01/06/2010 | 14:31:00

Liên kết nội vùng nhằm phát triển du lịch ở ĐBSCL

Miệt vườn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. (Ảnh: Internet).

Khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển du lịch là yêu cầu mang tính mang khách quan. Tuy nhiên, việc liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế nên kết quả chưa như ý muốn.

Thế mạnh vẫn còn ở dạng tiềm năng

Nói đến Đồng bằng sông Cửu Long là nói đến một vùng sông nước độc đáo không chỉ riêng Việt Nam mà cả với thế giới. Với tổng chiều dài trên 28.000km, hệ thống sông rạch đan xen giữa thảm xanh bạt ngàn của vườn cây trái bốn mùa trĩu quả và đồng ruộng thẳng cánh cò bay, phong cảnh hữu tình nơi đây ít nơi nào sánh được.

Sông nước đồng bằng mang về những sản vật hết sức phong phú để làm nên một vùng văn hóa ẩm thực tuyệt vời.

Sông nước làm hội tụ những khu chợ nổi, một loại hình chợ họp trên sông hình thành từ bao đời nay mang giá trị đặc trưng văn hóa miệt vườn của nền “văn minh lúa nước” trên vùng châu thổ.

Sông nước tạo nên những khu vực sinh thái với đa dạng sinh học đặc thù như sinh thái miệt vườn, sinh thái rừng tràm ngập nước; sinh thái rừng ngập mặn ven biển...

Ngoài sông nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có sinh thái biển-đảo. Với ba mặt giáp biển, tổng chiều dài bờ biển trên 700km với nhiều điểm du lịch hấp dẫn.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2009 lượng khách du lịch quốc tế đến toàn vùng đạt trên 1,2 triệu lượt, gấp hơn ba lần so với năm 2000. Khách du lịch nội địa đạt hơn 8 triệu lượt, tăng 5 triệu lượt so với năm 2000.

Thu nhập từ du lịch toàn vùng đạt 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng thu nhập và tăng thêm công ăn việc làm cho người dân đồng bằng từ hoạt động du lịch-dịch vụ còn hạn chế.

Về tổng thể, có thể nói rằng sự phát triển của du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa xứng tầm với tiềm năng và vị thế so sánh của vùng bởi nhiều hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, công tác thị trường, công tác xúc tiến quảng bá...

Cần liên kết hợp tác nội vùng và quốc tế

Theo ông Phạm Phước Như - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong số 13 tỉnh, thành phố ở vùng này có 10 đơn vị đã ký kết hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó thành phố Cần Thơ ký kết hợp tác với 10 tỉnh trong khu vực và Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội. Điều này đã nói lên vai trò quan trọng của hai thành phố trong việc liên kết phát triển du lịch, đặc biệt là cung cấp nguồn khách làm đầu mối cho các tour lữ hành.

Cuối năm 2009, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với ngành du lịch các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chuyến khảo sát và xúc tiến quảng bá du lịch tại một số tỉnh của Campuchia.

Tại mỗi nơi, đoàn đã tham quan, tìm hiểu tình hình hoạt động du lịch, các dự án quy hoạch đầu tư du lịch trên địa bàn đồng thời giới thiệu các điểm du lịch tiêu biểu tại Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; ký kết văn bản hợp tác du lịch tạo tiền đề cho việc mở rộng chương trình liên kết phát triển du lịch lâu dài.

Tuy nhiên, việc liên kết và hợp tác trong thời gian qua chỉ mới mang lại cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long một số kết quả nhất định trên các lĩnh vực như trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá.

Tuy nhiên, liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nội vùng còn thấp.

Để khai thác được lợi thế sông nước biển đảo ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần có sự liên kết hợp tác phát triển nhằm bổ sung những hạn chế, phát huy những thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương trong vùng.

Tiến sĩ Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần hợp tác phát triển với những đối tác quan trọng khác cả trong và ngoài nước. Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ học hỏi được nhiều từ các trung tâm du lịch lớn và có tuyền thống, đồng thời cũng sớm tiếp cận được với các thị trường này.

Nội dung cần hợp tác, theo các nhà nghiên cứu và khai thác du lịch trong và ngoài nước thì cần xây dựng các chương trình du lịch (tour du lịch) chung của vùng; tăng cường quảng bá xúc tiến hình ảnh chung du lịch vùng; liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực với các đối tác./.

Lê Hiền-Nguyên Anh (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark