12/01/2012 | 12:12:00

Nói chuyện văn minh đô thị

Phố phường là bộ mặt của đô thị. Nhìn vào đó, người ta có thể đánh giá được trình độ dân trí của cộng đồng cư trú. Bởi ở đó có tất cả. Từ cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc nhà cửa, bố cục đường xá, trưng bày hàng hóa đến giao thông đi lại, trật tự vệ sinh, văn minh thương mại, lối sống và nếp sống văn hóa thể hiện qua giao tiếp, ứng xử và mọi mặt sinh hoạt của con người.

Nói đến văn minh đô thị là đề cập đến tất cả những vấn đề ấy. Một cách nói bao trùm và toàn diện.

Vì lòng mến khách, vì ý thức tự hào dân tộc, bà con sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền thành phố, vào cuộc hồ hởi, dù mỗi người, mỗi nhà đều phải chịu thiệt thòi và có những khó khăn riêng nhất định, phải hi sinh thói quen tùy tiện và cả quyền lợi của mình.

Nhờ vậy mà Hà Nội chúng ta được bao lời khen của bạn bè khu vực và du khách quốc tế về sự sạch đẹp phố phường, trật tự an ninh đô thị làm mát mặt cả nước. 

Tuy nhiên mới chỉ là sự khởi đầu của một cuộc đấu tranh cam go, gian khổ, phức tạp, nhằm thay đổi nếp sống tùy tiện, cẩu thả, không tôn trọng luật pháp, đã diễn ra và trở thành quen thuộc nhiều năm qua, làm mất đi những nét đẹp thanh lịch truyền thống của người Hà Nội.

Thủ đô bao giờ cũng là đất hội tụ. Hội tụ con người, hội tụ nghề nghiệp, hội tụ văn hóa, hội tụ phong tục tập quán và lối sống của bốn phương đất nước. Lại còn là hội tụ đầu mối giao lưu thông thương với bạn bè toàn cầu. Hội tụ cả tinh hoa lẫn cái chưa hay, chưa đẹp. Công dân Hà Nội có đủ mọi lớp người của đủ các miền của Tổ quốc; không dễ gì ngày một ngày hai họ đã hội nhập được vào nếp sống văn minh đô thị.

Có điều, trước hết phải làm cho tất cả mọi người - từ bất cứ đâu tới cũng như người Hà Nội gốc - phải tự hào mình đã là người Hà Nội, phải sống theo phong cách Hà Nội, văn hóa Hà Nội, không thể khác.

Con người là nhân tố quyết định. Xây dựng con người là công việc cơ bản của xây dựng đời sống văn hóa - một biểu hiện của văn minh. 

Con người ở đây là nói đến cả dân cư trú ở đô thị và người được giao trách nhiệm quản lý đô thị. Dân phải tôn trọng và chấp hành kỷ cương của thành phố; người quản lý phải gương mẫu, nghiêm túc, công minh trong thực thi nhiệm vụ.

Bệnh mới chớm biết ngay, chuẩn đoán nguyên nhân chữa trị kịp thời bao giờ cũng tốt hơn là để dây dưa kéo dài, đau nặng thêm và nhất là “nhờn thuốc” rất khó lành.

Người làm công tác quản lý đô thị phải có tầm nhìn xa, trông rộng, quy hoạch phải mang tính chiến lược, vĩ mô, để ít ra cũng nửa thế kỷ sau không lạc hậu; phải tập hợp được quanh chính quyền thành phố những chuyên gia có tài và có tâm về các mặt kiến thiết và kiến trúc đô thị. Chưa biết thì học hỏi bốn phương nhưng phải trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh, cách làm phù hợp với ta, chứ không phải đi “bê” nguyên si của người ta về. Và như thế, liệu bản sắc dân tộc của đô thị sẽ còn gì?

Mọi cái mất trật tự kỷ cương phải nhìn từ hai phía. Về người dân, phải thấy rõ chỗ nào do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức gây ra; chỗ nào do thực tế của hạ tầng cơ sở bất cập mà buộc phải làm liều. Về phía người quản lý, đã hết lòng vì đời sống của nhân dân mà phục vụ chưa; đã có những biện pháp gì để cho dân đỡ khó khăn hơn trong thực hiện văn minh đô thị và đã công bằng dân chủ trong xử lý các vi phạm?

Phá bậc cầu xe làm tắc nghẽn cống thoát nước, mất mỹ quan là đúng… Nhưng làm gì đây để cho những phụ nữ nặng trên dưới 40 kg đẩy được chiếc xe máy hàng tạ lên hè cao mỗi ngày hàng chục lần (đi làm, đi chợ, đi chơi...) là không thể không quan tâm. Như đã có ý kiến, cần có đường lên xuống cho người khuyết tật đẩy xe lăn ở các công trình công cộng.

Hoặc như cấm để xe máy, xe đạp trên vỉa hè thì phải tạo chỗ gửi xe gần  nhất cho người ta, chứ đưa xe vào cả trong cửa hàng thì thật là được văn minh vỉa hè lại mất văn minh mỹ quan nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, một khâu làm giàu cho kinh tế Thủ đô, mà còn đâu văn minh thương mại.

Mặt khác, trong quá trình lập lại kỷ cương trật tự văn minh đô thị, nhất thiết bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục phải có  biện pháp mạnh trong xử lý vi phạm. Bài học kinh nghiệm về phạt giữ xe trong trật tự an toàn giao thông đã tác động rõ rệt, cần được phổ biến sang các lĩnh vực khác.

Hãy chọn cái gì bức xúc làm trước, đừng tham lam ôm đồm, muốn mọi cái phải đi vào nền nếp ngay là không tưởng. Đồng thời, khi đã cương quyết thì phạt hành chính với tất cả những ai vi phạm, không loại trừ một ai để đảm bảo công bằng xã hội. Cũng cần nghĩ đến việc cán bộ quản lý nếu buông lỏng, nếu không làm tròn trách nhiệm về công việc được giao thì xử phạt thế nào? Ai phạt? Hay lại phải lập Ban thanh tra cấp trên, thanh tra Ban thanh tra cấp dưới?

Chỉ mới bày ra thôi đã thấy văn minh đô thị quả là công việc phức tạp, gỡ rối phải bình tĩnh, tìm ra nguyên nhân chủ yếu, đề ra được cách chữa trị cả với người dân thi hành pháp luật và người quản lý đô thị.
Không thể sốt ruột, mà cũng không thể chần chừ, nghe ngóng. Phải bắt đầu vận   hành từ bộ máy và lực lượng quản lý đô thị trở đi, từ cấp chính quyền cơ sở lên…

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark