16/11/2012 | 19:17:00

Phố Hoàng Hoa Thám

Chợ Bưởi đầu phố Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Vũ Hưng)

Nói đến Bắc Giang, nay người ta nghĩ ngay đến cây vải thiều trên đất đồi Lục Ngạn.

Nhưng trước đây mấy chục năm, Bắc Giang gắn liền với tên tuổi một người anh hùng áo vải, có thực, kiên dũng, và trở thành huyền thoại, đó là Đề Thám, tức Hoàng Hoa Thám, người lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống Pháp suốt mấy chục năm trời trong thế yếu cả về thế và lực, nhưng không chịu đầu hàng.

Do thân phụ là Trương Văn Thận có tham gia cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn nhưng thất bại, phải tự sát, người chú của ông là Trương Văn Thân đem cháu lên Sơn Tây rồi Yên Thế lánh nạn, đổi tên mình là Hoàng Quát và đổi luôn tên cháu là Hoàng Hoa Thám.

Thời điểm ấy cả hai chú cháu chắc cũng chưa thể nghĩ rằng cái dòng tên Hoàng Hoa Thám sẽ thành cái tên Hùm xám Yên Thế, gắn liền với một khu vực rừng núi của Bắc Giang ngàn năm vẫn còn sáng chói cùng lịch sử dân tộc.

Ngày nay, Hoàng Hoa Thám đã là một danh nhân, một võ tướng, một con người Việt Nam kiệt xuất. Có khi người ta quên ông là người của Hưng Yên hay Bắc Giang, mà chỉ nhớ đó là một người Việt Nam, một người con của Việt Nam.

Hà Nội có một phố, hay gọi là một đường cũng được, mang tên ông. Phố Hoàng Hoa Thám, từ ven nội đã nằm gọn trong đất nội thành, thuộc quận Ba Đình, dài hơn 3km (theo Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá thì dài 3.320m).

Con phố bắt đầu từ cuối phố Phan Đình Phùng chỗ vườn hoa Tây Hồ, đầu kia gặp phía sau chợ Bưởi. Con đường này xưa dân quen gọi là Đường thành do có một đoạn thành cũ, cũng là mặt đê khá cao, mà đầu thế kỷ này còn là nơi tây đầm, quan chức thuộc địa dạo chơi bằng xe kéo (pousse pousse), phía đông nó còn có một con lạch mà chỉ một bước nhảy cũng qua.

Núi Voi nằm trong nhà máy bia. Núi Cung, giữa làng Đại Yên và Vĩnh Phúc cũng không còn. Chỗ trong vườn Bách Thảo còn một ngọn núi (thực ra chỉ cao hơn 10m, đáng gọi là gò thôi) nguyên là đất của Trại Hoàng Hoa, trên núi mọc nhiều cây hoa sưa, khoảng giữa tháng hai âm lịch hoa nở trắng ngần như tuyết, nên núi này gọi là núi Sưa, tên chữ là Sưa Sơn, mà lâu nay rất nhiều người gọi nhầm là núi Nùng hoặc núi Khán.

Núi Nùng ở trong thành đã bị Pháp bạt đi, núi Khán ở chỗ nay là Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương, từng có trường Albert Sareaut.

Dọc đường Hoàng Hoa Thám mươi năm trước còn hoang vu, nay đã sầm uất chẳng kém một đường phố nào khác của Hà Nội. Dấu vết sân Quần Ngựa cũng đang bị mờ nhạt dần.

Ta gặp trên đường này bệnh viện A nay là Viện chống lao, Xí nghiệp phim Tài liệu lịch sử, Cục Bản Quyền Việt Nam, Cục Điện ảnh, nhà máy bia, ngã ba rẽ vào Hữu Tiệp, nơi lưu giữ chiếc máy bay B.52 bị rơi xuống hồ làng hoa, trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo... cùng nhiều cửa hàng bán xăng, bán đồ gỗ, các khách sạn... bên những cây găng tây cổ thụ đầy gai nhọn từ gốc đến cành.

Cũng có thể gặp ở đây nhiều người khá nổi tiếng của Hà Nội đương thời như họa sĩ Lê Huy Hòa (mới mất); họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Lê Huy Quang, người trang trí cho hàng trăm vở kịch, đại tá bác sĩ về hưu Lê Trọng đi làm tượng bằng gốc cây được trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật trung ương, nhà thơ Vân Long mới chuyển về, thường phải đứng ngay trên mặt đường để đón khách vào cái ngõ ngoằn nghèo vì nhà chưa có số.

Cuối đường Hoàng Hoa Thám là một cái chợ bán cây cảnh đủ loại, hình như lúc đầu chỉ là khu cảnh của chợ Bưởi, nhưng nó tràn ra đây, phát triển mạnh để đáp ứng thú chơi cây và hoa của người Hà Nội ngày nay.

Hình như trên đất nước Việt Nam, địa phương nào cũng có những con người kiệt hiệt. Riêng Hà Nội với khoảng 400 đường phố hiện nay mang tên những anh hùng, liệt nữ, thi bá, văn hào...

Dường như những tên tuổi kia đều được nhập vào lòng mình, vào Hà Nội, mà phố Hoàng Hoa Thám là một, hay như Yên Thế, cái địa danh lừng lấy ấy cũng còn được đặt cho một ngõ nhỏ nối phố Nguyễn Thái Học (nguyên là phố Hàng Đẫy) sang phố Nguyễn Khuyến (nguyên là phố Sinh Từ), có chỗ hẹp, hai cái xe đạp cũng phải xuống dắt để tránh nhau.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế với Hoàng Hoa Thám, Hùm thiêng Yên Thế đã lùi vào lịch sử gần thế kỷ. Cụ Hoàng cũng đã thành người thiên cổ. Nhưng anh linh người xưa vẫn còn đây khi ta đi trên con đường của Hà Nội, của đất nước./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark