12/08/2010 | 15:20:00

Phu nhân vua Lý Thần Tông với hát Xoan Phú Thọ

Biểu diễn hát Xoan. (Nguồn: Internet)

Bà Lê Thị Lan Xuân hiệu Phụng Thánh phu nhân, vợ thứ tư vua Lý Thần Tông, là người có công bảo tồn và phát triển vốn hát Xoan Phú Thọ.

Bà là cháu năm đời vua Lê Đại Hành (Tiền Lê). Ông nội của bà là Phò Ký úy giữ chức quan sát sứ châu Chân Đăng (địa bàn hai bên bờ sông Hồng từ Tam Nông Lâm Thao trở ngược), lập phủ ở Hương Tuế Phong (vùng Hương Nộn Tam Nông), rồi trở thành quê hương.

Vì vậy, sau khi Vua Lý Thần Tông mất (năm 1137), bà trông coi lăng tẩm tám năm, rồi rời kinh đô Thăng Long trở về Tuế Phong lập chùa Diên Linh Phúc Thánh trên núi Ngọc Phác tu hành. Sau khi bà mất được nhân dân tạc tượng thờ trong chùa.

Thời gian này ở các làng Kim Đơi, Thét, Phù Đức (nay thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) và làng An Thái (nay thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) có các phường múa hát Xuân đi biểu diễn ở các hội làng. Điệu múa hát Xuân khởi từ thời Vua Hùng, chỉ hát trong mùa Xuân, bước sang các mùa Hạ, Thu, Đông thôi không hát nữa.

Tương truyền có bà vợ Vua Hùng khi đau đẻ vật vã đã cho vời phường Xuân đến hát, nghe thấy đỡ đau. Công chúa Nguyệt Cư con Vua Hùng Nghị Vương (thứ 17) thuở bé rất thích hát Xuân, không được nghe thì khóc, lớn lên nàng đứng ra tổ chức họ lại thành các phường quy củ, và nhắc nhở các làng chạ khi có mở hội thì mời họ đến múa hát góp vui.

Bà Lê Thị Lan Xuân hiểu giá trị văn hóa nghệ thuật tuyệt vời của điệu múa hát này thường cho triệu phường Xuân đến Hương Nộn biểu diễn. Rồi bà sốt sắng giúp đỡ họ về tổ chức, bài bản. Một mặt bà tạo điều kiện cho họ đến múa hát ở các đình đền thờ Vua Hùng. Một mặt bà cho sưu tầm các câu hát truyền miệng ghi vào sách vở, tất cả gần 2.000 câu.

Bà bàn bạc với những người am hiểu trong các phường chia ra từng tiết mục rành mạch gồm có năm đoạn lề lối; 14 đoạn quả cách; chín giọng vặt là. Đó là bài bản hát Xuân (Xoan).

Để tỏ lòng biết ơn bà, các phường Xuân kiêng tên bà gọi chệch đi là hát Xoan. Hàng năm mở đầu mùa hát Xoan, bao giờ phường Xoan cũng phải đến Hương Nộn cúng bà và múa hát hầu thánh. Cũng vì lẽ đó mà người ta gọi Hương Nộn là Kẻ Xoan.

Đến thời Hậu Lê, cuối thế kỷ 15 hai ông tiến sỹ Đỗ Nhuận và Thân Nhân Trung đều là phó soái hội tao đàn của Vua Lê Thánh Tông, nổi tiếng giỏi văn thơ, mới sửa sang lại bài bản Xoan. Một mặt đưa nghệ thuật ca từ của lời Xoan lên trình độ cao lưu loát bóng bẩy, một mặt du nhập thêm vào nội dung Xoan những chi tiết không phải của thời Hùng Vương (vì vậy có một số nhà nghiên cứu bị lầm lẫn về bối cảnh lịch sử dẫn đến nhận định sai bản chất của Xoan).

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 trên địa bàn hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên có 17 làng mở hội có đón phường múa hát Xuân. Các đình làng này có vài đình thờ các vị có công với nước khác, và làng Hương Nộn thờ chính bà Lan Xuân có công với phường Xoan. Còn toàn bộ là đền thờ Vua Hùng và ba tướng Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh.

Những làng này nước nghĩa với phường Xoan và bốn phường Xoan cũng nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào kép Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa.

Mỗi phường Xoan có một ông Trùm quản lý sáu kép và 12 đào tuổi từ 18-20, vóc người cao ráo xinh xắn. Sở dĩ số kép ít hơn đào là vì còn có nam thanh niên của làng sở tại tham gia vào vai phụ.

Tùy theo hoàn cảnh của mỗi làng mà phường Xoan có thể biểu diễn cả ba đêm hay hai đêm, một đêm với chương trình đầy đủ hay rút gọn. Họ hát bằng nhiều giọng khác nhau, có lúc dùng điệu bộ chân tay, có lúc múa nhẩy kèm theo trống phách đưa đệm.

Điệu múa hát Xoan tồn tại hơn 2.000 năm nay, là một di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Nó được ra đời bởi năng khiếu văn nghệ bẩm sinh của cư dân nông nghiệp vùng ngã ba sông Hồng, Lô, Đà. Trên chặng đường dài nó được nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội, nhiều văn nhân thi sĩ nâng đỡ tạo điều kiện cho phát triển. Trong đó có phần công lao quan trọng của bà Lê Thị Lan Xuân vợ vua Lý Thần Tông, mà phường Xoan truyền tụng như một ân nhân./.

Vũ Kim Biên (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark