04/02/2012 | 09:11:00

Phụ nữ Việt Nam với công tác bảo vệ môi trường

Từ Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Môi trường&Phát triển Bền vững tại Rio-de Janerio (Brazil) năm 1992 đến nay, vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được thừa nhận và ngày càng nâng cao, được cộng đồng quốc tế ghi nhận mạnh mẽ.

Lực lượng nòng cốt trong BVMT

Theo tính toán của các nhà khoa học, hiệu suất và sức lao động của nữ giới luôn cao hơn nam giới vì thiên chức phụ nữ phải gánh vác nhiều công việc khác, trong đó bao gồm những việc liên quan đến môi trường. Khi ý thức bảo vệ môi trường của phụ nữ được nâng cao, thì từ trong nhà, ngoài ngõ, khu dân cư, công sở đều sạch đẹp, trong lành, văn hóa.

Đặc biệt, khi tham gia công tác BVMT, họ không đòi hỏi về chế độ thù lao mà hoàn toàn với tinh thần tự giác, tự nguyện. Phụ nữ cũng là lực lượng quan trọng trong việc chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, cấp Hội biện pháp thực thi BVMT hiệu quả.

Một số mô hình BVMT được phụ nữ đề xuất, xây dựng đang phát triển ngày càng nhiều và duy trì hoạt động hiệu quả như: Phụ nữ tự quản BVMT; phong trào phụ nữ tự quản xử lý rác thải; làng văn hoá, sức khoẻ gắn với vệ sinh môi trường; phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo gắn với BVMT...

Xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội là địa phương có ngành nghề thủ công và dịch vụ phát triển. Những năm gần đây, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nhưng cũng chính vì vậy mà khối lượng chất thải rắn hàng ngày cũng rất lớn.

Trước tình hình đó, Hội Phụ nữ Xã đã thành lập các đội thu gom rác ở 11 thôn, cụm dân cư, mỗi đội có từ 4 đến 5 người, đồng thời hợp đồng với Công ty Vệ sinh môi trường huyện đảm nhận việc vận chuyển và xử lý.

Việc thu gom rác được tiến hành hàng ngày, việc thu phí vệ sinh cũng do Hội phụ nữ tự quyết định mức thu. Hiện nay, mức thu cao nhất là 2.000 đồng/hộ/tháng và thấp nhất là 1.000 đồng. Kinh phí thu được sử dụng trả thù lao cho người lao động, mua dụng cụ và một phần trích vào quỹ đoàn thể có người tham gia lao động.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác môi trường của Đại Đồng từng bước được đảm bảo. Thời gian tới, Đại Đồng dự kiến thành lập Công ty Vệ sinh môi trường để đảm nhiệm công tác vệ sinh cho các xã khác.

Bản Tòng Trú 1, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một trong những thôn nghèo khó nhất của huyện. Hội phụ nữ xã đã chủ động đề xuất chọn bản Tòng Trú 1 làm mô hình kinh tế sinh thái. Ngay sau khi được lựa chọn thực hiện mô hình, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức họp dân, duy trì họp giao ban mỗi tháng một lần có sự tham gia, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Mỗi buổi họp đều xác định nội dung cụ thể, đánh giá tiến độ thực hiện và công việc tiếp theo; cách thức, biện pháp thực hiện đối với từng nội dung của mô hình cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

100% hộ dân bản đã được cấp nguyên vật liệu xây bếp cải tiến tiết kiệm củi, xây nhà vệ sinh hai ngăn, cấp trên 100.000 cây lâm nghiệp, 6.500 cây ăn quả (gồm vải thiều, xoài ghép, bưởi, hồng xiêm, đu đủ...); hỗ trợ kinh phí vệ sinh môi trường làng bản, xây dựng công trình nước sạch nông thôn...; 100% chị em dự các tập huấn về quy trình, các bước tiến hành, kỹ thuật trồng cây ăn quả, canh tác trên đất dốc, quy cách xây dựng bếp tiết kiệm củi...

Qua đó, mô hình đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phong tục tập quán lạc hậu; từng bước nâng cao ý thức BVMT, đảm bảo sức khoẻ gắn với xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở địa phương.

Theo số liệu thống kê, lực lượng tham gia vào công tác chuyên môn về môi trường như dọn vệ sinh đường, hè phố; thu gom rác, dịch vụ môi trường đa số là nữ giới. Mặc dù, đặc thù công việc chuyên môn vệ sinh môi trường độc hại, nặng nhọc, chế độ ưu đãi, thu nhập không cao cùng với các thành kiến của xã hội đối với nghề này, song xuất phát từ phẩm chất, tình yêu nghề nghiệp, trách nhiệm trước xã hội và cộng đồng, hiếm thấy chị em bỏ nghề.

Chị Phạm Thị Hường, công nhân Công ty Môi trường&Đô thị Quảng Ninh, cho biết, dù đã gắn bó hơn 20 năm với nghề dọn vệ sinh môi trường nhưng chưa khi nào chị nghĩ rằng mình sẽ bỏ nghề hoặc chuyển nghề, mặc dù đây là nghề nhiều người không mặn mà. Hàng vạn những người công nhân như chị Hường đang ngày đêm góp phần làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.

Phối hợp hành động phục vụ sự phát triển bền vững

Đứng trước các vấn đề môi trường, Bộ Tài nguyên&Môi trường cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch về việc phối hợp hành động BVMT phục vụ sự phát triển bền vững. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của giới nữ đối với công tác BVMT.

Mục tiêu của Nghị quyết liên tịch là nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên, quần chúng phụ nữ trong lĩnh vực BVMT nhằm từng bước thay đổi những hành vi, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, có ý thức sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn minh vì sự phát triển bền vững, công bằng và tiến bộ xã hội của đất nước; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia BVMTấcác chương trình công tác trọng tâm của hội đề ra; đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng mô hình phụ nữ tham gia BVMT ở các cấp Hội, đặc biệt chú trọng ở những nơi có các vấn đề môi trường bức xúc, đòi hỏi sớm được giải quyết, góp phần phòng, chống ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện môi trường sống và làm việc của cộng đồng.

Hằng năm, trên khắp đất nước, các cấp Hội phụ nữ đã thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục BVMT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hay tổ chức mít tinh cổ động, hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ BVMT; tích cực tham gia hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới hằng năm; chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn; tham gia Câu lạc bộ phụ nữ tự quản BVMT và các hoạt động truyền thông giáo dục khác nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của phụ nữ tham gia BVMT; thực hiện phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp" gắn với việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", phụ nữ luôn là lực lượng tham gia hăng hái nhất.

Trước đây, môi trường là vấn đề chung chung nhưng qua các hoạt động về môi trường có sự tham gia của giới nữ, công tác BVMT từng bước được nâng cao và cụ thể hơn. Theo báo cáo tổng hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trên cả nước hiện có 55.889 tổ/đội/nhóm/câu lạc bộ phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, thì phần lớn trong đó là tổ/đội/nhóm/câu lạc bộ phụ nữ tự quản vệ sinh môi trường, câu lạc bộ phụ nữ tham gia BVMT, tổ phụ nữ thu gom rác... góp phần cải thiện môi trường trong sạch.

Ở nước ta, cơ cấu dân số là nữ chiếm tỷ lệ lớn, trên 51%, đồng thời cũng là lực lượng chi phối vừa trực tiếp vừa gián tiếp đến môi trường và công tác BVMT, bởi ở bất cứ giai đoạn nào, phụ nữ luôn là lực lượng đông đảo, có tinh thần nhiệt huyết cao trong hoạt động xã hội nói chung cũng như công tác BVMT nói riêng.

Đặc biệt, đến nay chỉ còn một thời gian ngắn nữa (chưa đến một năm) là cả nước sẽ tiến hành tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong khoảng thời gian từ nay đến đó, ngoài việc cả nước phải gấp rút hoàn thành các công trình dự án trọng điểm, mọi địa phương trên cả nước, nhất là Thủ đô trong đó lực lượng chị em phụ nữ là nòng cốt, đều cần phải tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bằng cách giữ gìn trong nhà ngoài phố, nơi xóm ngõ sạch đẹp, phong quang. Với vai trò như vậy, phụ nữ Việt Nam trong đó có phụ nữ Thủ đô, sẽ càng vất vả và bận rộn hơn./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark