên đỏ đèn?

Trước mắt, từ nay đến Tết, một số khu nhỏ còn đang gấp rút hoàn thiện, nên hàng tuần mới biểu diễn vào cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật). Bắt đầu sau Tết, sẽ chỉ nghỉ ngày thứ 2 thôi, còn lại sẽ biểu diễn. Không chỉ các hoạt động nghệ thuật của nhà hát, mà chúng tôi còn lên lịch cho tất cả các đơn vị nghệ thuật trong, ngoài nước vào biểu diễn. Chúng tôi sẽ tận dụng hết tất cả để nhà hát sáng đèn hàng đêm, không thì sống thế nào được?

Tòa nhà Khai trí Tiến đức (được xây dựng từ những năm 1910) từng là nơi giao lưu của Hội Khai trí Tiến đức, Câu lạc bộ Thống Nhất... Với lối kiến trúc của Pháp, hình mũi thuyền sang trọng, nổi bật, tòa nhà nằm ở vị trí đẹp nhất, nhì Hà Nội bên Hồ Gươm.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark