30/05/2018 | 10:58:00

Tập đoàn T&T muốn thoái hết vốn ở Bệnh viện Giao thông vận tải

Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Công ty cổ phần Tập đoàn T&T vừa có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cho thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải.

Theo lãnh đạo Tập đoàn T&T, khi Chính phủ có chủ trương thí điểm cổ phần hóa đơn vị bệnh viện công lập đầu tiên là Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải mời các nhà đầu tư đăng ký tham dự làm nhà đầu tư chiến lược, đấu giá mua 30% cổ phần theo các tiêu chí lựa chọn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ, Tập đoàn T&T đã nộp hồ sơ đề xuất, được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược theo đúng quy định và đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần vào ngày 6/10/2015.

Sau khi chính thức trở thành cổ đông lớn và tham gia vào Hội đồng quản trị, Tập đoàn T&T đã bắt tay ngay vào đổi mới công tác quản trị, điều hành Bệnh viện, tổ chức lại bộ máy, ổn định tâm lý và việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bổ sung thành lập mới các khoa phòng cho phù hợp và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Bệnh viện đa khoa cấp 1 và thực hiện các cam kết khi trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Đồng thời, Tập đoàn T&T đã xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển Bệnh viện Giao thông với tầm nhìn từ 2016-2025, theo đó xây dựng Bệnh viện này trở thành một bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực mũi nhọn về tim mạch, ung thư, nội tiết và cận lâm sàng (nội soi, chuẩn đoán hình ảnh)...

Mặc dù vậy, do công tác cổ phần hóa kéo dài và chưa có sự rõ ràng về mặt chủ trương đã ảnh hưởng lớn về tâm lý đối với cán bộ công nhân viên mà trong đó vừa là người lao động cũng vừa là các cổ đông của Bệnh viện. Nhà đầu tư, không nằm ngoài ảnh hưởng đó, đã tạm dừng các dự án và kế hoạch lớn phát triển Bệnh viện nhằm chờ đợi kết luận cuối cùng từ cơ quan có thẩm quyền.

“Điều này, trên thực tế đã dẫn Bệnh viện đến tình trạng hoạt động khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh vượt quỹ vượt trần lớn tại các bệnh viện và thực tế thanh toán khó khăn, chậm trễ từ cơ quan Bảo hiểm xã hội,” lãnh đạo Tập đoàn T&T cho hay.

Đối với Bệnh viện Giao thông vận tải tình hình càng khó khăn hơn do đã không còn là đơn vị hành chính sự nghiệp, không có nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hàng năm cho chi lương thường xuyên (25 tỷ đồng/năm) và chi đầu tư trong khi nguồn thu phụ thuộc chính vào Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Dẫn chứng, chi phí bằng tiền trung bình hàng tháng của Bệnh viện khoảng 15 tỷ đồng/tháng, nhưng có những thời điểm tài khoản của Bệnh viện đỉnh điểm chỉ còn vài trăm triệu đồng, dẫn tới hoạt động của Bệnh viện rất khó khăn, đặc biệt trong các đợt cao điểm dịch bệnh.

Tại Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5 vừa qua của Văn phòng Chính phủ quyết định về việc Bộ Giao thông Vận tải ngừng thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu sau khi tăng vốn điều lệ tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đẫn đến Nhà nước sẽ nắm giữ trên 71% vốn điều lệ thay vì 30% như tại Quyết định 1129/QĐ-TTg cũng như thông tin cáo bạch đã công bố cho nhà đầu tư khi chào bán cổ phần phổ thông trên Sàn giao dịch chứng khoán.

Sự thay đổi này, theo lãnh đạo Tập đoàn T&T là đã có khác biệt với chủ trương công bố ban đầu và sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị và điều hành Bệnh viện nhằm phát triển Bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăm sóc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho toàn dân.

Với lý do này, Tập đoàn T&T đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cho Tập đoàn thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải theo các điều khoản thỏa thuận đã ký kết và không tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.

Tập đoàn T&T kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải theo quy định hiện hành của pháp luật./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark