05/11/2012 | 08:55:00

T ạo cơ sở pháp lý xây dựng Thủ đô xứng đáng vai trò, vị trí

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ tư, sáng 5/11, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Thủ đô.

Nhiều đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo dự án Luật Thủ đô đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời, đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có những quy định phù hợp.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XII, các quy định trong dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý lại phù hợp hơn, có tính khả thi cao hơn, bảo đảm chất lượng và điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Làm rõ c ơ chế, chính sách riêng phù hợp với vai trò, chức năng của Thủ đô

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, các đại biểu nhất trí: Với vị trí, vai trò của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội và nhân dân cả nước.

Để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô, dự án Luật cần quy định cho Thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp.

Theo đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội), dự thảo đã đạt được bước tiến khá căn bản, thu hẹp được sự khác biệt trong ý kiến về hầu hết các vấn đề quan trọng; xác định một cách rõ ràng hơn, xác đáng hơn tính chất đặc thù của Thủ đô và cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô.

Đại biểu nhấn mạnh: Tính chất đặc thù là Thủ đô là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, là bộ mặt của cả nước, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành; nơi có các cơ quan ngoại giao, cơ đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế; nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động quan trọng tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đây chính là những đặc điểm chỉ riêng Thủ đô mới có và được xác định là tính chất đặc thù của Thủ đô.

Theo đại biểu, với vị thế và vai trò đặc biệt như vậy, chính quyền và nhân dân Thủ đô không những thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của riêng mình mà còn có trách nhiệm rất quan trọng và rất vinh dự là thay mặt cả nước đảm bảo điều kiện và môi trường hoạt động tốt, đáp ứng tiêu chuẩn cao về cơ sở hạ tầng, quản lý tổ chức đô thị, văn minh đô thị, xứng đáng ngang tầm với những thủ đô tiên tiến, văn minh hiện đại khác trên thế giới.

Do đó, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước cũng có trách nhiệm tạo điều kiện cho Thủ đô thực hiện tốt trọng trách của mình, thông qua các chính sách ưu tiên đầu tư về nguồn lực cũng như cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho Thủ đô hoạt động thuận lợi, có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Đại biểu cho rằng, những chính sách ưu tiên như vậy không phải là sự ưu ái dành riêng cho Thủ đô mà phải được xem như sự tự nguyện, gương mẫu của chính nhân dân Thủ đô và sự chung vai gánh vác của nhân dân cả nước với Thủ đô, phục vụ sự nghiệp phát triển chung.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình: việc xác định vị trí, vai trò của Thủ đô là cơ sở để quy định một số cơ chế, chính sách phục vụ cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô. Bởi lẽ, nếu coi Hà Nội chỉ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh giống như 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại trong cả nước thì không cần thiết quy định các cơ chế, chính sách riêng cho Hà Nội.

Cần xác định Thủ đô của cả nước là Trung tâm đầu não chính trị - hành chính của một quốc gia. Khi đó, Hà Nội thực hiện vai trò, chức năng Thủ đô của cả nước, với nhiều trọng trách nặng nề hơn các địa phương khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) và nhiều đại biểu khác đồng tình, quy định cho Thủ đô một số cơ chế đặc thù và những chính sách phù hợp là để tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển,quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), việc thông qua Luật Thủ đô là cơ hội để Thủ đô của gần 90 triệu người dân Việt Nam phát triển tốt đẹp, bền vững hơn. Đây cũng là cơ sở pháp lý có giá trị lâu dài, tạo sự phát triển năng động, chủ động, phát triển và bảo vệ thủ đô.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lưu ý đến việc quy định trách nhiệm của Thủ đô bởi cũng chính vì những đặc thù đặc biệt này mà cần có yêu cầu khắt khe hơn so với những địa phương khác để làm gương.

Cả nước vì Thủ đô nhưng Thủ đô cũng có trách nhiệm vì cả nước để mỗi người dân khi đặt chân đến Thủ đô thấy tự hào vì thủ đô văn minh, lịch sự, sạch đẹp.

Đồng tình cần thiết có những cơ chế, chính sách đặc thù hơn để đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô so với các tỉnh, thành phố khác nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần làm rõ hơn những cơ chế, chính sách đặc thù, nổi bật của Thủ đô bởi những vấn đề bức xúc được đề cập trong dự thảo là vấn đề chung trong cả nước chứ không riêng gì Hà Nội, như: quản lý đất đai, giao thông, dân cư…

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ chế chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô và mối quan hệ giữa chính quyền Thủ đô với các cơ quan Trung ương, điểm khác so với các tỉnh, thành phố khác vì nếu làm rõ mới nêu bật được sự khác biệt về cơ chế chính sách để khắc phục được những hạn chế.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đề nghị, nâng cao hơn nữa tính khả thi của Luật bởi dự thảo còn mang nặng bóng dáng Nghị quyết chỉ đạo quy hoạch chung cho Thủ đô, nội dung còn chung chung, nhiều nội dung trong mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, chưa có chế tài rõ ràng.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị cần xác định Thủ đô là duy nhất, không nằm trong sự so sánh; tập trung khai thác tốt cái đặc thù, riêng có của Thủ đô để có sự điều chỉnh.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), xuất phát từ sự khác biệt của Thủ đô, cần có cơ chế, chính sách quản lý, điều chỉnh riêng để đạt được những mục tiêu cho chức năng vốn có của Thủ đô.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý các điều về vị trí, vai trò của Thủ đô, trách nhiệm xây dựng và phát triển Thủ đô để làm rõ nội hàm này.

Một số nội dung quy định tiêu chí của thủ đô, định hướng phát triển Thủ đô cũng cần được làm rõ trong dự thảo; đề cập đầy đủ hơn một số vấn đề liên quan đến quản lý như vấn đề chính quyền đô thị, quản lý xã hội hay phát triển thương mại, du lịch…

Bảo đảm chất lượng sống, điều kiện làm việc tốt hơn cho người dân nội đô

Liên quan đến vấn đề quản lý dân cư - một nội dung quan trọng của dự thảo Luật, đa số đều tán thành với quy mô phát triển như hiện nay, cơ sở hạ tầng của Hà Nội không thể đáp ứng nên phải có những biện pháp đồng bộ để quản lý dân cư, đảm bảo cho sự phát triển bền vững và bảo đảm chất lượng sống, điều kiện làm việc tốt hơn cho người dân nội đô.

Nhiều ý kiến tán thành việc thắt chặt quy định điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội bởi nếu không đảm bảo biện pháp hạn chế nhập cư, không thể giải quyết việc xây dựng, phát triển Thủ đô trước tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm.

Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.

Tán thành việc điều tiết bằng các giải pháp kinh tế - xã hội, tuy nhiên, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) cho rằng, trong hoàn cảnh Thủ đô còn rất hạn chế và khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như về điều kiện sinh hoạt, quản lý, tổ chức, đô thị, việc áp dụng bổ sung các biện pháp mang tính hành chính cũng rất cần thiết; bên cạnh đó, bổ sung quy định đảm bảo mức sống, tiêu chuẩn văn minh đô thị cao hơn cho khu vực nội thành.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) khẳng định: Đây là biện pháp hành chính áp dụng trước mắt, không trái với quy định của Luật Cư trú, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà hoàn toàn cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Nhiệm vụ của Nhà nước là phải đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống cho dân cư.

Thực tế các đô thị lớn đang có gánh nặng quá tải áp lực dân cư; nếu không có kế hoạch quản lý, phân bổ dân cư hợp lý sẽ làm suy giảm chất lượng sống. Đại biểu cho rằng quy định như phương án 1 là cần thiết bởi nếu không quy định chặt chẽ cơ quan chức năng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trong tương lai, cản trở sự phát triển, làm suy giảm chất lượng sống.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành phương án 2 như ý kiến đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn). Đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn về phân loại đối tượng, về quy định nhà ở thuê.

Theo đại biểu, đối tượng tạm cư, người lao động thời vụ chiếm số lượng khá lớn và đã đóng góp tích cực cho đời sống và sự phát triển của Thủ đô, tuy nhiên, cũng đem đến những vấn đề không nhỏ trong quản lý trật tự, vệ sinh, môi trường, văn minh đô thị nếu không được quản lý tốt. Đại biểu nhấn mạnh: Thủ đô phải được xây dựng trở thành một trung tâm kinh tế chứ không phải là trung tâm sinh kế.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc đưa ra 2 phương án lựa chọn để thắt chặt điều kiện nhập cư là không đủ sức thuyết phục bởi không thể giảm mật độ dân cư bằng cách này, không thể phủ định và quy định khác đi so với Luật cư trú.

Đại biểu đề nghị cần trả lời được câu hỏi: Vì sao môi trường sống chưa tốt nhưng người dân lại thích kéo về thủ đô ? Phải chăng quy hoạch chung về Thủ đô là có vấn đề?

Đại biểu dẫn chứng, trong khi tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, rác thải…ở Hà Nội ở mức báo động, các trung tâm ngoại ngữ, giáo dục từ mẫu giáo đến đại học chất lượng cao, các khu chung cư, khu dân cư cao cấp, văn phòng, trụ sở công ty vẫn liên tục mọc lên, quy tụ về Thủ đô. Do đó, việc người dân quy tụ về Thủ đô là điều hết sức bình thường vì Hà Nội còn cần đến họ và vì tính hấp dẫn của Thủ đô. quan tâm nhiều đến khu vực nội thành hơn.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Dương Trung Quốc và một số đại biểu khác cho rằng, cùng với chính sách, cần kích thích sự hướng tới không gian rộng lớn còn lại bởi Thủ đô Hà Nội ngày nay không chỉ là Thăng Long xưa mà còn gắn với văn hóa xứ Đoài.

Đất lành chim đậu, nếu xây dựng được cơ sở hạ tầng, chính sách tốt, dân cư sẽ không co cụm chỉ trong vùng lõi của nội thành. Đai biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quan trọng hơn là quy hoạch lại các phân khu chức năng để hướng người dân không tập trung vào nội đô./.

(TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark