22/10/2009 | 11:25:00

Quận Cầu Giấy

Đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Internet)

Quận Cầu Giấy nguyên là vùng đất được cả nước biết đến từ xa xưa về truyền thống văn hóa, hiếu học, về nếp sống văn minh, thanh lịch mang đậm đà bản sắc Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây chính là một trong “Tứ danh hương”: Mỗ-La-Canh-Cót” của đất kinh kỳ Thăng Long xưa.

Vị trí địa lý

Quận Cầu Giấy nằm ở phía Tây nội thành Hà Nội. Phía Đông giáp quận Đống Đa và quận Ba Đình; phía Tây giáp huyện Từ Liêm; phía Nam giáp quận Thanh Xuân; phía Bắc giáp quận Tây Hồ.

Diện tích : 12,04 km2.

Dân số: khoảng 201.600 người ( năm 2009).

Về lịch sử hình thành

Năm 1831, Cầu Giấy là vùng đất của huyện Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, vùng đất Cầu Giấy thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội.

Từ năm 1961, vùng đất Cầu Giấy thuộc huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội.

Ngày 22/11/1996, Chính phủ ra Nghị định số 74-CP thành lập quận Cầu Giấy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các thị trấn: Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch và các xã Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa của huyện Từ Liêm. Quận Cầu Giấy khi mới thành lập gồm 7 phường: Quan Hoa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Dịch Vọng, Yên Hòa và Trung Hòa.

Ngày 5/12005, Chính phủ ra Nghị định số 02/2005/NĐ-CP thành lập phường Dịch Vọng Hậu thuộc quận Cầu Giấy trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của phường Quan Hoa và phường Dịch Vọng.

Các đơn vị hành chính

Quận Cầu Giấy hiện nay có 8 phường là: Quan Hoa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa, Dịch Vọng Hậu.

Trụ sở UBND quận: tại số 36 phố Cầu Giấy.

Tình hình kinh tế-xã hội

Từ một vùng đất ven đô, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kinh tế còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, giờ đây Cầu Giấy là quận nội thành với kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng văn minh hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được bảo đảm.

Về kinh tế:

Những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của quận Cầu Giấy bình quân đạt 30%, thu ngân sách bình quân tăng 64%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng ngày càng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ-công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2008, tổng thu ngân sách của quận đạt 1.100 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động thương mại-dịch vụ đạt 21.500 tỷ đồng; Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng cơ bản đạt 3.500 tỷ đồng.

Hiện nay, quận đang có 3 xu hướng đô thị hóa: Hình thành các trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ mới; mở rộng đô thị từ các phường ven đô tới các nơi xa hơn; chuyển đổi những vùng nông thôn có điều kiện phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa hình thành các đô thị, các trung tâm buôn bán. Năm 2008, quận đã đầu tư cho xây dựng 176 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng vốn đầu tư 412,7 tỷ đồng.

Về làng nghề truyền thống: Cầu Giấy là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống như: Làng nghề Nghĩa Đô làm giấy sắc, Làng Cót – Yên Hòa làm giấy bản, giấy moi, quạt giấy. Làng Vòng – Dịch Vọng chuyên làm cốm, làng Giàn có nghề làm hương.

Lao động việc làm: Hàng năm quận đã tạo việc làm cho 3500-4000 lao động. Năm 2008, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 4.880 lao động; trong đó lao động có đào tạo đạt 55%.

Về văn hóa-xã hội:

Quy mô giáo dục của quận phát triển toàn diện ở các ngành học, cấp học với 52 trường học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Năm 2008, có 16 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 12 trường công lập và 4 trường ngoài công lập).

Công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình được chú trọng. Ngành y tế tại 8 phường đạt chuẩn quốc gia.

Các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng

Trên địa bàn quận Cầu Giấy có nhiều di tích lịch sử-văn hóa như chùa Dụ Ân, chùa Hoa Lãng, chùa Hà, đền thờ Tướng quân Trần Công Tích và miếu thờ hai chị em họ Lê có công giúp vua Lê Đại Hành phá quân Tống v.v.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark