17/02/2015 | 06:58:00

Người Hà Nội giữ Tết truyền thống từ nồi bánh chưng gia đình

Người Hà Nội quây quần bên nồi bánh chưng trên phố đêm. (Nguồn: Báo Thể thao và Văn hóa)

Xoa xoa hai bàn tay lên đôi má ửng hồng, căng nẻ vì hơi nóng, dưới ánh lửa than cháy tí tách từ những thân cây gỗ to bằng cả bắp chân, chú Nguyễn Đình Tú (Long Biên, Hà Nội) nheo nheo đôi mắt, đung đưa cơ thể nhịp nhàng theo giai điệu bản nhạc “Happy New Year” vang lên từ cây đàn guitar của cậu con trai út mới mười tuổi.

Tưởng là ký ức nhưng đây lại là những giây phút hiện hữu, trong màn sương đêm ướt lạnh, cơ thể bỗng chốc trở nên ấm áp khi làn khói từ nồi bánh chưng tỏa ra nghi ngút, phảng phất hương thơm dịu dịu của gạo nếp ngon, hơi nồng nồng của lá dong đun kỹ và vị ngầy ngậy của mùi thịt ba chỉ chín tới.

“Cái hương thơm đó không thể cắt nghĩa được, nhưng nó đặc biệt đến nỗi chỉ cần hít hà là nhớ đến Tết, nhớ đến Hà Nội của những năm 80. Ngày đó, tôi mới hơn 20 tuổi là con áp úp song lại là trưởng trong một gia đình đông con. Tết đến nhà tôi gói rất nhiều bánh chưng, khoảng 25kg gạo.

Tôi cùng cha mình ngồi gói bánh, còng hết cả lưng mà sao vui đến thế. Mấy đứa cháu tíu tít xung quanh, mẹ tôi thi thoảng lại bước tới chế thêm ấm trà nóng cho cha. Cuối buổi, bao giờ cha tôi cũng gói riêng cho những đứa trẻ mấy cái bánh nhỏ và đánh dấu riêng bằng cái lạt, tùy theo yêu cầu đứa thì nhiều đỗ, đứa lại muốn có miếng thịt to,” chú Tú hào hứng kể.

Đất nước phát triển, nền kinh tế thị trường mang đến cho người dân đủ mọi thứ hàng hóa và bánh chưng trong ngày Tết cũng được cung cấp đầy đủ, đa dạng đáp ứng theo mọi nhu cầu của từng gia đình.

Trong khi, gói bánh chưng một công việc rất vất vả và mất nhiều thời gian, người nội trợ phải chọn mua gạo nếp, đỗ xanh sao cho thật ngon, những mớ lá dong bánh tẻ to bản, đều lá… Rồi dưới giá rét căm căm của những ngày Đông cuối năm, người ta lại phải tỉ mẩn nhặt từng hạt sạn trong gạo, đỗ; rửa lá dong, lau khô, rọc gáy… khiến không chỉ những ngón tay mà cả cơ thể cũng trở nên tê cứng vì lạnh.

Đến công đoạn gói và luộc bánh cũng không đơn giản, người gói phải khéo léo để chiếc bánh chưng được vuông vức, chặt tay vừa phải thì khi luộc gạo nở ra mà bánh vẫn không bị phình méo. Thời gian luộc bánh đòi hỏi từ 10 giờ đến 12 giờ và suốt thời gian đó người ta phải để ý tới việc tiếp lửa, tiếp nước… giữ cho bánh không bị cháy, chín đều và giền.

Hơn 20 năm rồi, giống như hầu hết các gia đình Hà Nội khác, nhà chú Tú không gói bánh chưng Tết mà đặt mua của những gia đình làm bánh truyền thống.

Song năm nay, kinh tế cũng khá giả và đời sống có phần ổn định, chú Tú lại quan tâm hơn đến một cái “Tết tinh thần” nên đã quyết tâm tổ chức gói bánh chưng cho gia đình, các chị và các cháu.

Cả tuần nay, mấy cô cháu dâu, cháu gái tất bật mua bán chuẩn bị nguyên liệu nhộn nhịp. Còn các cháu trai được chú Tú giao nhiệm vụ cùng gói bánh.

Tối đến, hơn chục thanh niên trai, gái, dâu, rể thay phiên cùng chú Tú trông nồi bánh. Những khúc nhạc, những lời ca cứ vang lên rồi tan đi giữa không gian đầy tĩnh mịch, màn đêm phủ dầy như tấm chăn lớn ôm choàng lấy họ. Rồi những ký ức đẹp trong gia đình được họ nhắc lại, ai đó bất chợt long lanh khóe mắt, người khác lại phảng phất nụ cười hạnh phúc trên môi.

“Tết đến có nồi bánh chưng là sướng nhất. Mấy năm rồi cứ bàn ra, bàn vào, ai cũng kêu bận… Song năm nay, tôi quyết rồi và dĩ nhiên tất cả chúng nó sẽ nghe lời. Phải cho con cháu một niềm vui, cho chúng một cái Tết ý nghĩa trong cuộc sống này chứ,” chú Tú vui vẻ nói.

Trong một hoàn cảnh khác, gói bánh chưng không phải để tìm lại không khí Tết xưa cũ mà đối với chị Nguyễn Thị Nga (Tây Hồ, Hà Nội) lý do đơn giản là vì chưa an tâm với vệ sinh an toàn thực phẩm ngoài chợ.

“Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, song ăn bánh mua ở ngoài mà cảm giác không yên tâm thì mất ngon, tâm lý phải thật thoái mái trong ngày Tết, điều này là rất quan trọng,” chị Nga chia sẻ.

Chồng đi vắng, hai đứa con đi học xa và thế là chị Nga mua 10kg gạo nếp, 3kg đỗ, 3kg thịt vai, rồi kỳ cạch một mình ngâm gạo, đồ đỗ, rửa lá, gói bánh… Đặc biệt là công đoạn gói bánh, do thiếu kinh nghiệm, chị Nga “đánh vật” với gạo, đỗ, lá dong, thành phẩm cuối cùng thì cái to, cái nhỏ thậm chí cái hình chữ nhật.

Sau đó, chị Nga dùng một cái nồi nhôm to vừa đủ xếp 25 chiếc bánh, đặt lên một bếp than đôi được nhồi bởi bốn viên than cháy hồng trong suốt mười giờ. Bánh chín, chị hớn hở vớt bánh ra, ngâm qua nước lạnh rồi nén chúng dưới tấm ván có đặt bên trên là mấy nồi nước lớn.

“Làm như thế sẽ giúp cho bánh được chắc và mịn. Mấy năm nay, chị đều gói bánh và chia cho mẹ cùng gia đình các em mỗi nhà mấy cái. Ngày Tết ai chả bận nhưng tự gói bánh là an tâm nhất. Mấy đứa cháu say sưa ăn bánh và còn dặn sang năm bác lại gói nữa nhé. Nghe mà mát cả ruột!” chị Nga chia sẻ. Đối với nhiều người, cuộc sống hiện đại làm cho cái Tết trở nên đơn giản hơn, nhạt nhẽo hơn, ít ý nghĩa hơn. Song, bất giác hương mùi già đâu đó phảng phất, khói bánh chưng mới vớt nghi ngút bay ra từ một ngôi nhà bên đường… hơi thở mùa Xuân lại ùa về và rõ ràng con người không dễ gì mà chối bỏ được hương vị Tết, một món quà, một đặc ân từ cuộc sống./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark