16/01/2012 | 17:53:00

Quy hoạch và quản lý Hà Nội thời kỳ cận hiện đại

Lịch sử Thủ đô Hà Nội đã qua gần nghìn năm. Trong cả nghìn năm đó, bao nhiêu sức lực con người, từ thời Lý, Trần, Lê… cho tới Nguyễn, rồi Pháp thuộc, rồi sau cách mạng đã đóng góp và bồi đắp nên để ta có được bộ phận quý giá nhất của giang sơn gấm vóc bốn nghìn năm; đó là một Thủ đô thanh bình, Thủ đô của hòa bình ngày hôm nay.

Một khung cảnh thiên nhiên được khởi đầu bằng việc định đô Thăng Long của nhà vua anh minh Lý Công Uẩn, cùng với nhận định sáng suốt về “nơi tụ hội bốn phương, nơi Kinh đô bậc nhất của muôn đời” đã dần mọc lên một đô thành, một thành thị có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước.

Trong gần nghìn năm xây dựng và phát triển, tuy không có một bản đồ quy hoạch như ta hiểu ngày nay, nhưng nhờ vào sự nhìn nhận sáng suốt về thế núi, thế sông, các triều đại phong kiến nước ta đã tạo dựng những gì cần có cho một “thành thị quân vương” luôn phát triển qua nhiều thế kỷ. Nhìn nhận về đô thị học, Thăng Long xây dựng và quản lý không khác nhiều các vùng nông thôn. Nhưng chốn đô thành này đã chuyển mình đi vào đời sống của đô thị hiện đại từ khoảng một thế kỷ nay, từ khi có việc xây dựng của người Âu trên địa bàn Hà Nội.

Quy hoạch Hà Nội thời cận đại

Việc triển khai những công trình xây dựng của người Pháp ở Hà Nội gắn liền với những kế hoạch “khai thác thuộc địa” ở hai thời kỳ 1885 - 1920 và 1920 - 1945. Thời kỳ đầu việc xây dựng được triển khai từ khu “nhượng địa” phía Đông Nam Thành phố giáp sông Hồng với nhiều công trình của quân đội có phong cách kiến trúc “thực dân tiền kỳ”. Tiếp đến những công trình hành chính quan trọng ở phía Đông Hồ Gươm (Tòa Đốc lý, Dinh Thống sứ, Phủ Thống sứ, Ngân hàng Đông Dương, Khách sạn Chính quốc). Tổng thể kiến trúc tạo nên một trục không gian đăng đối, từ nhà Ngân hàng qua vườn hoa Paul Bert nhìn thẳng ra Hồ Gươm.

Thời kỳ thứ hai việc khai thác thuộc địa được đẩy mạnh hơn, Chính phủ Pháp thúc đẩy việc đầu tư vào Đông Dương, nhiều công trình hành chính và kinh tế quan trọng được xây dựng ở Hà Nội, hình thành nên những “khu phố Tây” khang trang, có không gian kiến trúc thực sự mới mẻ theo kiểu châu Âu. Nhiều kiến trúc sư giỏi người Pháp được cử sang phụ trách việc phát triển đô thị.

Năm 1921, Sở Kiến trúc và Đô thị được thành lập với người đứng đầu là KTS Enest Hébrard. Năm 1924, bản quy hoạch đô thị do ông thiết lập tạo cơ sở cho việc quản lý đô thị (theo đạo luật Comudet của Pháp). Mọi công trình xây dựng phải tuân Thủ đồ án quy hoạch và phải có sự phối hợp để tạo ra những không gian đô thị cân đối với bố cục chặt chẽ, có tính tượng trưng, nhấn mạnh trọng điểm. Nhìn trên bản đồ có thể thấy rõ: ngoài việc chỉnh trang khu “36 phố phường”, Thành phố mở ra những khu xây dựng mới theo “quy hoạch kẻ ô”, tạo thành những đại lộ, những ô phố khang trang mà nay ta còn thấy rõ ở những “khu phố Tây”.

Một khu công viên rộng lớn được mở ra ở phía Tây hồ Tây, gắn kết với một số khu vui chơi, thể dục thể thao tạo thành dải cây xanh thoáng đãng ở phía Tây Thành phố (trong đó có sân Quần Ngựa đã được thực hiện và để lại dấu tích về sau).

Khu thành Hà Nội cũ được kẻ ô và có thêm các đường chéo tụ hội vào Quảng trường Ba Đình, có ý nhấn mạnh công trình quan trọng nhất là Phủ Toàn quyền Đông Dương. Sự đăng đối với những trục không gian hoành tráng theo đúng “kiểu Paris” nhưng cũng vì thế đã phạm phải một “sai lầm chết người”, đó là việc mở đường chéo từ cửa Nam thành cũ tới Quảng trường Ba Đình (nay là đường Điện Biên Phủ), cắt chéo một góc thành cũ và hoàn toàn không phù hợp với những gì còn lại của tòa thành cũ, đặc biệt với công trình quan trọng là tháp Cột cờ. Những gì còn lại của thành Hà Nội cũ hình như đã không có ý nghĩa gì dưới bàn tay nhà quy hoạch người Pháp này. Cũng không thể trách được vì lúc đó Chính quyền Thực dân đã phá hủy tường thành, lấp đầy các hào thành, dấu tích thành xưa chẳng còn gì nhiều.

Vào năm 1943 lại có bản đồ quy hoạch khác do Phó giám đốc Sở Kiến trúc và Đô thị Louis - Georges Pineau thực hiện. Ông tới Hà Nội năm 1930, kế tục công việc của Emest Hébrard và có tinh thần nghiên cứu kiến trúc bản địa. Ông đã có nhiều bản vẽ ghi rất kỹ và đẹp những dãy nhà phố ở khu Phố cổ, đã trình bày và rất được hoan nghênh tại triển lãm về thuộc địa ở Paris nhiều năm trước.

Bản quy hoạch của Pineau giảm bớt phần mở rộng lên phía Tây Hồ Tây, triệt để khai thác phần đất trong phạm vi vành đai đường Láng (ven sông Tô Lịch), tận dụng đất cao xây dựng nhà ở, đất thấp cho các khu cây xanh. Ngoài một số trục đường chính kiểu hướng tâm, còn lại là chia ô để tiến tới việc phân lô được dễ dàng. Vào lúc này tình hình không có nhiều thuận lợi để triển khai những công trình lớn và hoành tráng, mặt khác thế giới có chiến tranh đã hạn chế việc đầu tư của tư bản Pháp vào Đông Dương, từ đó bản quy hoạch cũng không đi vào thực tiễn được bao nhiêu. Chỉ sau hai năm quy hoạch này, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nổ ra đã chấm dứt mọi ý đồ quy hoạch có liên quan đến Chính quyền Thực dân.

Một giai đoạn mới về quy hoạch của Thủ đô Hà Nội được mở ra sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại và Thủ đô Hà Nội được giải phóng vào năm 1954. Sau mấy năm đầu phục hồi kinh tế, Thủ đô Hà Nội đi vào giai đoạn phát triển mới và vấn đề lập quy hoạch phát triển đô thị được đặt ra. Nhà nước đã nhờ các nước xã hội chủ nghĩa khi đó, mà trước tiên là Liên Xô giúp đỡ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đồng thời tiến hành việc đào tạo đội ngũ cán bộ để thực hiện công việc đó. Tại Cục Đô thị Nông thôn (ĐTNT) Bộ Kiến trúc (khi đó ở phố Hàng Tre) đã mở các lớp để giảng dạy cho cán bộ trong ngành về quy hoạch và xây dựng đô thị, người dạy là các KTS, các KS Liên Xô và người học là cán bộ Cục ĐTNT cùng với cán bộ chuyên môn ở các địa phương toàn miền Bắc cử về (để sau về phục vụ công tác Quy hoạch đô thị tại địa phương). Các chuyên gia giảng dạy đã có những bài giảng về Quy hoạch xây dựng đô thị (về kiến trúc và cả các vấn đề kỹ thuật đô thị) đồng thời cũng có sự hướng dẫn về nghiệp vụ, như việc làm các loại bản đồ, các công việc can, họa, tô màu… theo đúng quy cách làm bản đồ đô thị ở các nước XHCN khi đó.

Việc học lý thuyết gắn liền với tiến hành song song với việc lập quy hoạch đô thị cho Thủ đô Hà Nội cũng do các chuyên gia Liên Xô phụ trách. Liên Xô đã được coi là có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về quy hoạch và xây dựng đô thị, qua việc phục hồi và xây dựng mới hàng loạt thành thị bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh chống phát xít Đức. Kiến thức về quy hoạch và xây dựng đô thị từ đây dường như đã được phổ cập trong toàn “phe XHCN” khi đó. Hiển nhiên các KTS thế hệ đầu tiên ở nước ta có vai trò chủ chốt. Ở Cục ĐTNT khi đó cũng chính là những người tiếp thu đầy đủ nhất những kiến thức này. Đó là các KTS Hoàng Như Tiếp khi đó là Cục phó cục ĐTNT, KTS Ngô Huy Quỳnh khi đó là người phụ trách chính về quy hoạch Thủ đô Hà Nội (đồng thời cũng là cầu nối quan trọng trong công việc giữa Việt Nam và Liên Xô do ông có dịp học tập nhiều năm ở Liên Xô), KTS Đàm Trung Phường, KTS Khổng Toán… đều là những cán bộ chủ chốt ở Cục ĐTNT khi đó.

Công việc này được diễn ra trong nhiều năm, riêng việc lập quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội được tiến hành qua rất nhiều đợt, có thể coi là một “kênh thông tin” rất quan trọng để đưa kiến thức về quy hoạch và xây dựng đô thị vào Việt Nam, thông qua việc làm quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Tiếp theo Hà Nội, các thành phố khác cũng được các nước XHCN giúp đỡ lập quy hoach như Ba Lan giúp làm quy hoạch Thành phố Hải Phòng, CHDC Đức giúp làm quy hoạch Thành phố Vinh, Bungari giúp quy hoạch Thái Bình… Riêng Thành phố Vinh không chỉ làm quy hoạch tổng thể mà cả quy hoạch chi tiết tiểu khu nhà ở Quang Trung, khu này cũng được nước bạn giúp đỡ cả việc xây dựng và hoàn thiện toàn bộ. Đối với Thủ đô Hà Nội ngoài quy hoạch tổng thể cũng có những khu xây dựng cụ thể với sự giúp đỡ của Liên Xô, quan trọng nhất là việc xây mới trường Đại học Bách khoa và khu nhà ở Kim Liên. Đối với khu Kim Liên thì quy hoạch do Liên Xô giúp, còn việc xây dựng nhà ở lắp ghép do nước CHDCND Triều Tiên giúp. Chính qua quy hoạch khu nhà ở Kim Liên mà khái niệm “tiểu khu nhà ở” (micro rayon) lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam. (Có điều lý thú là cũng khoảng thời gian đó, ở Sài Gòn đã xây dựng khu nhà ở Thanh Đa, cũng có cấu trúc “tiểu khu - neighbourhood unit” được tiếp nhận từ các nước phương Tây.

Như vậy có thể thấy rằng, các KTS thế hệ đầu được đào tạo ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với thực tế quy hoạch và xây dựng đô thị các thành phố ở nước ta vào thời Pháp thuộc do người Pháp thực hiện, cùng với những kiến thức qua quá trình làm việc cùng chuyên gia Liên Xô và các nước XHCN khác (một số được đi học, thực tập dự hội nghị tại các nước này), đã trở thành những chuyên gia của nước ta trong lĩnh vực khoa học mới mẻ này.

Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội do đoàn chuyên gia Liên Xô giúp ta được thực hiện qua nhiều năm với nhiều tốp cán bộ luân phiên nhau, vừa đóng góp vào việc đào tạo cán bộ, cung cấp nhiều kinh nghiệm chuyên môn bổ ích, vừa tạo ra một sản phẩm tốt làm công cụ cho việc quản lý việc xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Nhiều công trình lớn, nhiều khu xây dựng đã được bố trí dựa theo bản quy hoạch này. Cấu trúc đô thị mạch lạc với trung tâm chính gắn liền với khu vực Hồ Tây, tạo ra một hệ thống các vành đai bao quanh hồ và hệ thống các đường tia hướng về phía hồ.

Tinh thần quy hoạch dựa trên nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ đã đem lại hình ảnh đẹp về một đô thị hoàn chỉnh, đảm bảo các phúc lợi xã hội cho đông đảo dân cư trên cơ sở một nền kinh tế phát triển. Nhưng thật không may, những ý tưởng cao đẹp về một đô thị hoàn chỉnh, khả dĩ phục vụ đông đảo người dân lao động đã rơi vào tình trạng hụt hẫng cùng với những biến động lớn về cơ chế xã hội.

Vào những năm miền Bắc bị không quân Mỹ oanh tạc, trước nguy cơ bị ngập lụt nếu đê sông Hồng bị phá hủy, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã phải tính đến việc tìm địa bàn xây dựng mới ở Vĩnh Yên, nơi có nền đất cao hơn (chân núi Tam Đảo). Ý tưởng này càng trở nên cấp thiết trước tình hình việc mở rộng đất đai xây dựng ở Hà Nội sẽ phải lấy vào nhiều đất ruộng trũng, chẳng những bất lợi về xây dựng đô thị mà còn mất đi nhiều đất canh tác vốn rất quý, trong lúc phải lo khắc phục sự thiếu hụt trầm trọng về lương thực. Nhưng ý tưởng về một “Thủ đô mới” đã tỏ ra vượt quá khả năng của nền kinh tế đang còn nhiều vết thương chiến tranh. Quay trở lại với “Thủ đô cũ”, lúc mà mọi khoản đầu tư của nhà nước đều bị cắt giảm, bản quy hoạch tỏ ra “quá khang trang” cũng bị cắt giảm theo, bị biến dạng để rồi sau đó được thay thế bằng giải pháp quy hoạch khác phù hợp hơn với thực trạng kinh tế.

Tuy nhiên, bao quanh Hồ Tây không phải là một khu cây xanh lớn cùng với những công trình văn hóa phong phú để phục vụ đông đảo người dân đô thị như quy hoạch trước đây, là một bước thụt lùi đáng tiếc của chất lượng đô thị.

Những bước khởi đầu của quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã cho thấy một quá trình tư duy đô thị, một bối cảnh của sự tiếp nhận từ bên ngoài những kiến thức của môn khoa học còn mới mẻ và cũng rất khó khăn bởi tính tổng hợp và đa ngành của nó.

Quy hoạch đô thị là công cụ chủ yếu để quản lý sự phát triển đúng hướng của quy hoạch

Đô thị học quan niệm “đô thị là cơ thể sống” luôn có yêu cầu đổi mới và phát triển. Nếu không có một “khung định hướng” thì đô thị sẽ phát triển tự phát, không theo khuôn khổ nào, dẫn tới những bất hợp lý về cấu trúc không gian, không có lợi cho sự hình thành môi trường sống phù hợp với yêu cầu của con người ở thời kỳ hiện đại. Thành phố Hà Nội được sự trợ giúp của Bộ Xây dựng, luôn phấn đấu thiết lập một đồ án quy hoạch đô thị cho yêu cầu phát triển dài, hạn cũng như quy hoạch chi tiết cho những yêu cầu xây dựng ngắn hạn. Các quy hoạch này thường được bổ sung cập nhật qua các thời kỳ phát triển để có thể sát hợp hơn với thực tế phát triển đô thị.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn có tình trạng quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng, đồ án quy hoạch chưa thực sự là công cụ hữu hiệu cho việc quản lý phát triển Thành phố. Trong công tác quản lý phát triển đô thị người ta vẫn có nhận xét rằng, việc quản lý xây dựng đô thị đã bị buông lỏng khiến cho rất nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, xây dựng rồi lại phải phá đi chữa lại cho đúng với quy hoạch. Rõ ràng công việc quản lý phát triển đô thị theo yêu cầu của một thành phố chưa thực sự tương xứng với tầm vóc và vai trò to lớn của nó trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội đối với cả nước.

Mặt khác cũng cần nhìn nhận một thực tế khó khăn là, trong bối cảnh của nền kinh tế chậm phát triển, nền kinh tế còn chủ yếu là sản xuất nhỏ thì, lối sống cũ cùng với những tâm lý gắn liền với lề lối sản xuất, buôn bán nhỏ chưa thể thích nghi ngay với yêu cầu của một đô thị hiện đại. Trong thành phần dân cư, bộ phận người lao động kiếm sống bằng việc sản xuất nhỏ và buôn bán nhỏ, kinh doanh trên hè phố quá đông đúc vẫn luôn là điều khó khăn cho trật tự đô thị cũng như cho yêu cầu vệ sinh đô thị. Giao thông cơ giới phát triển đòi hỏi tổ chức giao thông đô thị phải hiện đại, nhưng lối sống và tâm lý đi lại còn rất tùy tiện, hoàn toàn không phù hợp với việc tổ chức đi lại của đô thị hiện đại; các vụ va chạm gây nên nhiều tai nạn xảy ra hàng ngày đã nói rõ về tình trạng này.

Kiến trúc hiện đại coi “nhà là cái máy để ở” là để nói đến quan niệm: kiến trúc ở thời hiện đại thì ngôi nhà được xử lý với rất nhiều thiết bị phục vụ sinh hoạt của người ở được tính toán chính xác đến từng chi tiết như một cái máy và người ở cũng phải có kiến thức để vận hành thật đúng cái máy ấy. Đô thị hiện đại lại càng phải như vậy, bởi đây là cuộc sống với lối sinh hoạt của rất đông người, nếu không có được sự vận hành hợp lý của cỗ máy khổng lồ này thì rất nhiều rắc rối sẽ xảy ra. Vì thế một trong những yêu cầu về lối sống ở đô thị hiện đại là tính kỷ luật cao, cơ quan quản lý đô thị phải có những hiệu lệnh đúng và người dân đô thị phải thực hiện đúng tất cả những hiệu lệnh đó.

Xem xét về những yếu tố này trong thực tế quản lý đô thị ở nước ta nói chung cũng như ở Thủ đô Hà Nội, rất dễ nhận ra rằng các yêu cầu kỷ luật cao trong xây dựng đô thị, hiệu lệnh đúng của cơ quan quản lý và việc thực hiện đúng của người dân, đều đang còn là vấn đề phải được nỗ lực tuyên truyền vận động sâu rộng trong nhân dân nếu ta mong muốn có một đô thị hiện đại.

Kinh nghiệm ở nhiều nước, để việc làm quy hoạch đô thị có hiệu quả thì phải đảm bảo cả hai yếu tố lập pháp và hành pháp khi đưa đồ án quy hoạch đô thị vào cuộc sống với tư cách là “cái gậy” của nhà quản lý đô thị. Tính lập pháp đòi hỏi việc lập quy hoạch phải rất chính xác, để sau này khi phê duyệt liền được chuyển sang các dạng văn bản mang tính pháp chế. Từ đó có thể thấy rằng, sau khi đã có định hướng về phát triển kinh tế xã hội, thì việc định hướng cho mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn xây dựng trở thành nhiệm vụ chủ yếu của đồ án quy hoạch. Toàn bộ nội dung của dự án này được thể hiện trên hai loại hồ sơ: Hồ sơ bản vẽ cung cấp các thông tin về không gian và lãnh thổ và hồ sơ về quy chế cung cấp những quy định bắt buộc đối với mọi công trình xây dựng trên địa bàn đô thị./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark